Tuyệt chiêu võ rồng
VHO - Trong nền móng võ thuật Việt Nam và Á Đông, hình tượng con rồng (long) được sử dụng khá nhiều và tượng trưng cho sự uy dũng, quyết đoán nhưng không kém phần uyển chuyển, khéo léo trong từng quyền thế. Các môn phái võ học phương Đông thường mô phỏng động tác 5 loài vật: Long, Xà, Hổ, Miêu, Hạc; trong đó, Long luôn được xếp lên hàng đầu. Vì vậy đã có hàng trăm môn phái, hàng trăm võ đường và vô số các đòn thế được lấy từ chữ long.
Một thế long tấn (bên trái) đang đấu với đối thủ trong thế hạc tấn
Rồng trong võ học
Trong dân gian người ta sùng bái tứ linh: Long, lân, quy, phụng đó là những vật thiêng, trong đó long là đầu bảng. Các triều đại phong kiến luôn lấy chữ long để gán vào đấng tối thượng - vua. Mình vua là long thể, áo vua là long bào, giường vua là long sàng, ghế vua là long ngai, mặt vua là long nhan… Như vậy tự lúc nào người ta đã xem rồng là vua, vua là rồng. Vậy võ rồng (long) có phải vua của các võ phái, hoặc nói cách khác là vua võ không? Xin nói ngay, nếu có một thứ võ vua thì có lẽ người người đổ xô đi học thứ võ này để hùng bá thiên hạ, chứ không ai theo học các loại võ khác nữa.
Về mặt lý thuyết, người ta mô phỏng năm vật long, xà, hổ, miêu, hạc, thì duy chỉ rồng là con vật không có thật, chưa ai tiếp cận và nắm giữ bao giờ. Nhưng rồng được mọi người tưởng tượng và xây dựng hình ảnh một cách hoàn hảo nhất; cuối cùng là sùng bái thành vật thiêng, có uy vũ bậc nhất, rồi cũng không ngần ngại ví rồng là vua, có thể hô phong hoán vũ. Trong giới võ thuật, người ta xây dựng hình ảnh rồng - long hình quyền thành các dáng thủ, đòn thủ, như; Phi long (bay), giáng long (đáp, đậu), thăng long (bay lên), ngọa long (nằm), long trảo (móng vuốt),… vốn không có mặt trong thực tế nên nhiều kỹ thuật của rồng chỉ là biến dị những đặc trưng thuộc kỹ thuật của các con vật khác và đó là các đòn thế vô cùng lợi hại của các võ sư, võ sĩ khi tỉ thí.
“Khác với xà tấn (thế thủ của rắn), long tấn cũng uyển chuyển, uốn lượn nhưng thân luôn thẳng, ngực ưỡn, dồn khí xuống đan điền tung ra đòn trảo công, hoặc trực quyền một cách uy lực nhất. Sức mạnh của long quyền thông qua việc sử dụng bàn tay tấn công nhanh, hiệu quả bằng móng vuốt và những quả đấm đi kèm việc kiểm soát hơi thở khi diễn quyền.
Bên cạnh đó là những ngọn long cước như một đòn đá đôi trước mặt đi kèm với một quả đấm cao kết hợp với động tác nhảy xoay người”, Đại võ sư Kim Yên (Phú Yên) chia sẻ.
Các võ sư áp dụng các quyền, cước mang hình tượng rồng mà hiện nay trong chương trình huấn luyện của Liên đoàn Võ thuật Việt Nam đã công nhận và ghi chép, như các bài: Long quyền đả khứ, Long quyền đoạt nhãn, Thanh long biên giang, Huỳnh long quyển địa… và hàng chục bài khác, mang yếu tố các đòn thế võ rồng lừng danh qua các thời kỳ. Đáng kể đến như các võ sư tiền bối Kim Kê, Huỳnh Tiền (TP Hồ Chí Minh), Kim Sang, Phi Long Chánh (Khánh Hòa), Huỳnh Kim Hồng, Kim Yên, Long Tu (Phú Yên), Hà Trọng Sơn, Lý Xuân Hỷ, Phi Long, Kim Đình, Sa Long Cương (Bình Định), Ngô Bông, Tấn Tương Lai (Quảng Ngãi), Hồ Cưu, Lưu Thanh Bình, Trần Sô, Hồ Ngọc Anh, Ngô Văn Địch (Quảng Nam), Uy long môn của Nguyễn Thị Thanh Tâm (Hải Phòng), Đỗ Xuân Hoàng (Bắc Giang), Bình Định gia của Nguyễn Văn Sướng (Bắc Giang)…
Theo lão đại võ sư Phi Long (tên thật là Trần Quốc Phi Long, SN 1944, ở Đồng Phó, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định): Hổ quyền và Long quyền được coi là nền tảng võ cổ truyền Bình Định. Trong những bài quyền tinh hoa của võ Tây Sơn - Bình Định có bài Ngũ cầm quyền (long, hổ, báo, xà, hạc). Võ cổ truyền Bình Định rất đa dạng và phong phú, thủ pháp (bộ tay) của vùng đất võ là Ngũ hành pháp. Luyện tập bộ tay theo phép kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Trong đó thủy là Cường long xuất hải (rồng bay ra biển, ở thế tấn công mãnh liệt). Tấn pháp là phương pháp luyện tập đôi chân và di chuyển theo hướng của nguyên lý bát quái; tượng trưng cho tám hướng và tám con vật; trong đó có bộ tấn Long tấn rất biến hóa.
Đến thực chiến
Long quyền luyện thần, Hổ quyền luyện cốt, Báo quyền luyện lực, Xà quyền luyện khí, Hạc quyền luyện tinh. Trong thực tế luyện tập và áp dụng, tinh thần của rồng là ý, tinh thần của việc triển khí là thần; người luyện võ Ngũ hình quyền có thể dồn khí qua mắt để tạo ra thần hoặc ý. Khi võ sĩ tập luyện thế long tấn, các đường gân rất căng để đạt đến sức mạnh hỗ trợ. Long hình quyền chú trọng vào trảo thủ (khống chế, khóa, vặn bằng bàn tay) và chưởng pháp nổi tiếng. Mặc dù Trảo thủ thường được sử dụng nhiều nhất nhưng các đòn đánh bằng quyền và chưởng vẫn được lưu ý tới. Đặc điểm của kỹ thuật Long trảo là vồ chụp một bộ phận nào đó trên người đối thủ như tay, mặt, tai, mắt, hầu, hạ bộ, các yếu huyệt trên cơ thể nhằm tê bại đối phương.
Có nhiều bài quyền, binh khí mang tên “long” trong võ thuật cổ truyền Việt Nam. Chẳng hạn về quyền, có: Long hình quyền, Long hổ quyền, Xà quyền long hổ trảo, Song long xuất hải quyền, Thăng long quyền, Ẩn hổ tàng long quyền, Long tu chỉ... Về binh khí: Cửu long tiên, Thanh long đao, Long phụng kiếm, Độc long kiếm pháp, Đồ long đao, Long hổ đao, Long hổ côn... tất cả là những bí kiếp tinh luyện của người hành võ và các môn phái.
Cùng với các bài võ, thế võ, binh khí, có nhiều thế hệ võ sư mang tên “long” lừng danh trong nền võ thuật Việt Nam như các võ sư Mã Thành Long, Long Hổ Hội, Triệu Tử Long, Phi Long, Đỗ Phi Long, Phi Long Chánh, Sa Long Cương, Long Tu... Long - Rồng cũng được đặt tên cho nhiều môn phái võ Việt Nam, như: Lưỡng Long võ phái, Thiếu Lâm Bằng long hải, Hòa Long võ đạo, Bạch Long chiến đạo, Bình Định Sa long cương, Thăng Long võ đạo…
NGỌC DIÊN