TP.HCM đặt mục tiêu dẫn đầu thể thao cả nước
VHO - Việc hợp nhất ba địa phương Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM thành một đơn vị hành chính mới đã mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển toàn diện của lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Trong bối cảnh ấy, thể thao TP.HCM đặt ra mục tiêu táo bạo nhưng đầy tính khả thi: vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước.
Từ vị thế siêu đô thị đến trung tâm thể thao quốc gia

Theo TS. Cao Văn Chóng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, việc tái cấu trúc địa giới hành chính không chỉ mang tính quản lý mà còn mang đến sức mạnh tổng hợp cho thể thao thành phố. “Trước khi hợp nhất, TP.HCM luôn ổn định ở vị trí thứ hai tại các kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc. Giờ đây, khi được tăng cường từ nền tảng thể thao của hai tỉnh có truyền thống mạnh như Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để đặt mục tiêu dẫn đầu,” TS. Cao Văn Chóng nhận định.
Với quy mô dân số hơn 14 triệu người, TP.HCM mới không chỉ là siêu đô thị lớn nhất cả nước mà còn là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, cùng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, môi trường đầu tư thuận lợi đã biến nơi đây thành điểm đến chiến lược cho các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 – đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt – xác định TP.HCM là trung tâm phát triển mang tầm khu vực và quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. TS. Cao Văn Chóng cho rằng đây là nền tảng quan trọng để TP.HCM mới khẳng định vị thế dẫn dắt.
“Chúng tôi tin rằng TP.HCM mới sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài nước đến sinh sống, học tập, làm việc. Cộng đồng cư dân đa dạng về văn hóa, bản sắc phong phú sẽ tạo nên một môi trường lý tưởng để thể thao phát triển toàn diện,” ông chia sẻ.
Hợp lực vùng – Hướng đến một hệ sinh thái thể thao hiện đại
Một trong những tiền đề quan trọng của mục tiêu vươn lên dẫn đầu chính là việc kế thừa và tích hợp có chọn lọc những thành tựu, chính sách hiệu quả từ ba địa phương trước đây. Trong đó, Bình Dương được xem là điểm sáng với chiến lược bài bản cho sự phát triển thể dục thể thao (TDTT).

Ngành thể thao Bình Dương đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai hiệu quả Đề án phát triển TDTT đến năm 2025, định hướng đến 2030. Bên cạnh đó là việc hoàn thiện quy hoạch tích hợp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, với điểm nhấn là Khu Liên hợp Văn hóa - Thể thao – một công trình chiến lược nhằm đảm bảo cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ các hoạt động TDTT tầm cỡ quốc gia và khu vực.
Việc tập trung chỉ đạo quyết liệt, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TDTT, chủ động đổi mới tư duy phát triển đang là kim chỉ nam cho nhiều địa phương, và giờ đây là định hướng chung của TP.HCM mới. “Chúng ta cần hình thành một hệ sinh thái thể thao cấp vùng với cấu trúc đa trung tâm, vận hành thông suốt theo logic kinh tế và tư duy chuyên nghiệp. TDTT không thể đứng ngoài dòng chảy phát triển ấy,” TS. Cao Văn Chóng nhấn mạnh.
Thể thao thành phố cũng đặt mục tiêu dẫn đầu cả nước không chỉ nằm ở lĩnh vực thể thao thành tích cao, mà còn lan tỏa đến thể thao quần chúng, thể thao học đường và thể thao chuyên nghiệp. TP.HCM mới có đủ điều kiện và nội lực để phát triển đồng đều các mảng, nhờ nền tảng dân cư đông đảo, nhu cầu vận động cao và hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao đang từng bước được hoàn thiện, mở rộng.
Trong bối cảnh các trung tâm thể thao hiện hữu sẽ được quy hoạch lại, bổ sung cơ sở vật chất và công nghệ hiện đại, thành phố sẽ từng bước trở thành nơi hội tụ, phát hiện và nuôi dưỡng tài năng thể thao trẻ, đồng thời nâng cao chất lượng phong trào TDTT cơ sở.
TS. Cao Văn Chóng kỳ vọng: “Với tiềm năng, nền tảng và chiến lược bài bản, TDTT TP.HCM mới sẽ tiếp tục tiến lên, hướng đến vị trí số một trong hệ thống thể thao Việt Nam – không chỉ bằng huy chương mà còn bằng sự lan tỏa và tính bền vững của một nền thể thao hiện đại, toàn diện và nhân văn.”