Thể thao Việt Nam giành 14 vé chính thức dự Olympic Paris 2024:
Nhiều điểm sáng
VHO - Ngày 26.6, cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã trở thành VĐV thứ 14 giành vé chính thức dự Olympic Paris 2024. Như vậy, trải qua một hành trình đầy khó khăn, Thể thao Việt Nam cán đích ngọt ngào.
9/11 môn hoàn thành chỉ tiêu
Với một kỳ Đại hội đầy thách thức như Olympic Paris, ngay từ đầu, các nhà chuyên môn của Thể thao Việt Nam đã xác định trúng và đúng khi đề ra chỉ tiêu giành được từ 12-15 vé dự Đại hội. Để phân tích đúng đối thủ, xác định được đúng thực lực, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, lãnh đạo Cục Thể dục thể thao, Phòng thể thao thành tích cao 1, Phòng thể thao thành tích cao 2 và các bộ môn đã cùng trải qua nhiều cuộc họp căng thẳng, tính toán kỹ lưỡng đến từng cơ hội tranh chấp của các VĐV. Có những cuộc họp kéo dài từ trưa đến tối, nhiều phòng làm việc của Cục TDTT sáng đèn đến khuya cho chiến dịch Olympic.
Đó là tại cơ quan “đầu não” quản lý nhà nước về TDTT, còn tại các đội tuyển, các HLV cùng “vắt óc” tính toán các phương án chiến thuật, các VĐV cố gắng tập trung tối đa rèn kỹ thuật, tập thể lực chuẩn bị cho các trận đánh lớn. Và giờ thì sau nhiều nỗ lực, những kết quả đạt được đang khá ngọt ngào, hầu hết các môn thể thao được tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” đều đã hoàn thành nhiệm vụ.
Hiện Thể thao Việt Nam vẫn đang chờ thêm 1 suất vé mời ở môn Bơi và 1 vé mời ở môn Điền kinh. Suất vé mời của môn Bơi được Thể thao Việt Nam đề xuất dành cho VĐV Võ Thị Mỹ Tiên và suất vé mời ở môn Điền kinh được đề xuất cho VĐV trẻ Trần Thị Nhi Yến. Nhiều khả năng việc giành thêm 2 suất này chỉ là vấn đề thời gian. Như thế chúng ta sẽ có tới 16 VĐV dự Olympic Paris 2024, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.
Để có được các tấm vé dự Olympic quý giá này, ngay từ năm ngoái, các nhà chuyên môn của Thể thao Việt Nam đã phân tích lực lượng để xác định được rằng chúng ta có khoảng 30 VĐV có khả năng tranh chấp suất tham dự Olympic ở các môn Bắn súng, Cử tạ, Xe đạp, Cầu lông, Boxing, Taekwondo, Thể dục dụng cụ, Đua thuyền, Cầu lông, Điền kinh, Bơi. Sau khi phân tích kỹ các đối thủ, chúng ta cũng đã xác định mục tiêu phấn đấu giành từ 12-15 suất tham dự Olympic Paris 2024 ở các môn này và đề ra các kế hoạch cụ thể, quy trình tập huấn, thi đấu bài bản, khoa học cho việc hoàn thành chỉ tiêu.
Trong số 11 môn thể thao được xác định có khả năng giành vé dự Olympic, chỉ có 2 môn là Taekwondo và Thể dục dụng cụ không có VĐV vượt qua vòng loại. “Đây là điều đáng tiếc và 2 môn này cần phải rà soát kỹ lại cả về kế hoạch chuẩn bị, kế hoạch tập luyện chuyên môn, nhất là chiến thuật đề ra cho các VĐV chưa tốt, tâm lý thi đấu còn chưa vững vàng. Do đó kết quả không đạt được mục tiêu đề ra, các môn này cần cố gắng hơn nữa trong thời gian tới”, ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng thể thao thành tích cao 1, Cục TDTT đánh giá.
Nhiều môn giữ “phong độ”
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Thể thao Việt Nam đã có 14 suất chính thức tham dự Olympic Paris 2024 đó là: Nguyễn Thị Thật (Xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng (Bơi), Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền (Bắn súng), Trịnh Văn Vinh (Cử tạ), Nguyễn Thị Hương (Canoeing), Phạm Thị Huệ (Rowing) Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát (Cầu lông), Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (Boxing), Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (Bắn cung), Hoàng Thị Tình (Judo).
So với kỳ Olympic Tokyo 2020, Thể dục dụng cụ lần này “lép vế” vì 2 VĐV từng giành vé tại kỳ Olympic trước là Đinh Phương Thành và Lê Thanh Tùng đều đã bước qua đỉnh cao phong độ và đang điều trị chấn thương. Một mình Nguyễn Văn Khánh Phong đã không thể làm nên mùa xuân khi không thể vượt qua hàng loạt đối thủ mạnh.
Đây cũng là kỳ Olympic đầu tiên Thể dục dụng cụ Việt Nam vắng bóng sau 3 kỳ Olympic liên tiếp góp mặt bằng các tấm vé chính thức tại Olympic 2012, 2016, 2020. Cử tạ cũng chỉ kịp đưa đến Olympic lần này 1 gương mặt sáng giá là đô cử Trịnh Văn Vinh, trong khi đó tại kỳ Đại hội cách đây 4 năm là 2 VĐV: Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên.
Trong khi đó, Bắn súng trở về thời đỉnh cao khi có tới 2 VĐV giành vé chính thức dự Đại hội. Tại kỳ Olympic gần đây nhất tổ chức tại Nhật Bản, Bắn súng không có VĐV giành vé dự Đại hội dù mới trước đó 4 năm, Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV, 1 HCB. Lý do được giới chuyên môn chỉ ra rằng đó là giai đoạn Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường đã qua thời đỉnh cao phong độ trong khi lứa trẻ lại chưa đủ sức thay thế. Tuy nhiên đến kỳ Đại hội này, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, trong đó phải kể đến vai trò của HLV trưởng Park Chung-gun, Bắn súng đã kịp trình làng 2 gương mặt mới là Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền.
Ở môn Bơi, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng cũng tiếp tục ghi tên ở kỳ Olympic thứ hai trong cuộc đời VĐV, tính tới thời điểm này. Nhóm các môn vẫn giữ vững được số lượng VĐV giành vé như kỳ Olympic trước gồm có: Đua thuyền (2 VĐV) Cầu lông (2 VĐV), Bắn cung (2 VĐV), Boxing (2 VĐV), Judo (1 VĐV). Xe đạp cũng có kỳ Đại hội thành công khi giới thiệu được gương mặt xuất sắc dự Thế vận hội là cua-rơ Nguyễn Thị Thật...
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, để đạt được mục tiêu này, các nhà quản lý, chuyên môn đã phải cân đo, đong đếm rất kỹ lưỡng, sát với tình hình thực tế của Thể thao Việt Nam trong giai đoạn hiện tại. Hiện các VĐV đã giành vé đang tích cực chuẩn bị, một số VĐV đã được cử đi tập huấn tại nước ngoài, một số VĐV đang tập luyện tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia. Dù tập luyện trong nước hay tập huấn tại nước ngoài thì các VĐV đã giành vé đều được tạo mọi điều kiện và chế độ đãi ngộ tốt nhất theo đúng quy định của Nhà nước, nhằm giúp VĐV có được tâm lý và phong độ cao nhất sẵn sàng bước vào tranh tài tại sân chơi thể thao lớn nhất thế giới.
Với thành tích đã có được, Bắn súng và Cử tạ là 2 trong số những môn thể thao thế mạnh mà chúng ta hy vọng giành được huy chương tại Thế vận hội này. Tuy nhiên, trước sự đầu tư mạnh mẽ cho thể thao đỉnh cao của các quốc gia trên thế giới, nên cuộc cạnh tranh huy chương của các VĐV Việt Nam trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Về khả năng giành huy chương của VĐV Việt Nam, Cục trưởng Đặng Hà Việt phân tích thêm: “Thể thao thế giới ngày càng phát triển, đơn cử ở môn Cử tạ, tại các sân chơi lớn, các quốc gia tập trung mạnh vào các hạng cân nặng. Đó là điều khó khăn cho Thể thao Việt Nam trong bối cảnh thể chất người Việt Nam vẫn thấp bé, cơ sở vật chất, tài chính, con người... còn gặp nhiều khó khăn. Để vươn lên tầm châu lục, thế giới như ASIAD, Olympic là không dễ dàng và cần rất nhiều yếu tố như thời gian, trình độ VĐV, trình độ HLV... Đến được Olympic đã khó, lấy được huy chương Olympic lại càng khó hơn. Hy vọng bằng sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của các HLV, VĐV, chúng ta vẫn có thể “hái quả ngọt” tại kỳ Đại hội này”.
Dự kiến ngày 20.7, Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ nhập làng Olympic tại Paris. Một số VĐV đang tập huấn tại nước ngoài sẽ di chuyển thẳng tới làng VĐV, sau đó hội quân cùng Đoàn Thể thao Việt Nam.