Lan tỏa những điều tốt đẹp trong mỗi vận động viên

THU SÂM

VHO - Sau khi Văn Hóa đăng tải bài viết “Ánh Viên và bài học về lòng biết ơn”, nhiều độc giả đã dành những lời khen ngợi cho Ánh Viên và mong muốn Thể thao Việt Nam tiếp tục có thêm nhiều vận động viên vừa xuất sắc về thành tích, lại vừa có cách ứng xử, lối sống tốt, xứng đáng là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo.

 Lan tỏa những điều tốt đẹp trong mỗi vận động viên - ảnh 1
HLV Vũ Ngọc Lợi luôn đồng hành cùng chân chạy Nguyễn Thị Huyền Ảnh: FACEBOOK

Thầy và trò cùng khổ luyện mới thành tài

Sau bài viết này, Văn Hóa cũng nhận được nhiều chia sẻ từ các huấn luyện viên - những người thầy đang hằng ngày, hằng giờ huấn luyện các tài năng đỉnh cao.

Hầu hết các ý kiến đều khen ngợi Ánh Viên và mong muốn vận động viên của mình cũng có được cách nhìn, cách nghĩ như Ánh Viên để Thể thao Việt Nam tiếp tục nêu cao truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Với đặc thù chuyên môn, việc tập luyện thể thao là không hề dễ dàng với các vận động viên, bởi việc luôn phải vượt ngưỡng chịu đựng để “nuốt” một khối lượng lớn các bài tập rồi lại “nuốt” một khối lượng thức ăn mà nhiều khi không được ăn theo sở thích như trường hợp của Ánh Viên.

Vì thế nhiều giọt mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả máu đã đổ trên các thảm tập, đường chạy, bể bơi, trường bắn... để sau đó quy đổi thành những tấm huy chương lấp lánh.

Thể thao là khổ luyện để thành tài, nếu vận động viên không bước qua được cửa ải này thì khó lòng có được thành công. Ánh Viên hay các VĐV khác của Thể thao Việt Nam đều phải trải qua những giai đoạn tập luyện khổ cực mới có được thành tích.

Đơn cử như tay vợt nữ số 1 Việt Nam hiện nay Nguyễn Thùy Linh, song hành cùng những thành tích ấn tượng, nụ cười tươi rói cùng thái độ niềm nở, dễ thương khi tiếp xúc với người hâm mộ, Linh đã phải trải qua những giây phút tập luyện vất vả.

Do đặc thù di chuyển nhiều của môn Cầu lông, gót chân của Thuỳ Linh và một phần ở gan bàn chân bị chai đến mức sơ cứng nên sau các buổi tập, cô thường phải gọt phần bị chai và thường xuyên bị đau nhức.

Nhưng đó chỉ là chấn thương nghề nghiệp nhẹ, Linh và các đồng nghiệp thường xuyên phải đối diện với nhiều chấn thương khác để có được thành tích đỉnh cao.

Với các huấn luyện viên, công việc huấn luyện cũng rất vất vả. Nếu các thầy cô giáo dạy văn hóa, được về nhà chăm chút gia đình sau khi kết thúc giờ dạy thì các huấn luyện viên thường phải vất vả chăm sóc, trông coi các học trò, từ bữa ăn tới giấc ngủ.

Họ vừa là người thầy nhưng cũng là người cha, người mẹ khi dậy dỗ, chia sẻ tâm tư, định hướng cho các em. Ở các đội tuyển trẻ hoặc với những môn đặc thù riêng đòi hỏi vận động viên phải được đào tạo từ khi mới 5-6 tuổi (thể dục dụng cụ), hoặc phải tập huấn thi đấu xa nhà, dài ngày như trường hợp của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên.

Hay như trường hợp của huấn luyện viên môn Cầu lông Ngô Trung Dũng, khi huấn luyện đội tuyển Cầu lông trẻ quốc gia tại Trung tâm đào tạo VĐV của Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, dù nhà ngay cạnh Trung tâm huấn luyện nhưng anh cũng thường xuyên ở lại với đội cả ngày lẫn đêm, không về nhà để quản lý, chăm lo cho các học trò.

Và bài học về lòng biết ơn

Với vận động viên từng là chân chạy số 1 của Thể thao Việt Nam Nguyễn Thị Huyền, huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi như một người thân trong nhà, một người thầy mà Huyền luôn kính trọng, thân thương gọi là bác.

Trong quá trình huấn luyện cũng có những lúc thầy Lợi không hài lòng về học trò nhưng suốt cả chặng đường dài hơn 15 năm gắn bó, dù lúc thành công hay khi thất bại thì 2 thầy trò vẫn luôn song hành.

Hình ảnh Nguyễn Thị Huyền khi về đích đoạt HCV thường vội vã đi tìm bác Lợi và ôm người thầy kính mến của mình như một sự tri ân cho những tâm huyết mà ông đã dành cho học trò.

Bên cạnh những câu chuyện lan tỏa sự tốt đẹp về lòng biết ơn và nghĩa thầy trò, gần đây có nhiều huấn luyện viên phải nuốt nước mắt vì sự thay đổi đến chóng mặt của các học trò.

Có vận động viên thường xuyên quay lén các huấn luyện viên trong quá trình huấn luyện để khi cần thì cắt cúp đe dọa. Với đặc thù của việc huấn luyện thể thao, không thể tránh khỏi những lúc các huấn luyện viên sẽ phải nặng lời, không thể nói toàn lời ngọt ngào như trong văn mẫu.

Nếu chỉ cắt cúp những giây phút này và với mức độ lan truyền, suy diễn của mạng xã hội như hiện nay, những lát cắt sẽ trở thành câu chuyện bị lên án, suy diễn đủ điều trên không gian mạng, dẫn đến cái nhìn lệch lạc về người thầy trong thể thao.

Có vận động viên sau khi thành công rồi thì lên tiếng chê bai thầy, tự mãn và cho rằng thành tích có được là do sự nỗ lực tự thân, không có bóng dáng của người thầy trong đó.

Tuy nhiên không phải lúc nào các thầy cũng đúng nhưng là học trò thì nên thấm nhuần đạo lý “một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Với các huấn luyện viên, họ cũng phải nhìn nhận lại quá trình huấn luyện và lựa chọn cách ứng xử phù hợp với các học trò, để tránh trường hợp trò tố thầy như trong thời gian qua.

Sự việc nào thì cũng cần được nhìn nhận từ nhiều phía, nhiều góc độ nhưng qua những sự việc như vậy cho thấy một lần nữa công tác giáo dục về đạo đức, tư tưởng cho các vận động viên cần được nâng cao hơn nữa.

Các vận động viên cần được giáo dục để trở thành người tốt trước khi trở thành vận động viên giỏi. Họ cần được giáo dục về lòng trắc ẩn, sự bao dung, chia sẻ, lòng biết ơn cũng như tinh thần, trách nhiệm với Tổ quốc bởi đã được đầu tư, chăm bẵm từ lúc còn trẻ cho tới khi chín muồi về tài năng và trưởng thành về nhân cách.

Một số người tâm huyết với thể thao từng tâm sự với người viết rằng, họ vất vả đi xin tài trợ thưởng cho các vận động viên nhưng khi nhận, một số vận động viên coi đó là việc đương nhiên và không có nổi một lời cảm ơn.

Vì thế các vận động viên cũng cần được giáo dục thêm về việc biết cho đi thay vì chỉ biết nhận để mỗi ngày sống là mỗi ngày biết ơn, lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống, như “tiểu tiên cá” Ánh Viên đang sống mỗi ngày...

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc