Thể thao Việt Nam:

Thay đổi để nâng cao thành tích

THU SÂM

VHO - Làm gì để nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam tại các đấu trường lớn nhất thế giới và châu lục là Olympic và Asian Games (ASIAD) luôn là câu hỏi đau đáu với những người tâm huyết trong lĩnh vực thể dục thể thao. Câu trả lời là không dễ bởi “một bước lên tiên” là câu chuyện chỉ có trong “cổ tích”, còn với việc nâng cao thành tích của thể thao đỉnh cao gắn liền với việc vượt ngưỡng của VĐV, lại cần có một quá trình đầu tư tỉ mỉ, tốn công sức.

Thay đổi để nâng cao thành tích - ảnh 1
Với những đổi mới trong cách thức tổ chức, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy cho các môn, nội dung trọng điểm của Thể thao Việt Nam tại Olympic và Asian Games. Ảnh: QUÝ LƯỢNG

 Trong thời gian qua, các nhà chuyên môn của ngành thể thao đã tiến hành phân tích thực trạng, tìm nguyên nhân và đề ra giải pháp để nâng cao thành tích. Và một trong những giải pháp là việc chúng ta phải thay đổi từ gốc rễ, chính là sự phát triển thể thao tại các địa phương.

Bởi muốn có một nền thể thao thành tích cao “khỏe”, Thể thao Việt Nam buộc phải có chân đế vững chắc tại các địa phương và việc đào tạo phải theo một hệ thống từ các địa phương tới cấp trung ương là các đội tuyển quốc gia, tránh để tình trạng mỗi nơi một kiểu.

Một trong những giải pháp ấy hiện đang được đề xuất để đưa vào áp dụng tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X, sẽ được tổ chức tại TP.HCM vào năm 2026. Từ nay đến đó, các địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện việc tổ chức đại hội thể thao các cấp trước khi tuyển chọn được lực lượng mạnh nhất để tham gia tranh tài tại Đại hội Thể thao toàn quốc.

Bài học từ Trung Quốc

Trước đây Olympic được xem là sân chơi đầy lợi thế của các nước châu Âu, châu Mỹ do các môn thể thao thiên về tốc độ, sức mạnh phù hợp hơn với thể trạng cao lớn của người dân các nước này. Nhưng với sự vươn lên mạnh mẽ của thể thao Trung Quốc đã cho thấy người châu Á dù có vóc dáng nhỏ bé hơn vẫn có thể tìm cho mình một lối đi riêng để có vị thế tốt tại sân chơi lớn nhất thế giới này.

Lật lại bảng tổng sắp huy chương Olympic, kể từ kỳ Đại hội năm 2000 tới nay, lại càng khâm phục sự lớn mạnh và bền vững theo thời gian của thể thao Trung Quốc.

Đứng thứ 3 tại Olympic Sydney năm 2000, sau 4 năm đến Olympic Athens 2004, thể thao Trung Quốc đã vươn lên xếp ở vị trí thứ 2 với 63 huy chương các loại trong đó có 32 HCV; đứng số 1 là Mỹ với 101 huy chương trong đó có 36 HCV. Năm 2008, lợi thế sân nhà đã giúp Trung Quốc có cú bứt tốc về đích ngoạn mục, vượt qua Mỹ, dẫn đầu bảng tổng sắp với 100 huy chương các loại trong đó có 48 HCV.

Đoàn Mỹ đứng thứ 2 với 112 huy chương trong đó có 36 HCV. Đến Olympic London 2012, Trung Quốc trở lại vị trí thứ 2 với 88 huy chương các loại trong đó có 38 HCV, nhất là đoàn Mỹ (104 huy chương các loại trong đó có 46 HCV). Tại Olympic Rio 2016, đoàn Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 3 với 70 huy chương trong đó có 26 HCV, chỉ sau đoàn Mỹ và đoàn Anh. Tại 2 kỳ Olympic gần đây, đoàn Trung Quốc luôn vững chắc ở vị trí thứ 2 và suýt vượt qua đoàn Mỹ để lên ngôi vị số 1 tại Olympic Paris 2024.

Sự thành công của thể thao Trung Quốc ở Đại hội tưởng như chỉ dành cho các châu lục khác đã góp phần làm cho hình ảnh chung của thể thao thế giới đa dạng hơn, giúp thể thao châu lục khẳng định vị trí trên bản đồ của thể thao đỉnh cao thế giới.

Sự thành công ấy cũng đến từ cách làm khoa học, bài bản, có hệ thống từ trung ương đến địa phương. Trong đó Đại hội thể thao toàn quốc Trung Quốc ngoài ý nghĩa nhằm khuyến khích người dân rèn luyện thể thao, nâng cao sức khỏe còn là bước chuẩn bị lực lượng quan trọng cho thể thao Trung Quốc tại các đấu trường lớn.

Là chuyên gia đầu ngành của thể thao Việt Nam, từng nhiều năm tập huấn tại Trung Quốc, Trưởng phòng thể thao thành tích cao I, Cục Thể dục thể thao Hoàng Quốc Vinh phân tích, để phát động phong trào và nhằm phát triển các môn bóng, các môn Olympic, Tổng cục Thể dục thể thao Trung Quốc đã ban hành quy định tính thành tích cho VĐV trong Đại hội Thể thao toàn quốc như sau: Ở 8 môn bóng (bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, bóng bầu dục, bóng bàn, bóng ném, bóng chày, quần vợt), khi VĐV đạt được thứ hạng từ thứ 3 trở lên, tương ứng với huy chương vàng, bạc, đồng thì thành tích cụ thể cuối cùng của đội đó sẽ được nhân đôi vào bảng tổng sắp thứ hạng toàn đoàn.

Ví dụ, VĐV đạt 1 HCV, 1 HCB hoặc 1 HCĐ ở các môn này thì sẽ được tính là 2 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ cho đơn vị chủ quản của VĐV đó. Riêng ở môn bóng đá, do muốn khuyến khích các địa phương phát triển bóng đá trẻ nên ở các nội dung dành cho lứa U16 nam, U18 nữ, sẽ theo cách tính nếu đơn vị đó đoạt được 1 HCV thì sẽ được nhân đôi là 2 HCV, 1 HCB sẽ được tính là 1 HCV, còn 1 HCĐ sẽ được tính tương đương là một nửa chiếc HCV vào bảng tổng sắp chung của Đại hội.

Riêng tại Đại hội lần thứ 12, với 3 môn Olympic tập thể, phải đầu tư tốn kém là bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, thể thao Trung Quốc sử dụng cách tính như sau, 1 chiếc HCV ở một trong 3 môn này sẽ được tính tương đương là 3 chiếc HCV, 1 chiếc HCB tương đương với 2 HCV và 1 chiếc HCĐ tương đương với 1 HCV.

Và kỳ vọng ở Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X

“Việc tính nhân đôi và nhân 3 huy chương ở các môn cần tập trung đầu tư nêu trên vào bảng tổng sắp đã khuyến khích được tất cả các địa phương cùng đầu tư trọng điểm vào các môn bóng, môn Olympic. Từ đó thể thao Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và đã có kết quả thực tế là tại các kỳ Olympic vừa qua, gần đây nhất là Olympic Paris 2024, đoàn thể thao Trung Quốc đã giành toàn bộ HCV ở môn bóng bàn và chiếm ưu thế rất tốt ở các môn tập thể như bóng chuyền, cầu lông, bóng đá nữ... cạnh tranh gắt gao ngôi nhất toàn đoàn với đoàn Mỹ”, ông Hoàng Quốc Vinh đúc rút.

Ngoài ra, khi VĐV hoặc đội tập thể đạt từ thứ hạng 1 đến 8 ở Olympic, thì thành tích đó sẽ được quy đổi ra huy chương cho đơn vị chủ quản trước mỗi kỳ Đại hội thể thao toàn quốc Trung Quốc.

Như vậy sẽ tạo được động lực và sự tập trung đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao Olympic, các môn bóng. Khi VĐV đoạt HCV ở các môn Olympic thì sẽ được nhân thành 3 HCV và tiền thưởng cũng theo tỷ lệ đó tăng lên.

Đây là mô hình Trung Quốc đã áp dụng và phát huy hiệu quả, vì vậy tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần này Cục Thể dục thể thao đang xem xét tham mưu trình Bộ VHTTDL phương án tính hệ số điểm để các môn Olympic, các nội dung Olympic và Asiad được chú trọng đầu tư, từ đó tạo chân đế vững chắc, xây dựng được lực lượng VĐV hùng hậu và tạo cú hích cho sự phát triển của thể thao thành tích cao nhằm hướng tới mục tiêu lớn là tấn công vào đấu trường Olympic và Asian Games.

Là đơn vị đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X, ông Nguyễn Nam Nhân, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM nhấn mạnh, đề xuất nêu trên xuất phát từ thực trạng là hiện nay các môn Olympic, nhất là các môn tập thể như bóng ném, bóng rổ... ít được các địa phương chú trọng.

Bởi việc đầu tư cho các môn này tốn kém mà HCV thì chỉ được tính là 1 tấm, tương đương như các môn cá nhân khác. Nên đề xuất này nhằm khuyến khích các địa phương phát triển các môn, nội dung Olympic, nhất là các môn tập thể nêu trên.

Ủng hộ chủ trương này, ông Cao Văn Chóng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương nhấn mạnh đây là định hướng đúng đắn, lẽ ra phải được triển khai từ lâu để tạo bước đột phá cho Thể thao Việt Nam.

“Trong đề án phát triển Thể dục thể thao của tỉnh Bình Dương giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chúng tôi cũng đã điều chỉnh, cập nhật để quan tâm đầu tư hơn cho các môn, các nội dung Olympic như định hướng của thể thao nước nhà”, ông Cao Văn Chóng cho biết.

Hy vọng với những đổi mới trong phương thức tổ chức, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X sẽ thực sự trở thành đòn bẩy cho các môn thể thao, các nội dung trọng điểm của Thể thao Việt Nam ở Olympic và Asian Games.