Những giọt mồ hôi trên má

VHO- Sau 15 năm phát triển, boxing nữ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng nể trên trường quốc tế. Nhưng đằng sau ánh hào quang đó, cả thầy và trò đội tuyển boxing nữ Việt Nam đã phải trải qua muôn vàn khó khăn.

Những giọt mồ hôi trên má - Anh 1

Để có những tấm huy chương quý giá các nữ VĐV boxing đã phải trải qua nhiều vất vả trong tập luyện

Nam khổ một, nữ khổ mười

Tập luyện boxing với nam giới vốn đã khó khăn bởi môn thể thao này đòi hỏi phải có thể lực thật tốt, khả năng chịu đòn cao thì với nữ giới, ngoài thể lực, sức khỏe còn đòi hỏi sự đam mê mãnh liệt để giúp họ vượt qua định kiến về giới tính. Cùng với đó là mong muốn được làm đẹp, có một thân hình thon gọn vốn là nhu cầu thiết yếu của mọi chị em phụ nữ. Chính vì vậy, việc thuyết phục được những VĐV nữ tài năng trẻ đi theo con đường này không phải là câu chuyện đơn giản. Không ít em đã bỏ tập vì mặc cảm với bạn bè, ban huấn luyện phải rất kiên nhẫn thuyết phục mới có thể đưa các em trở lại sàn thi đấu.

“Nam tập môn này khổ một thì nữ phải khổ tới mười. Sức chịu đòn của bọn mình vốn dĩ không thể bằng các bạn nam nhưng nhiều lúc vẫn phải nhờ các bạn ấy… đấm cho vài phát để gia tăng khả năng chịu đòn. Nhiều khi các bạn ấy đấm mạnh quá, dù có trang phục bảo vệ mà vẫn đau đến mất ngủ”, VĐV Hà Thị Linh chia sẻ. Đặc biệt, ám ảnh nhất với những nữ VĐV phải kể đến việc thi đấu, tập luyện vào “ngày con gái”. Với đặc thù “văn ôn, võ luyện”, các nữ VĐV cũng chỉ được ban huấn luyện châm chước cho nghỉ một ngày, có khi chưa hết đau bụng vẫn phải đi tập vì sợ bị… ì. Để khắc phục được chuyện này rơi vào ngày thi đấu, các VĐV đã phải chuẩn bị tinh thần rất kỹ càng. Bên cạnh đó, ban huấn luyện cũng sử dụng phương pháp về đông y giúp VĐV có được phong độ tốt nhất thi đấu trong những ngày “khó nói”.

Lấy khó khăn làm bàn đạp

Hiện quân số của đội tuyển boxing nữ Việt Nam khoảng 50 người. Để có được số lượng VĐV này, ban huấn luyện đội tuyển boxing nữ Việt Nam đã phải rất nỗ lực trong quá trình chiêu mộ nhân tài. Trao đổi với phóng viên, ban huấn luyện cho biết các môn thể thao khác vốn đã khó tuyển mộ nhân tài, với boxing nữ thì càng khó. Để có được VĐV lên tuyển thường thì cả ban huấn luyện lẫn VĐV phải rất nỗ lực mới thuyết phục được gia đình cho các em theo nghề. “Chẳng bố mẹ nào muốn con cái mình bị đau, với lại nhiều gia đình cũng quan niệm con gái, con đứa đấm với đá nên chuyện đưa được các em về trung tâm là câu chuyện dài hơi. Nhưng càng khó, chúng tôi càng làm vì không thể bỏ lỡ nhân tài được”, HLV trưởng đội tuyển boxing nữ Việt Nam Nguyễn Như Cường chia sẻ.

Theo các nữ võ sĩ, hiện trung tâm đang thiếu chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong công tác tâm lý: “Nhiều khi chúng em thương các thầy quá. Một mình phải làm công việc của mấy người. Có những lúc nhớ nhà, hay cả chuyện khó nói của con gái, các thầy vẫn cố gắng lắng nghe, giúp chúng em giải tỏa tâm lý để có được thành tích tốt trong thi đấu”.

HLV trưởng Nguyễn Như Cường nhận định: “Mặc dù còn nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn động viên các em phải cố gắng vì mục tiêu đem được vinh quang về cho nước nhà. Vì là nữ, chúng tôi luôn có sự quan tâm đặc biệt. Thực tế, các VĐV nữ của chúng tôi tập luyện chăm chỉ không thua kém gì các bạn nam. Thậm chí có những giải thi đấu quốc tế, đội boxing nữ lại có thành tích nổi trội hơn boxing nam. Với sự hăng say, ý chí vượt khó, không có lý do gì mà chúng tôi không tin rằng, trong tương lai, các em sẽ đạt được những thành tích cao hơn”. 

  Từng đạt nhiều thành tích tại đấu trường quốc tế, boxing nữ Việt Nam là một trong những môn được đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam. Trong năm 2019, đội tuyển boxing nữ quốc gia Việt Nam đặt mục tiêu có HCV tại SEA Games 30 ở Philippines. Đặc biệt, ban huấn luyện và các vận động viên đang hướng đến việc vượt qua vòng loại Olympic 2020 và chuẩn bị cho SEA Games 31, tổ chức tại Việt Nam.

 

 PHAN ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc