Hướng tới xây dựng một nền thể thao chuyên nghiệp, trong sạch

THU SÂM

VHO - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ VHTTDL) Đặng Hà Việt vừa ký công văn gửi các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (TTHLTTQG) về việc tăng cường quản lý thực hiện chế độ, chính sách cho VĐV, HLV các đội tuyển quốc gia.

 Công văn nhằm thực hiện chỉ đạo ngày 14.3.2024 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực Thể dục thể thao. Cũng nhưxuất phát từ tình hình thực tiễn việc triển khai, thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) các đội tuyển thể thao quốc gia trong thời gian qua.

 Hướng tới xây dựng một nền thể thao chuyên nghiệp, trong sạch - ảnh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương thăm, động viên tinh thần đô cử Trịnh Văn Vinh

Thực hiện đầy đủ, đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức

Theo đó Cục Thể dục thể thao yêu cầu các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tiếp tục thực hiện 8 nhiệm vụ. Trong đó yêu cầu thứ nhất làthủtrưởng các đơn vị nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo chi ngân sách nhà nước theo dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi và theo quy định của pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương và công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách nhà nước được giao tại đơn vị.

Yêu cầu thứ hai là thường xuyên tổ chức nghiên cứu, cập nhật chế độ, chính sách và các quy định của nhà nước liên quan trực tiếp đến VĐV, HLV, người lao động đang tập luyện, làm việc tại đơn vị; đảm bảo các bộ phận chuyên môn như kế toán, tổ chức hành chính, quản lý huấn luyện, nuôi dưỡng… phải nắm chắc, thông hiểu các chế độ, chính sách hiện hành có liên quan đến các đối tượng trên.

Thứ ba, thực hiện đầy đủ, đúng quy trình, đúng nguồn, đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức, liên quan đến VĐV, HLV, người lao động, trong khuôn khổ dự toán ngân sách nhà nước được giao hằng năm. Thứ tư, thường xuyên rà soát, xây dựng, hướng dẫn, công khai quy trình, thủ tục, định mức… liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến VĐV, HLV, người lao động như: Tiền lương, tiền hỗ trợ, các khoản đóng góp theo lương, tiền làm thêm giờ, tiền thưởng, tiền thuế thu nhập cá nhân, tiền thực hiện chế độ dinh dưỡng (mức ăn hằng ngày, thực đơn), thực phẩm chức năng, trang thiết bị cấp phát cho VĐV, HLV mỗi khi được triệu tập theo quyết định…

Thứ năm, các phòng, ban chức năng của đơn vị thường xuyên rà soát, kiểm tra nội bộ về triển khai các chế độ, chính sách, các điều kiện về cơ sở vật chất đảm bảo cho VĐV, HLV trong quá trình tập luyện, thi đấu; tổng hợp các ý kiến, phản ánh về những tồn tại, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện để kịp thời giải đáp thắc mắc (nếu có), trường hợp cần thiết phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Khi có các yêu cầu về đánh giá, đóng góp sửa đổi, bổ sung, xây dựng chế độ, chính sách mới, thủ trưởng đơn vị cần tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi tới toàn thể các đối tượng trong phạm vi điều chỉnh của chính sách để tổng hợp, đề xuất. Thứ sáu, nghiêm cấm các trường hợp chi sai nguồn khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền; nghiêm cấm thực hiện các khoản chi ngoài dự toán, các khoản chi trái quy định của pháp luật, sử dụng ngân sách để cho vay, tạm ứng đối với những việc, nội dung sai chế độ quy định.

Thứ bảy, nghiêm cấm việc không hạch toán, bỏ ngoài sổ sách kế toán và báo cáo tài chính năm các khoản thu, chi từ hoạt động sự nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ và các nguồn thu khác (các khoản thu cho thuê, kinh doanh, dịch vụ, thu hộ, chi hộ; kinh phí tài trợ, viện trợ…). Thứ tám, thủ trưởng các đơn vị dự toán ngân sách có trách nhiệm thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong lĩnh vực tài chính - ngân sách và chịu trách nhiệm về những sai phạm thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

 Hướng tới xây dựng một nền thể thao chuyên nghiệp, trong sạch - ảnh 2

Sự quan tâm của các cấp sẽ giúp các VĐV yên tâm tập luyện và thi đấu 

Giúp các VĐV vững tâm hơn

 Công văn cho thấy quyết tâm của ngành trong việc hướng đến xây dựng một nền thể thao chuyên nghiệp, trong sạch, minh bạch, như mong mỏi của nhân dân và người hâm mộ cả nước”

(Thứ trưởng Bộ VHTTDL HOÀNG ĐẠO CƯƠNG)

Đánh giá cao tinh thần của công văn này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, nội dung công văn đã thể hiện sự nghiêm túc, bám sát Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23.6.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước và ý kiến chỉ đạo ngày 14.3.2024 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực Thể dục thể thao. “Nội dung công văn cũng đã cho thấy quyết tâm của ngành trong việc hướng đến xây dựng một nền thể thao chuyên nghiệp, trong sạch, minh bạch, như mong mỏi của nhân dân và người hâm mộ cả nước”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đánh giá.

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt cho biết, trước thực tế hiện nay cũng như nhiều năm qua, bài toán về chế độ tiền lương, tiền công dành cho VĐV đỉnh cao còn khá hạn hẹp, để lo cho cuộc sống gia đình và định hướng cho tương lai sau khi giải nghệ, nhiều VĐV đã phải bỏ tiền túi ra đi học (học đại học, thạc sĩ, hay các công việc chuyên môn khác). Làm thế nào để hỗ trợ cho VĐV có được chế độ đãi ngộ tốt nhất, giúp họ yên tâm thi đấu tập luyện trong thời gian còn thi đấu đỉnh cao vàsau giải nghệ là bài toán ngành TDTT đã và đang tiếp tục tìm cách tháo gỡ.

Cục trưởng Đặng Hà Việt nhấn mạnh, gần đây nhiều tổ chức doanh nghiệp, các trường Đại học đã có các chương trình ký thỏa thuận hỗ trợ, hợp tác cho VĐV đỉnh cao như trao các suất học bổng, tạo điều kiện về việc làm sau khi giải nghệ... Tuy nhiên, vẫn còn khá khiêm tốn, chưa giải quyết hết các nhu cầu. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng có nhiều chế độ, chính sách quan tâm đến HLV, VĐV như Hà Nội vừa ban hành Quyết định về hỗ trợ, chế độ ưu đãi đối với VĐV giành vé tham dự Olympic. Theo đó, Hà Nội hỗ trợ tiền công và tiền lương trong 4 năm VĐV đạt vé và giành thành tích tốt tại các kỳ Olympic.

“Từnhững sự quan tâm đó sẽ giúp các VĐV vững tâm hơn, thỏa sức cống hiến với niềm đam mê thể thao để mang về thành tích tốt nhất. Bởi thực tế với mức lương, chế độ ưu đãi đặc thù đã đảm bảo khá tốt cuộc sống hằng ngày cho các VĐV. Việc làm tiên phong như Hà Nội rất cần được nhân rộng ra nhiều địa phương trên cả nước để góp phần đưa Thể thao Việt Nam có những bước tiến đột phá trên đấu trường châu lục và thế giới”, ông Đặng Hà Việt nói.

Cục trưởng Đặng Hà Việt cũng khẳng định, việc ban hành công văn số1196/CTDTT-KHTC gửi các TTHLTTQG về việc tăng cường quản lý thực hiện chế độ, chính sách cho VĐV, HLV các đội tuyển quốc gia là cấp thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn của Thể thao Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.