“Đá dở” có thể… giúp Man United tiết kiệm hơn 726 triệu bảng?
VHO - Manchester United đang đứng trước nghịch lý kỳ quặc bậc nhất của bóng đá hiện đại: một chiến thắng tại chung kết Europa League có thể khiến họ trả giá gần 1 tỷ bảng. Không phải vì tiền thưởng, mà vì... điều khoản vay nợ.

Trong bóng đá, thành tích trên sân thường kéo theo hiệu quả tài chính hoặc ngược lại. Nhưng ở Man United lúc này, cả hai đường biểu đồ đều đang đi xuống. Vị trí thứ 16 tại Premier League, mùa giải tệ hại nhất trong kỷ nguyên Ngoại hạng.
Nếu không có trận đấu ở Bilbao vào đêm thứ Tư, "Quỷ đỏ" sẽ khép lại mùa giải với thành tích thấp chưa từng thấy kể từ năm 1990, không danh hiệu, không suất dự cúp châu Âu, và không còn gì để bấu víu.
Tuy nhiên, chính trận chung kết Europa League ấy - niềm hy vọng cuối cùng để níu giữ hình ảnh, lại tiềm ẩn một hệ quả tài chính rất không ngờ tới: nếu thắng, Man United có thể phải đối mặt với nguy cơ vỡ nghĩa vụ nợ vay.
Từ "giấc mơ Champions League" đến cơn đau đầu trái phiếu
Theo lẽ thường, vô địch Europa League đồng nghĩa suất vào thẳng vòng bảng Champions League, nơi các CLB hàng đầu có thể bỏ túi từ 50–100 triệu bảng mỗi mùa nhờ bản quyền truyền hình, tiền thưởng và các nguồn thu đi kèm.
Với một đội đã lỗ lũy kế hơn 370 triệu bảng trong 5 năm qua như Man United, đó là món quà trời cho. Nhưng... “trên giấy tờ” lại là chuyện khác.
Giống như nhiều CLB lớn, United đang vận hành một hệ thống vay mượn chằng chịt:
• 337,7 triệu bảng trái phiếu đáo hạn năm 2027
• 178,1 triệu bảng vay có bảo đảm từ Bank of America (hạn 2029)
• Gần 200 triệu bảng từ các hạn mức tín dụng quay vòng
Tổng cộng, CLB đang mang trên lưng khoảng 725,7 triệu bảng nợ phải trả.
Vấn đề nằm ở chỗ: một số khoản trái phiếu này có điều kiện ràng buộc đặc biệt. Cụ thể, Man United buộc phải duy trì EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) không dưới 65 triệu bảng/năm, nếu không sẽ bị xem là vi phạm nghĩa vụ tín dụng, và toàn bộ khoản vay có thể bị chủ nợ yêu cầu thu hồi ngay lập tức.
Tuy nhiên, nếu CLB không giành quyền dự Champions League, họ được phép... miễn trừ điều kiện này trong tối đa 2 năm không liên tiếp. Nói cách khác: đá dở thì được tha, đá giỏi mà tài chính yếu thì phải trả nợ ngay.
Man United đang đứng ở đâu?
Trong 5 năm qua, Man United luôn lỗ ròng (371 triệu bảng), nhưng EBITDA vẫn giữ trên mức an toàn nhờ các khoản điều chỉnh kế toán.
Năm 2022, họ suýt chạm đáy với 81 triệu bảng EBITDA, trong đó có 24 triệu là tiền “bồi thường thôi việc” trả cho các HLV bị sa thải.
Ngay cả khi năm ngoái lỗ hơn 110 triệu bảng, EBITDA vẫn được giữ trên 65 triệu nhờ khoản khấu hao gần 200 triệu bảng, đến từ các hợp đồng chuyển nhượng và lương ban huấn luyện.
Mùa này, CLB dự kiến EBITDA điều chỉnh vẫn đạt 145–160 triệu bảng – nghĩa là nằm rất xa vùng rủi ro. Một nguồn tin nội bộ khẳng định với FT Alphaville rằng việc vào Champions League hoàn toàn là có lợi về tài chính.
Nhưng giả sử doanh thu sụt giảm nghiêm trọng – vì chẳng ai còn muốn mua áo đấu của Onana hay Højlund, và con số EBITDA rơi xuống dưới 65 triệu, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Khi đó, chiến thắng ở Bilbao lại là cái bẫy tài chính trị giá hàng trăm triệu bảng.
Khi bóng đá không còn là chuyện trên sân
Từ câu chuyện oái oăm của Man United, có thể thấy rõ một hiện thực: bóng đá hiện đại không chỉ quyết định bằng bàn thắng hay chiến thuật. Nó còn phụ thuộc vào… cách kê khai lương nhân sự, khấu hao cầu thủ, và các điều khoản trái phiếu.
Có thể nói, ở thời điểm này, Man United đang sống trong nghịch lý: thắng – có thể gánh thêm rủi ro; thua, lại được "tha thứ" về mặt tài chính. Một CLB từng tự hào là biểu tượng toàn cầu, giờ đây phải cân đong từng trận đấu bằng tỷ suất hoàn vốn và cam kết EBITDA.
Và trong một mùa giải mà gần như điều gì cũng sai, người ta đang đặt câu hỏi cay đắng: phải chăng đá tệ vẫn là phương án tiết kiệm nhất dành cho Man United.