Hội thảo Khoa học “Thể thao TP.HCM kiến tạo kinh tế thể thao - Đón đầu công nghệ - Vươn tầm quốc tế”
VHO - Sáng 25.3 tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM), Sở VHTT TP.HCM tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Thể thao TP.HCM kiến tạo kinh tế thể thao - Đón đầu công nghệ - Vươn tầm quốc tế”.
Hội thảo diễn ra nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống ngành Thể dục thể thao (27.3.1946 – 27.3. 2025) và 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025).

Hội thảo quy tụ nhiều đại biểu và chuyên gia đầu ngành đến từ Cục TDTT Việt Nam, Ủy ban Olympic Việt Nam, Sở VHTT TP.HCM, các sở, ban, ngành; lãnh đạo các Trung tâm TDTT, Trung tâm VHTT, Chủ tịch, Tổng Thư ký các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao và các chuyên gia, nhà nghiên cứu; cán bộ quản lý trong lĩnh vực thể thao, lãnh đạo Trường Đại học TDTT, Trường Đại học Sư phạm TDTT và các cơ sở giáo dục có liên kết với ngành thể thao,...
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Nam Nhân cho biết, Hội thảo nhằm triển khai Chiến lược phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu xây dựng quy hoạch và chiến lược phát triển thể dục thể thao của TP.HCM, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xu hướng thể thao toàn cầu.

Cúng với đó là phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp, mở rộng hợp tác quốc tế, đồng thời nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong huấn luyện thể thao hiện đại, nâng cao hiệu quả đào tạo VĐV.
Ông Nguyễn Nam Nhân nhấn mạnh: “Thể thao TP.HCM rất chú trọng đến việc phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp, hợp tác quốc tế và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào huấn luyện thể thao hiện đại.
Các nghiên cứu và thảo luận trong khuôn khổ Hội thảo sẽ giúp chúng ta xây dựng một chiến lược phát triển phù hợp với xu hướng phát triển toàn cầu, đồng thời góp phần tạo những những bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng thể thao, thúc đẩy kinh tế thể thao và tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho TP.HCM”.

Trong phần trình bày báo cáo “Những thách thức khi triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội đối với lĩnh vực thể dục thể thao TP.HCM”, PGS.TS. Vũ Việt Bảo - Chủ tịch Hội đồngTrường Đại học TDTT TP.HCM cho rằng, thể thao TP.HCM đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ nhờ Nghị quyết 98/2023/QH15, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách đặc thù.
Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề về nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng, khung pháp lý và sự phối hợp giữa các bên liên quan.

PGS.TS. Vũ Việt Bảo cho biết: “Để thể thao TP.HCM phát triển bền vững và thực sự trở thành một ngành kinh tế quan trọng, cần tập trung hoàn thiện thể chế, thúc đẩy đầu tư theo mô hình đối tác công - tư, tăng cường chuyển đổi số và khai thác hiệu quả thị trường thể thao.
Ngoài ra, việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là HLV, trọng tài và VĐV, cũng cần được chú trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên đấu trường quốc tế.
Việc tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế, kết hợp với phát triển thể thao học đường và thể thao quần chúng, sẽ giúp TP.HCM từng bước khẳng định vị thế”.

Trong phần báo cáo “Kinh tế thể thao - tiềm năng và giải pháp thúc đẩy thị trường kinh tế - dịch vụ thể thao tại TP.HCM”, TS. Vũ Thái Hồng - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Thể thao cho rằng, kinh tế thể thao đang trở thành một ngành công nghiệp tiềm năng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.
Với lợi thế về kinh tế, dân số, cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ, Thành phố có điều kiện để xây dựng kinh tế thể thao thành một ngành thực sự.
Để đạt được mục tiêu này, cần tập trung hoàn thiện thể chế, thu hút đầu tư, phát triển thị trường thể thao, nâng cao quản lý nhà nước, đào tạo nhân lực và cải thiện hạ tầng. Việc kết hợp thể thao với du lịch, ứng dụng công nghệ và tổ chức sự kiện quốc tế sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Với chiến lược đúng đắn và sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng, TP.HCM có thể trở thành trung tâm kinh tế thể thao hàng đầu của Việt Nam và khu vực.

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế quốc tế, TS. Tay Tat Seng - Chủ tịch tập đoàn quốc tế Ativo, đã có những phân tích về mô hình kinh tế thể thao của Singapore, nhấn mạnh vai trò của thể thao trong việc tạo việc làm, thúc đẩy du lịch và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Từ đó, TS. Tay Tat Seng đề xuất các giải pháp để TP.HCM phát triển kinh tế thể thao theo mô hình Singapore, tập trung vào giáo dục, gắn kết cộng đồng và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Cũng tại Hội thảo, TS. Nhà báo Võ Danh Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật thế giới đánh giá cao vai trò của việc xây dựng thương hiệu thể thao TP.HCM.
Ông Hải nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc nâng cao hình ảnh thể thao, thu hút tài trợ, khuyến khích đầu tư và thúc đẩy phong trào thể thao cộng đồng. Việc phát triển thương hiệu giúp tạo động lực cho thế hệ trẻ, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và xây dựng văn hóa thể thao bền vững.

Bên cạnh đó, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh, tối ưu hóa truyền thông, hỗ trợ tổ chức sự kiện và tăng cường tương tác với cộng đồng thể thao. Sự kết hợp giữa con người và công nghệ sẽ giúp thể thao TP.HCM phát triển mạnh mẽ và vươn tầm quốc tế.
Sáng 26.3, Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra với các phần trình bày nghiên cứu khoa học về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong huấn luyện thể thao, dinh dưỡng trong thể thao thành tích cao, cũng như chiến lược phát triển thương hiệu thể thao.
Công bố các nghiên cứu chuyên sâu về du lịch thể thao, nguồn nhân lực thể thao trong thời kỳ 4.0, mô hình hợp tác công - tư trong đầu tư cơ sở vật chất thể thao và dinh dưỡng trong thể thao.