Thầy nội, thầy ngoại và bài kiểm tra cho bóng đá chuyên nghiệp

KHẢI HƯNG

VHO - Hơn một tháng nữa, V.League 2025/26 mới chính thức khởi tranh, nhưng “sức nóng” đã sớm lan tỏa khi hàng loạt đội bóng rục rịch thay đổi cabin huấn luyện. Sau lưng những bản hợp đồng ngoại từ Tây Ban Nha, Nhật Bản, Croatia là những HLV nội âm thầm rời ghế và... cắp sách sang xứ sở Mặt trời mọc để hoàn tất chứng chỉ Pro, một yêu cầu bắt buộc theo quy định mới của AFC.

 Thầy nội, thầy ngoại và bài kiểm tra cho bóng đá chuyên nghiệp - ảnh 1
18 HLV Việt Nam đang theo học khóa đào tạo Pro/AFC/VFF tại Nhật Bản Ảnh: VFF

“Lằn ranh Pro” và cuộc đổi ca vội vã

Ngày 1.7, 18 HLV Việt Nam lên đường sang Nhật Bản dự giai đoạn hai khóa đào tạo HLV chuyên nghiệp Pro/AFC/VFF. Đây không phải chuyến tu nghiệp theo kiểu “đi học cho đẹp hồ sơ”, mà là tấm vé sinh tồn, bởi từ mùa giải 2025/26, HLV trưởng các CLB V.League bắt buộc phải sở hữu bằng Pro hoặc tối thiểu đã hoàn tất 3/4 chương trình của khóa học này.

Chỉ trong vòng vài tuần sau khi mùa giải 2024/25 kết thúc, hàng loạt gương mặt HLV nội nổi bật đã lần lượt rời cabin chỉ vì thiếu một... tờ chứng chỉ. HLV Phùng Thanh Phương chia tay CLB TP.HCM sau hai mùa đưa đội bóng trụ hạng. Người từng là biểu tượng chuyên môn và tinh thần của bóng đá Sài thành bất ngờ được mời... làm trợ lý cho một chiến lược gia đến từ Tây Ban Nha.

Ở đất Cố đô, HLV Nguyễn Việt Thắng góp công lớn giúp Ninh Bình thăng hạng, cũng chủ động rút lui để hoàn thành khóa học Pro, nhường ghế HLV trưởng cho Gerard Albadalejo, người từng dẫn dắt đội Barcelona B. Tại Hà Tĩnh, HLV Nguyễn Thành Công xin rút vì lý do sức khỏe và chuyên môn, song không giấu việc muốn tranh thủ thời gian hoàn tất văn bằng cấp cao nhất của AFC.

Chỉ trong một tháng, ba HLV nội đạt thành tích ấn tượng nhất V.League 2024/25 đồng loạt rời cabin. Họ không bị sa thải vì yếu kém chuyên môn, mà vì rào cản bằng cấp, một “lằn ranh” mới mà bóng đá chuyên nghiệp đang thiết lập.

Ở chiều ngược lại, hàng loạt CLB V.League đẩy mạnh “ngoại hóa” cabin huấn luyện. Ninh Bình không chỉ có HLV Albadalejo mà còn bổ nhiệm nguyên ê-kíp 5 trợ lý đồng hương gồm HLV thể lực, thủ môn, chuyên viên phân tích, chuyên gia phục hồi…; Hà Nội FC giữ niềm tin với HLV Makoto Teguramori; CAHN tiếp tục với ông Mano Polking; Thể Công Viettel không thay đổi với “quái kiệt” Velizar Popov; Thanh Hóa tái hợp HLV Tomislav Steinbruckner. CLB TP.HCM cũng đang đàm phán với chiến lược gia Tây Ban Nha Albert Capellas, nhà cầm quân từng làm việc tại Barcelona, Dortmund và tuyển Philippines.

Việc bổ nhiệm HLV ngoại được nhìn nhận là bước đi cần thiết để đổi mới tư duy chiến thuật, tiếp cận khoa học huấn luyện hiện đại như kiểm soát nhịp độ trận đấu, pressing tầm cao, phục hồi thể lực nhanh, phân tích dữ liệu cầu thủ...

Tuy nhiên, thực tế nhiều mùa giải gần đây lại đặt ra câu hỏi lớn đó là HLV ngoại chưa chắc đã thành công? CAHN từng “thay tướng như thay áo” trong khi vẫn ngụp lặn ở giữa bảng. Thể Công Viettel ba năm liền trắng tay. TP.HCM liên tục thay HLV ngoại nhưng vẫn vật lộn với bài toán trụ hạng.

Thầy nội tạm lùi để tiến

Trong danh sách 18 HLV sang Nhật Bản lần này, không thiếu những cái tên tài năng và giàu kinh nghiệm: Vũ Hồng Việt (đưa Nam Định vô địch hai mùa liên tiếp), Bùi Đoàn Quang Huy (Á quân V.League 2023/24 cùng Bình Định), Phan Như Thuật, Văn Sỹ Sơn, Nguyễn Việt Thắng... Đây là thế hệ HLV nội đã có bước chuyển lớn về tư duy, được đào tạo bài bản và có dấu ấn chiến thuật rõ ràng.

Trong quá khứ, những Lê Thụy Hải, Lê Huỳnh Đức, Chu Đình Nghiêm không chỉ được biết đến vì danh hiệu mà còn bởi triết lý và phong cách huấn luyện cá nhân. Thực tế chứng minh, khi được đặt vào môi trường phù hợp, HLV nội hoàn toàn có thể sánh ngang, thậm chí vượt trội so với các đồng nghiệp ngoại.

Vấn đề nằm ở chỗ họ có đủ “khoảng thở” để sai - để sửa? Có đủ kiên nhẫn từ lãnh đạo CLB, có hệ thống trợ lý chuyên nghiệp, có lộ trình phát triển dài hạn hay không? Hay chỉ cần vài trận đầu chệch nhịp là lập tức bị thay thế bằng một “thầy Tây” mới?

HLV ngoại thường đi cùng khái niệm “chuyên nghiệp”. Nhưng chuyên nghiệp không chỉ là dáng đứng ngoài đường biên, mà là cả một hệ sinh thái từ mô hình học viện trẻ, phòng phân tích dữ liệu, bộ phận dinh dưỡng - y học thể thao, đến việc đầu tư đúng mực cho đào tạo HLV nội. Nếu một CLB chưa xây nổi đội U15 theo chuẩn, không có hệ thống GPS đo vận tốc cầu thủ, thì liệu có đủ năng lực vận hành “đầu vào” cho một HLV ngoại tên tuổi?

Ngược lại, HLV nội, khi đã cầm bằng Pro, cũng cần được trao cơ hội xứng đáng. Họ cần một cơ chế tuyển chọn minh bạch, hợp đồng dài hạn với KPI rõ ràng, cùng một ê kíp hỗ trợ khoa học thay vì “tùy cơ ứng biến”. Niềm tin không đến từ lời nói, mà từ cách ứng xử công bằng với tài năng.

AFC siết chặt bằng cấp là một xu hướng không thể đảo ngược. Bóng đá Việt Nam cần thích nghi, như cách J.League đã làm từ 2004 hay K.League từ 2013. Nhưng thích nghi không có nghĩa là đánh đổi thầy nội lấy thầy ngoại. Mấu chốt nằm ở việc nâng chất đồng thời cả hai nguồn lực.

Không ai phủ nhận những dấu ấn từ Calisto, Toshiya Miura, Park Hang-seo… với bóng đá Việt Nam. Nhưng để phát triển bền vững, thì hệ thống HLV nội phải là nền móng. Bằng Pro chính là “thang nâng” buộc HLV người Việt học hỏi, đổi mới tư duy và tiếp cận chuyên nghiệp.

Và ở chiều ngược lại, muốn thầy ngoại thành công, các CLB phải có nền tảng tương thích, không thể thuê Mourinho để chỉ huy… sân bóng lồi lõm như ruộng khoai. Thầy nội hay thầy ngoại, cuối cùng cũng chỉ là tên gọi. Điều quan trọng là cách chúng ta đối xử công bằng với năng lực, có chiến lược dài hơi và một hệ sinh thái đủ vững để phát triển bóng đá chuyên nghiệp thật sự.