Ánh Viên và bài học về lòng biết ơn

THU SÂM

VHO - Trong mấy ngày qua, “tiểu tiên cá” từng làm dậy sóng làn đua xanh Nguyễn Thị Ánh Viên kêu gọi ủng hộ đồng bào bão lụt gửi về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay hình ảnh xinh đẹp, đáng yêu khi cầm đèn lồng trong đêm trung thu đã khiến cộng đồng mạng thích thú. Nhiều người khen ngợi lối sống giản dị, không “phông bạt”, làm được nhiều việc có ích cho xã hội của cô.

Ánh Viên và bài học về lòng biết ơn - ảnh 1
Ánh Viên mong muốn được chung tay vào mục tiêu “Vì một Việt Nam không còn trẻ em đuối nước”

 Mỗi ngày sống là một ngày biết ơn

Những hình ảnh đăng trên trang cá nhân có tới gần 500.000 người theo dõi của Ánh Viên đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Có facebooker viết: “Cùng là VĐV nhưng Ánh Viên chân thật, làm việc ý nghĩa, không ồn ào, giản dị và cho thấy được đẳng cấp của một người nổi tiếng”. Trong khi đó facebooker khác lại khen: “VĐV quốc gia phải uy tín thế chứ”, hay “Ánh Viên giản dị, làm việc ý nghĩa, chân thật”, “Công khai như Ánh Viên thì không cần sao kê, không phông bạt”, “Ánh Viên, không chỉ đẹp người, đẹp nết mà còn có một tấm lòng rộng lớn”...

Để có một cuộc sống đầy ý nghĩa, tích cực, lan tỏa nhiều điều tốt đẹp và nhiều người yêu quý, trân trọng, “tiểu tiên cá” đã phải vượt qua một chặng đường khó khăn. Từng là VĐV nổi tiếng nhất của thể thao Việt Nam, cô không chỉ nhận được sự săn đón của báo chí trong nước mà còn là sự săn đón của báo chí khu vực. Đỉnh điểm là tại SEA Games 2015 ở Singapore, cả khu vực Đông Nam Á sửng sốt vì có một kình ngư thống lĩnh ở đường đua xanh với 8 HCV, phá 7 kỷ lục SEA Games. Báo chí khu vực khi đó đặt biệt danh cho cô là “Iron girl”. Cô cũng từng có được vị trí thứ 9 tại Olympic Rio Brazil năm 2016 và là thần tượng của nhiều người hâm mộ thể thao nước nhà.

Từng ở đỉnh cao phong độ nhưng rồi theo quy luật, Ánh Viên cũng phải đối diện với những tháng ngày khủng hoảng vì phong độ theo sơ đồ hình sin. Cô đã từng có những phút giây bật khóc vì bất lực, vì khủng hoảng tại SEA Games 2019 hay những phút giây trầm lắng, một mình lặng lẽ bên bể bơi tại Olympic Tokyo 2020. Ở những thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời VĐV đó, Ánh Viên còn phải đối diện với khủng hoảng khi người thầy của mình do vướng những vấn đề cá nhân nên đã không thể đồng hành cùng cô. “Nhưng không có thầy thì không có tôi của ngày hôm nay nên dù có thế nào thì thầy cũng là thầy tôi. Thầy dậy cho tôi bài học về đạo đức và lòng biết ơn khi tôi bắt đầu thi đấu đỉnh cao. Những gì thầy dậy tôi đều nhớ, khắc ghi và thực hiện”, Ánh Viên chia sẻ.

Ánh Viên nhớ lại, trong mấy năm thành tích không được như ý, cô khủng hoảng ghê lắm, cảm thấy buồn và bất lực vì không thể quay trở lại thời phong độ đỉnh cao. “Nhưng rồi tôi ngộ ra rằng, cái gì bắt đầu rồi cũng có lúc phải kết thúc. Vì thế sau khi tôi đi hết chặng đường của một VĐV đỉnh cao, tôi cần bắt đầu bước sang một chương mới, để sống có ý nghĩa hơn, làm được nhiều điều có ích hơn cho cộng đồng xung quanh. Tôi muốn mỗi ngày mình sống là một ngày biết ơn cho những gì tốt đẹp mà tôi đã được quan tâm, đầu tư. Tôi đã từng ở trên đỉnh cao của vinh quang rồi cũng đã nếm trải cảm giác khi đi xuống, nhưng tôi không hờn trách mà luôn cảm thấy biết ơn những tháng ngày đó. Nhờ thế mà tôi đã trưởng thành hơn, từ đó biết vượt qua những khó khăn và biết được rằng vui hay buồn là do mình quyết định. Tôi đã sống và làm việc vì lòng biết ơn với xã hội và mọi người xung quanh và hy vọng rằng cuộc sống sẽ ngày càng tốt đẹp hơn”, Ánh Viên nói mà niềm vui ánh lên trong chất giọng Nam Bộ ngọt ngào.

Chung tay làm giảm tai nạn đuối nước

Trước đây một ngày của Ánh Viên là phải “nuốt” khối lượng lớn trong tập luyện rồi lại ăn khối lượng thức ăn lớn, để nạp đủ chất dinh dưỡng mà không cần quan tâm đến vị giác thế nào, có ngon hay không. Còn một ngày giờ đây của Ánh Viên là đi học tại Trường Đại học TDTT TP.HCM rồi dậy bơi cho đội tuyển ở trường, dậy bơi cho các em nhỏ ở CLB, dậy kỹ năng bơi cho cộng đồng mạng, lan tỏa lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao. Công việc kết thúc lúc 20h tối hằng ngày cũng là lúc Viên dành thời gian nấu ăn và nghỉ ngơi chuẩn bị cho một ngày mới của lòng biết ơn vào hôm sau.

Trong cuộc trò chuyện với Văn Hóa, Ánh Viên chia sẻ cô muốn chung tay làm giảm tai nạn đuối nước ở Việt Nam. Ước mơ của Viên là sau này sẽ thành lập được một trung tâm có hồ bơi riêng để có thể phổ cập bơi lội tới mọi người. Từ đó phát hiện và góp phần đào tạo ra các tài năng bơi cho thể thao Việt Nam.

“Tôi cũng mong muốn được các cô, chú, các nhà tài trợ giúp đỡ để sau này thành lập một Quỹ bảo trợ bơi với mục đích phổ cập bơi và đào tạo được nhiều tài năng, cho các em cơ hội được sống với đam mê bơi lội, phát triển, hoàn thiện bản thân. Tôi mong muốn được chung tay vào mục tiêu “Vì một Việt Nam không còn trẻ em đuối nước”, giảm thiểu tối đa tai nạn thương tâm từ đuối nước”, Ánh Viên bày tỏ. Mong cho ước mơ của nữ VĐV từng là niềm tự hào của bơi lội Việt Nam thành hiện thực.

Hiện “tiểu tiên cá” Ánh Viên là cố vấn môn bơi lội thuộc Tập đoàn Giáo dục EQuest, hằng ngày cô dậy cho đội tuyển bơi trong hệ thống giáo dục này và dậy bơi tại CLB “Ánh Viên swim club” tại quận 7 và quận 9 TP.HCM. Có thể nói câu chuyện của Ánh Viên đã truyền cảm hứng về sự tử tế, lòng biết ơn và trách nhiệm xã hội của một VĐV đã từng thi đấu hết mình vì màu cờ, sắc áo của Tổ quốc và nay lại đang hết mình chung tay, góp sức để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Đó là tấm gương để nhiều VĐV khác noi vào, bởi xã hội luôn cần sự tử tế và lòng biết ơn...

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc