Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng:
Năm 2025 phải nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn như tinh thần của Olympic
VHO - Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Ủy ban Olympic Việt Nam tổ chức vào sáng 2.1, tại Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, với cách tiếp cận nhìn lại để tiến xa hơn, Ủy ban Olympic Việt Nam phải hướng tới năm 2025 với tinh thần nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn, như tinh thần của Olympic.
Dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt, các thành viên của Ủy ban Olympic Việt Nam.
Phát huy tinh thần nhanh hơn, mạnh hơn của Olympic
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh với cách tiếp cận nhìn lại để tiến xa hơn, Hội nghị lần này là dịp để bàn luận sâu, đánh giá đúng với những gì đang diễn ra, những gì đã thực hiện được, chưa thực hiện được trong năm qua để tìm ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, thực hiện tốt các nhiệm vụ trong năm 2025 như tinh thần của Olympic là nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn.
Theo Bộ trưởng có 3 góc độ tiếp cận. Thứ nhất về công tác thể thao cho mọi người - được xem là một trong những trụ cột của thể thao Việt Nam, Ủy ban Olympic Việt Nam và ngành thể thao cần phải tập trung thực hiện lời dạy của Bác Hồ vì mục tiêu “dân cường thì quốc thịnh”.
Nhắc lại rằng Bộ VHTTDL đang đảm trách 3 lĩnh vực trong đó văn hóa được xem là nền tảng, thể thao là sức mạnh và du lịch là sự phát triển bền vững, Bộ trưởng cho rằng, Ủy ban Olympic cần tăng cường công tác giáo dục để người dân hiểu thể thao là sức mạnh. Sức mạnh ở đây không phải là sức mạnh của cá nhân con người cụ thể mà là sức mạnh của ý chí, của dân tộc, của con người Việt Nam. Từ đó Bộ trưởng yêu cầu, cần làm rõ vai trò của Ủy ban Olympic Việt Nam trong việc phát triển công tác thể thao cho mọi người ở nước ta.
Thứ hai là về công tác đối ngoại, Bộ trưởng nhắc nhở, với tư cách là cơ quan quan hệ quốc tế, là thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế, trong năm qua, Ủy ban Olympic Việt Nam đã đóng góp gì cho phong trào Olympic quốc tế, đã tạo được dấu ấn gì cũng như tạo dựng vị trí thế nào trong gia đình Olympic.
Góc độ thứ ba mà Bộ trưởng yêu cầu cần tập trung đó là Hội nghị phải đánh giá được các công việc đã triển khai trong năm 2024 cũng như đề ra được những nhiệm vụ sẽ triển khai năm 2025 một cách trúng và đúng.
Cùng với đó, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu dành thời gian tập trung suy nghĩ về vai trò của Ủy ban Olympic Việt Nam trong việc thực hiện Kết luận 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển thể thao trong giai đoạn mới. Từ đó thấm nhuần quan điểm mới, cách tiếp cận mới, nội hàm mới để triển khai công việc. Bộ trưởng cũng yêu cầu Ủy ban Olympic Việt Nam tập trung phối hợp với các cấp, các ngành triển khai một cách có hiệu quả Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ trưởng hy vọng Hội nghị sẽ diễn ra thực chất, hiệu quả, tiếp cận theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới tư duy để tìm ra các giải pháp giúp thể thao Việt Nam phát triển toàn diện.
Hoàn thành tốt kế hoạch đề ra
Báo cáo kết quả trong năm qua, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Trần Văn Mạnh cho biết, năm 2024, Ủy ban Olympic Việt Nam đã hoàn thành tốt kế hoạch công tác đề ra và thực hiện nhiều chương trình hoạt động thể thao đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển phong trào TDTT quần chúng ở trong nước và thể thao thành tích cao trên đấu trường quốc tế.
Về công tác Thể thao cho mọi người, Ủy ban Olympic Việt Nam phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện Ngày chạy Olympic tại 5 tỉnh, thành phố; Chương trình Vinh quang Thể thao Việt Nam, Lễ phát động Ngày chạy Olympic và giải chạy báo Hà Nội mới; Ngày chạy Olympic trẻ em và Phát động toàn dân tập luyện môn Bơi, phòng chống đuối nước cấp quốc gia…
Phối hợp với các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia, các địa phương cơ quan tổ chức: Chương trình giao lưu, tập huấn, các hoạt động TDTT kỉ niệm các Ngày lễ lớn của đất nước, Ngày thành lập của nhiều Liên đoàn thể thao quốc gia khác nhau, những chương trình phát triển các môn thể thao Olympic ASIAD mới phát triển ở Việt Nam...
Phối hợp với Vụ Giáo dục thể chất - Bộ GD&ĐT tổ chức thành công Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 diễn ra từ ngày 29.5 đến 9.6 tại thành phố Đà Nẵng với 6 bộ môn cùng 107 nội dung thi đấu, tương ứng 704 chiếc huy chương các loại, 107 bộ huy chương. Kết thúc Đại hội, Đoàn TTVN xuất sắc dẫn đầu toàn đoàn với tổng cộng 44 HCV; Phối hợp với Ủy ban Paralympic Việt Nam tham dự Paralympic Paris 2024 với 14 thành viên, giành 01 HCĐ...
Đối với công tác giáo dục Olympic, Uỷ ban Olympic Việt Nam đã sử dụng 100% kinh phí tài trợ và phối hợp với các Sở VHTTDL, Sở VHTT các địa phương tổ chức thành công nhiều khóa học, sự kiện. Đồng thời triển khai thành công 3 khóa học kỹ thuật dành cho huấn luyện viên môn Bóng bàn, khóa học dành cho huấn luyện viên cấp độ II môn Xe đạp, khóa học dành cho Huấn luyện viên cấp 2 môn Điền kinh tại Đăk Lăk và nhiều hoạt động ý nghĩa khác...
Đặc biệt, Uỷ ban Olympic Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Pháp, các đơn vị liên quan tổ chức thành công Hội thảo hưởng ứng Olympic Paris 2024 tại Hà Nội với hơn một nghìn đại biểu, VĐV tham tham gia trực tiếp và trực tuyến tại trụ sở Cục TDTT và các điểm cầu quốc tế Mỹ và Pháp, các điểm cầu trong nước gồm các Trung tâm HLTTQG Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Trường Đại học TDTT Bắc Ninh. Trong năm 2024, Ủy ban Olympic Việt Nam cũng tích cực phối hợp với Cục Thể dục thể thao chuẩn bị tốt cho các Đoàn thể thao Việt Nam, các đội tuyển đi thi đấu quốc tế...
Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2024, bước sang năm 2025 Uỷ ban Olympic Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia trong việc mở rộng và phát triển phong trào Thể dục Thể thao, nâng cao trình độ một số môn thể thao trọng điểm của Việt Nam ngang tầm Châu Á và thế giới. Hoàn thành tốt những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2025 và các nhiệm vụ khác được giao. Đẩy mạnh, tăng cường quan hệ hợp tác với IOC, ANOC, OCA, SEAGF, các Liên đoàn Thể thao Quốc tế, Châu lục và khu vực Đông Nam Á, các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hội nghị cũng đã nghe nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu, nhằm tìm ra các giải pháp góp phần phát triển thành tích của thể thao Việt Nam cả về phong trào lẫn đỉnh cao.
Quyết tâm phải lớn, ý chí phải mạnh
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá trong bối cảnh năm 2024, mặc dù đất nước phải đối mặt với nhiều thách thức và thuận lợi đan xen nhưng thể thao Việt Nam vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự đồng thuận và ủng hộ từ nhân dân, cũng như sự vào cuộc tích cực của các liên đoàn, hiệp hội.
Vì thế chúng ta đã đạt được nhiều thành tích, Ủy ban Olympic cũng đã ghi dấu ấn trong việc phát triển phong trào thể thao cho mọi người cũng như có đóng góp cho thể thao thành tích cao với tỉ lệ đáng kể các huy chương đoạt được tại các đấu trường quốc tế. Công tác hợp tác quốc tế của Ủy ban Olympic Việt Nam cũng ngày càng được củng cố và phát huy.
Thay vì chỉ giao lưu, gặp gỡ, chúng ta đã chuyển sang một phương thức hợp tác tích cực hơn, nhằm tạo ra sức mạnh tổng thể giúp thể thao Việt Nam phát triển. Trong năm qua, sự phối hợp giữa Ủy ban Olympic Việt Nam và Bộ VHTTDL, giữa Ủy ban với các Liên đoàn, Hiệp hội, các địa phương... cũng ngày càng được đẩy mạnh. "Những thành tích của thể thao Việt Nam nói chung và Ủy ban Olympic Việt Nam nói riêng đã được xã hội ghi nhận", Bộ trưởng khẳng định.
Ghi nhận những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra những trăn trở, những dư địa và thế mạnh chưa được khai thác, phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Bộ trưởng cũng gợi mở cách làm như việc Ủy ban Olympic Việt Nam phải giữ vai trò kết nối, phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà nước là Cục Thể dục thể thao phát huy được sức mạnh của các Liên đoàn, Hiệp hội trong công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao thành tích.
Đồng thời thay đổi tư duy từ làm thể thao sang quản lý nhà nước về thể dục thể thao để tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ điểm nghẽn cho thể thao Việt Nam phát triển. Trong công tác phối hợp Ủy ban Olympic Việt Nam cũng cần đúng vai, thuộc bài, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, để góp phần đẩy mạnh phong trào thể thao cho mọi người, phát triển thể thao thành tích cao...
Trong năm 2025, Bộ trưởng nhấn mạnh, Ủy ban Olympic Việt Nam cũng cần rà soát lại công tác tổ chức, siết chặt đội ngũ, tinh gọn bộ máy theo hướng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời phải ứng dụng khoa học công nghệ để tận dụng được sức mạnh của mạng xã hội và đội ngũ hướng dẫn viên, tình nguyện viên nhằm phát triển phong trào thể thao cho mọi người.
Bộ trưởng nhắc lại việc ngành đã đưa ra được các bài tập thể thao hướng dẫn cho người dân trong giai đoạn bị COVID thì nay cũng nên tận dụng khoa học công nghệ, mạng xã hội mà có nhiều bài tập hướng dẫn cho người dân, từ việc chọn các bài tập phù hợp với thể lực, tầm vóc người Việt Nam đến các bài tập cụ thể cho người cao tuổi, các em học sinh... hay như các hướng dẫn cụ thể để người dân khi chơi thể thao biết chọn giày gì, tập luyện sao cho đúng kỹ thuật; chung sức phát triển thể thao trong trường học, lực lượng vũ trang...
Về thể thao thành tích cao, trong năm 2025, Bộ trưởng yêu cầu Ủy ban Olympic Việt Nam cần phối hợp với Cục Thể dục thể thao chuẩn bị tốt cho SEA Games 33, hướng tới chuẩn bị cho Asian Games 2026, Olympic 2028; phải đào tạo tuyển chọn được đội ngũ thầy giỏi để có trò hay cho mục tiêu tại các đại hội lớn này.
"Chúng ta phải làm việc nhỏ bằng tình yêu lớn nhất, quyết tâm phải thật lớn, ý chí phải mạnh, đoàn kết, nhất trí, đổi mới tư duy từ làm thể thao sang quản lý nhà nước về thể thao để Ủy ban Olympic Việt Nam trở thành ngôi nhà chung của thể thao Việt Nam, là điểm sáng, là chỗ dựa của các Liên đoàn Hiệp hội, là nơi để các cơ quan quản lý nhà nước thông qua đó để triển khai, truyền tải tất cả ý tưởng, biến các chủ trương của Đảng, Nhà nước thành hiện thực", Bộ trưởng mong muốn.