Thể thao Việt Nam không đứng ngoài chuyển đổi số

THU SÂM; ảnh: THÁI DƯƠNG

VHO - Hội thảo Chuyển đổi số trong phong trào Olympic Việt Nam do Ủy ban Olympic Việt Nam phối hợp với Cục Thể dục thể thao Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức vừa diễn ra vào chiều 20.3, tại Hà Nội.

Thể thao Việt Nam không đứng ngoài chuyển đổi số - ảnh 1
Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo được tổ chức với sự tham gia của đại diện Cục TDTT Việt Nam, Ủy ban Olympic Việt Nam, các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia, các đơn vị, tổ chức thể thao, các chuyên gia, các huấn luyện viên, vận động viên, các nhà quản lý thể thao.

Hội thảo được tổ chức nhằm ứng dụng công nghệ số vào phát triển phong trào Olympic Việt Nam. Từ đó giúp tăng cường nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong quản lý, vận hành, công tác huấn luyện, tổ chức thi đấu cũng như tổng hợp cơ sở dữ liệu về Phong trào Olympic Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng, Cục Thể dục thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt nhấn mạnh, chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu trên toàn thế giới và là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở để xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực.

Hội thảo được tổ chức nhằm cụ thể hóa các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Kết luận số 70 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới; Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt là Kết luận của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam tại Hội nghị tổng kết 2024 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Olympic Việt Nam năm 2025.

Thể thao Việt Nam không đứng ngoài chuyển đổi số - ảnh 2

"Hội thảo là dịp để chúng ta cùng chia sẻ, thảo luận về việc xây dựng, vận hành và khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu toàn bộ hoạt động TDTT, cũng như xây dựng, thiết lập hệ thống kỹ thuật, công cụ ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong lĩnh vực TDTT; triển khai các ứng dụng phân tích, khai thác dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) trong đào tạo vận động viên, hướng dẫn tập luyện thi đấu và tổ chức sự kiện thể thao...", Cục trưởng Đặng Hà Việt nhấn mạnh.

Đồng thời cho rằng chuyển đổi số còn là công cụ hữu hiệu giúp cho các nhà quản lý thể thao giảm bớt công sức thủ công, tăng tính chính xác và tiết kiệm thời gian; đối với các huấn luyện viên và vận động viên, sẽ giúp phân tích hiệu suất của mình thông qua các thiết bị đo lường, cảm biến và phần mềm phân tích dữ liệu từ đó hạn chế tối thiểu nguy cơ chấn thương trong tập luyện và thi đấu cũng như tăng cường tính minh bạch và công bằng trong việc quyết định kết quả.

Việc chuyển đổi số sẽ giúp đưa các hoạt động TDTT đến gần hơn với cộng đồng bằng các ứng dụng thiết bị di động, thiết bị công nghệ thông minh. Dựa vào đó người dân có thể tham gia thể dục thể thao theo cách riêng của mình và phù hợp với điều kiện, thời gian cho phép.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về vai trò của chuyển đổi số trong việc phát triển phong trào Olympic tại Việt Nam, từ công tác đào tạo, huấn luyện đến tổ chức thi đấu và quản lý vận động viên; Giới thiệu các mô hình, nền tảng công nghệ và giải pháp số hóa giúp nâng cao hiệu quả trong huấn luyện, giám sát sức khỏe, phân tích dữ liệu và tối ưu hóa thành tích thi đấu.

Trao đổi về vấn đề bản quyền và quyền tác giả trong việc bảo vệ quyền lợi của các cá nhân và tổ chức trong môi trường số hóa; Chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ các liên đoàn thể thao, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực thể thao số, truyền thông, tiếp thị thể thao và phát triển kinh tế thể thao.

Đồng thời đề xuất chính sách và giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hệ thống thể thao Việt Nam, góp phần nâng cao thành tích thi đấu và mở rộng phong trào thể thao cộng đồng.

Thể thao Việt Nam không đứng ngoài chuyển đổi số - ảnh 3
Ông Đỗ Việt Hùng, Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) trình bày tham luận tại Hội thảo

Trình này tham luận tại Hội thảo, ông Đỗ Việt Hùng, Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA), đã chia sẻ về sự phát triển mạnh mẽ của thể thao điện tử (Esports) và thể thao thể chất số (Phygital Sports) trong bối cảnh chuyển đổi số.

Theo ông Hùng, thể thao điện tử không còn là một lĩnh vực giải trí đơn thuần mà đã trở thành một phần quan trọng của hệ sinh thái thể thao hiện đại, được công nhận trong hệ thống thi đấu quốc tế từ SEA Games, Asian Games cho đến Thế vận hội Olympic. Bên cạnh đó, thể thao thể chất số, mô hình kết hợp giữa vận động thực tế và công nghệ, cũng đang phát triển nhanh chóng, giúp nâng cao chất lượng huấn luyện và thi đấu bằng các giải pháp công nghệ tiên tiến.

“Chúng ta đang chứng kiến một cuộc cách mạng trong thể thao, nơi mà ranh giới giữa thể thao truyền thống và thể thao số dần được xóa nhòa. Ứng dụng công nghệ vào thể thao không chỉ giúp nâng cao thành tích thi đấu mà còn mở rộng cánh cửa đưa thể thao đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.” Chủ tịch VIRESA nhấn mạnh. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc