Thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu 12 suất dự Olympic Paris 2024:

Nỗ lực vượt khó của các HLV, VĐV

THU SÂM

VHO - Thể thao Việt Nam vừa có suất dự Olympic thứ 12 của cung thủ Lê Quốc Phong. Như vậy xét về chỉ tiêu tối thiểu, chúng ta đã hoàn thành mục tiêu có từ 12-15 suất dự Đại hội.

Hiện các VĐV ở đội tuyển Bắn cung và Judo vẫn tiếp tục thi đấu cho mục tiêu giành thêm vé tới Olympic Paris.

Nỗ lực vượt khó của các HLV, VĐV - ảnh 1

 Cung thủ Lê Quốc Phong vừa giành tấm vé thứ 12, giúp thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu

Sự cố gắng, nỗ lực lớn của các VĐV, HLV

Trước hết có thể thấy rằng, Olympic là đấu trường lớn nhất thế giới và không phải cứ muốn, các nước chỉ cần cử quân là có thể tham dự được. Để đến được với đấu trường danh giá nhất, VĐV các nước đều phải trải qua các cuộc tranh tài tại vòng loại hoặc các cuộc thi đấu tích điểm mà tính cạnh tranh rất khốc liệt. Bản thân cụm từ “Olympic” và nguồn gốc của Đại hội cũng đã cho thấy đây là đấu trường có ưu thế hơn với thể chất cao lớn, khoẻ mạnh của người dân các nước châu Âu. Với các nước châu Á, do có thể hình nhỏ bé nên sẽ phù hợp với các môn thể thao mang đặc trưng của khu vực hơn là các cuộc đua về thể lực và tầm vóc.

Tuy nhiên cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của một số nước hàng đầu châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, thể thao ở các nước này cũng đã có bước phát triển thần tốc và có vị trí ở đấu trường lớn nhất thế giới. Thực tế cho thấy rằng để đến được với đấu trường này là câu chuyện không hề đơn giản và 12 tấm vé mà thể thao Việt Nam giành được tính đến thời điểm này là sự nỗ lực đáng ghi nhận.

Người ta vẫn hay so sánh thành tích giữa thể thao Việt Nam và thể thao Thái Lan, nhưng thực tế cho thấy trong khi các VĐV của Thái Lan được tập luyện trong những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, thì nhìn chung các VĐV Việt Nam vẫn tập luyện trên sân điền kinh cũ kỹ hay các phòng tập đã xuống cấp với nhiều trang thiết bị hoen gỉ theo thời gian; hệ thống trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh và phục hồi chức năng còn thiếu, lạc hậu.

Nhìn tổng thể, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc tập luyện của các VĐV dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn thiếu: Trung tâm HLTTQG Hà Nội đáp ứng được 50%, Trung tâm HLTTQG TP. HCM đáp ứng được 30%, Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng, Cần Thơ còn thiếu một số hạng mục cơ bản như bể bơi, sân đá bóng, sân Điền kinh thiếu đường chạy tiêu chuẩn... Hệ thống sân bãi, nhà tập tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM, Đà Nẵng còn dùng chung với sinh viên, nên mật độ sử dụng quá dày, không đảm bảo tiêu chuẩn tập luyện cho VĐV thành tích cao, rất nhanh xuống cấp. Trung tâm HLTTQG Cần Thơ, do là đơn vị mới thành lập nên vẫn chưa có sân bãi, chưa đủ dụng cụ trang thiết bị tập luyện tại chỗ.

Trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn nhưng nhờ định hướng đúng đắn từ Bộ VHTTDL, Cục TDTT và bằng sự nỗ lực cùng ý chí luôn vươn lên, không từ bỏ hằng ngày, hằng giờ, các HLV, VĐV vẫn đổ mồ hôi, trải qua nhiều chấn thương trên các thảm tập, bể bơi, sân chạy để vượt qua chính mình, mang về thành tích cao nhất, giúp cho thể thao nước nhà ghi dấu ấn tại đấu trường khu vực, châu lục và dần hoà nhập, có vị trí tại đấu trường lớn nhất thế giới là Olympic.

Không là bức tranh ảm đạm

Con số 12 suất chính thức đoạt được tại thời điểm này, cho thấy một điều là công tác dự báo về thành tích của thể thao Việt Nam khá chính xác. Các nhà chuyên môn của Cục TDTT đã có sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng giữa thực lực của thể thao Việt Nam với các đối thủ trên thế giới để đưa ra được dự báo khá chuẩn xác.

Ngoài 12 suất chính thức, hiện tại chúng ta còn trông chờ thêm vào môn Judo và Bắn cung. Trong số những niềm hy vọng còn lại thì nữ võ sĩ judo Hoàng Thị Tình có vẻ như “sáng cửa” nhất. Trên bảng xếp hạng vòng loại Olympic của Liên đoàn Judo thế giới, võ sĩ quê Thanh Hóa xếp hạng 9 châu Á của hạng cân 48 kg nữ. Nếu giữ được trong top 10 châu Á cho đến ngày chốt danh sách (23.6), Tình sẽ chính thức có suất dự Olympic.

Với môn Bắn cung, chúng ta tiếp tục chờ suất ở nội dung đồng đội nữ, xếp hạng theo ranking. Nếu Bắn cung đoạt vé ở nội dung này, chúng ta sẽ có thêm 3 cung thủ giành vé. Và nếu Judo, Bắn cung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Thể thao Việt Nam sẽ có tổng cộng 16 VĐV đoạt vé chính thức dự Olympic và 2 VĐV đi theo vé mời của môn Điền kinh và Bơi lội, nâng tổng số VĐV dự Đại hội có thể là 18 người, bằng với kỳ Olympic gần đây nhất, tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản).

Nỗ lực vượt khó của các HLV, VĐV - ảnh 2

Xạ thủ Trịnh Thu Vinh tích cực tập luyện chuẩn bị cho Olympic

Điểm đáng chú ý, đây đang là bối cảnh thể thao Việt Nam chuyển giao lực lượng giữa lứa VĐV đã thành danh nhưng đã nghỉ thi đấu hoặc bước qua thời đỉnh cao và các VĐV trẻ. Hiện tại thế hệ các VĐV đỉnh cao như Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường (bắn súng) đã bước sang tuổi 50 và chuyển sang công tác huấn luyện. Hay như Nguyễn Thị Huyền, cô gái giành tới 2 vé dự Olympic Rio 2016 giờ cũng chuẩn bị đón đứa con thứ 2 và đã chuyển sang công tác huấn luyện. Tuy nhiên chúng ta cũng đã kịp giới thiệu những gương mặt trẻ như Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (Bắn súng)...

Các nhà chuyên môn tính toán rằng, để có một VĐV thi đấu tầm Olympic, chúng ta phải trải qua chu trình đào tạo ít nhất là 10 năm. Thế nên chúng ta cần thời gian cho những sự thay thế, hơn là ngay lập tức đòi hỏi thể thao Việt Nam phải có được thành tích hay nhiều tấm vé dự thế vận hội.

Đoạt huy chương Olympic không dễ

Giành được vé dự Olympic đã khó, việc đoạt được huy chương tại Đại hội lại càng khó hơn nhiều. Tính tất cả các kỳ Đại hội từ khi thể thao Việt Nam từng bước gia nhập sân chơi lớn nhất của thể thao thế giới vào năm 1980 tới giờ, chúng ta mới chỉ giành được 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ.

Tại kỳ Olympic này bắn súng Việt Nam cũng đã kịp giới thiệu được 2 gương mặt trẻ xuất sắc giành vé dự Đại hội là Mộng Tuyền và Thu Vinh. Tuy nhiên để có thể đoạt huy chương sẽ là câu chuyện quá nhiều áp lực với 2 VĐV trẻ. Trên thực tế để có một Hoàng Xuân Vinh bùng nổ, đoạt HCV và HCB tại Olympic Rio năm 2016 thì trước đó anh đã tham dự rất nhiều kỳ Olympic và kỳ gần nhất là đứng thứ 4 ở Olympic London 2012. Hoàng Xuân Vinh cũng nhiều lần tham dự ASIAD và từng hụt mất huy chương tại Đại hội lớn nhất châu lục này. Còn với Mộng Tuyền và Thu Vinh đây đều là lần đầu tiên dự Olympic và chưa có bề dày tại ASIAD.

Hơn nữa nếu nhìn vào quá trình chuẩn bị cho những tấm huy chương của các nước, chúng ta sẽ còn nhiều điều phải suy ngẫm. Để chuẩn bị cho chiến dịch “săn vàng” tại Brazil vào năm 2016, Chính phủ Thái Lan đã quyết chi số tiền lên tới 9,7 triệu USD. Thể thao Thái Lan đã xây dựng chiến lược Olympic bằng sự đầu tư dài hơi đào tạo huấn luyện tài năng thể thao từ tuyến trẻ. Các giải đấu ở độ tuổi từ 12 tới 14 trong nhiều môn thể thao Olympic được tổ chức đều đặn, nhằm giúp người làm thể thao tìm ra nhiều gương mặt triển vọng để đầu tư.

Trong khi đó Singapore cũng thành lập Quỹ Olympic Singapore từ năm 2010 với mục tiêu chiến lược xuyên suốt là tạo điều kiện cho các tài năng thể thao trẻ của Singapore; hỗ trợ các VĐV có thành tích cao đại diện cho Singapore trên đấu trường thế giới. Joseph Schooling (HCV Olympic 2016, bơi lội) từng được quỹ này tài trợ trước khi thành danh. Shanti Pereira (HCV Asiad 19, điền kinh) cũng được quỹ này đầu tư.

Còn với Thể thao Việt Nam, chúng ta vẫn chưa có được các cơ chế, chính sách, nguồn lực cho việc “săn vàng” tại Olympic. Thế nên thành tích đoạt được chủ yếu vẫn trông chờ vào định hướng của ngành, ý chí, nghị lực và tinh thần vượt khó của các VĐV. Và vì thế biết đâu đấy, chúng ta sẽ lại tạo được bất ngờ tại Olympic Paris 2024.