Từ cải cách hành chính đến tái cấu trúc nền bóng đá
VHO - Từ ngày 1.7, 34 tỉnh, thành phố mới sẽ đồng loạt vận hành chính quyền địa phương hai cấp. Bên cạnh những tác động trực tiếp đến bộ máy công quyền, phân bổ dân cư và nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội, cải cách hành chính (CCHC) cũng đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu đây có phải thời điểm thích hợp để tái cấu trúc toàn diện mô hình phát triển bóng đá địa phương, từ phong trào đến chuyên nghiệp?

Bài học từ Hàn Quốc và Nhật Bản, những quốc gia có nền bóng đá phát triển bậc nhất châu lục đồng thời từng gắn cải tổ hành chính với cải cách thể thao đã cho thấy: Nếu có quy hoạch đồng bộ, thay đổi địa giới hành chính hoàn toàn có thể trở thành bước ngoặt cho một nền bóng đá phát triển bền vững.
Tại nhiều quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, quá trình tái cấu trúc hành chính đã mở đường cho một cuộc cải cách song hành về thể thao địa phương.
Ở Hàn Quốc, các đơn vị hành chính cơ sở như “si” (thành phố), “gun” (huyện) và “gu” (quận) thường được sáp nhập hoặc điều chỉnh ranh giới nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, đặc biệt tại các khu vực nông thôn hoặc vùng ven đô bị suy giảm dân số.
Để văn hóa bóng đá bén rễ vào địa phương
Việc thành lập các đô thị lớn như Incheon, Suwon, Goyang đi kèm với cơ chế riêng để phát triển thể thao địa phương. Hàn Quốc có hệ thống Luật Thúc đẩy Thể thao Quốc gia (National Sports Promotion Act), trong đó quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm cơ sở vật chất và ngân sách cho thể thao cộng đồng. Các thành phố lớn được khuyến khích thành lập đội thể thao đại diện, đặc biệt trong các môn như bóng đá, bóng rổ, bóng chày.
Nhờ đó, khu vực Thủ đô Seoul (gồm thành phố Seoul, Incheon và tỉnh Gyeonggi-do) hiện là nơi đóng bản doanh của gần một nửa số CLB ở K League và K League 2. Mỗi đội bóng đều gắn với một đơn vị hành chính cụ thể, như FC Seoul, Incheon United, Suwon Samsung, Bucheon FC… có cơ chế hợp tác với hệ thống trường học địa phương, được hỗ trợ thuê sân bãi và ưu tiên phân bổ ngân sách giáo dục, thể thao.
Tại Nhật Bản, từ cuối những năm 1990 đến giữa thập niên 2000, Chính phủ đã thực hiện một làn sóng CCHC quy mô lớn, được gọi là “Đại hợp nhất Heisei”, nhằm giảm số lượng các đơn vị hành chính cơ sở từ hơn 3.200 xuống khoảng 1.700. Mục tiêu là nâng cao hiệu quả quản trị, tinh giản bộ máy và phân bổ lại ngân sách hợp lý hơn.
Tuy nhiên, quá trình sáp nhập không chỉ phục vụ mục tiêu hành chính, tài chính, mà còn mở ra cơ hội để tái cấu trúc mô hình văn hóa, thể thao địa phương. Ngay sau khi các đơn vị hành chính mới được thành lập, chính quyền địa phương buộc phải xây dựng Kế hoạch phát triển văn hóa, thể thao giai đoạn 5 năm, trong đó bóng đá là một trong những nội dung ưu tiên.
Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) và các liên đoàn địa phương phối hợp ban hành các tiêu chí cụ thể để một CLB có thể phát triển bền vững: Có sân vận động đạt chuẩn 5.000 - 10.000 chỗ; vận hành hệ thống đào tạo trẻ từ U12 đến U18; gắn kết với hệ thống trường học trên địa bàn; bảo đảm tài chính ổn định trong ít nhất 3 mùa giải; đội ngũ điều hành đạt chứng chỉ quản lý thể thao.
Đối với các CLB chưa đủ điều kiện, JFA cấp “Giấy chứng nhận hướng tới chuyên nghiệp” (Associate Membership), cơ chế như một “phòng chờ” để họ được ghi nhận và hỗ trợ chuẩn bị gia nhập J.League trong tương lai. Điều này tạo ra tính liên tục trong hệ thống, giúp các địa phương mới có lộ trình bài bản xây dựng CLB chuyên nghiệp.
Nhiều đội bóng hiện diện tại J.League ngày nay chính là kết quả trực tiếp của quá trình sáp nhập hành chính và quy hoạch thể thao đi kèm. Có thể kể đến các trường hợp: Machida Zelvia (Tokyo): Phát triển mạnh sau khi Machida được công nhận là thành phố độc lập; Vanraure Hachinohe (Aomori): Hình thành từ việc nhiều thị trấn nhỏ ở tỉnh Aomori được sáp nhập, giúp mở rộng nguồn lực đầu tư; Iwate Grulla Morioka: Khởi đầu là một đội bóng bán chuyên mang tính phong trào, nhưng phát triển mạnh mẽ sau khi các thị trấn thuộc tỉnh Iwate được hợp nhất.
Thống kê đến năm 2025 cho thấy: Từ 10 CLB J.League ban đầu năm 1993, Nhật Bản hiện có 60 đội bóng chuyên nghiệp và bán chuyên, trong đó hơn một nửa gắn liền với các đô thị mới hình thành sau CCHC.
Điều này không chỉ nâng cao chất lượng hệ thống thi đấu, mà còn mở rộng tầng chân đế của bóng đá Nhật, yếu tố then chốt giúp quốc gia này trở thành một trong những nền bóng đá phát triển nhất châu Á. Một nền tảng quan trọng trong mô hình bóng đá Nhật Bản là liên kết chặt chẽ giữa thể thao học đường và CLB địa phương.
Theo chính sách của JFA, ít nhất 50% huấn luyện viên tuyến trẻ (U12 - U15) phải là giáo viên thể chất tại các trường công lập. Mỗi CLB J.League đều có mạng lưới hợp tác với các trường trung học, cao đẳng trong khu vực, được gọi là “School Partnership”.
Mô hình này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí tuyển dụng, mà còn đảm bảo quá trình phát hiện và đào tạo tài năng được triển khai ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây cũng là cách để các CLB xây dựng bản sắc địa phương, gắn bó lâu dài với cộng đồng dân cư và cơ sở giáo dục sở tại.
Bởi vậy, các câu lạc bộ bóng đá đã trở thành một phần không thể thiếu trong cộng đồng địa phương. “Văn hóa bóng đá đã thực sự bén rễ tại Nhật Bản”, ông Yoshikazu Nonomura, Chủ tịch J.League khẳng định và cho biết: “Khi giải đấu khởi tranh, nhiều người cho rằng đó chỉ là một hình thức giải trí hào nhoáng. Nhưng 30 năm đã trôi qua, và tôi tin rằng chúng ta đang ngày càng tiến gần đến hình hài J.League lý tưởng mà chúng ta từng mơ ước”.
J.League không chỉ đưa bóng đá chuyên nghiệp đến với Nhật Bản, mà còn thay thế các đội bóng doanh nghiệp bằng những câu lạc bộ đại diện cho chính khu vực địa phương của họ.
Bài học cho bóng đá Việt Nam
Trở lại với Việt Nam, hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp đang tồn tại dưới dạng “kim tự tháp ngược”: Tầng đỉnh (V.League) có xu hướng phình to, trong khi đáy (hạng Nhì, phong trào, học viện) lại thiếu sức sống. Thêm vào đó là sự bất ổn của nhiều CLB do phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp tài trợ. Khi thiếu nền tảng hạ tầng, lực lượng đào tạo trẻ, sân bãi và khán giả trung thành, các đội bóng dễ rơi vào khủng hoảng khi “mất ô xy” tài chính.
Việc sáp nhập đơn vị hành chính, sáp nhập tỉnh, thành là cơ hội để thiết kế lại bản đồ bóng đá địa phương. Những tỉnh, thành phố mới với cơ sở dân cư, hạ tầng và ngân sách được tái phân bổ, hoàn toàn có thể trở thành trung tâm phát triển thể thao nếu được quy hoạch phù hợp.
Nếu chương trình sáp nhập hành chính đi kèm với quy hoạch thể thao bài bản, Việt Nam sẽ có cơ hội tái cấu trúc “kim tự tháp bóng đá”: Vững nền móng phong trào, ổn định tầng trung và vươn cao đỉnh chuyên nghiệp. Ngược lại, nếu chỉ thay đổi địa giới mà không thay đổi cách tư duy và quản trị, bóng đá địa phương vẫn sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn: Thiếu kinh phí, thiếu cầu thủ, thiếu khán giả…