Học được gì từ Carlos Yulo và nhiều nước Đông Nam Á?

THU SÂM (từ Paris, Pháp)

VHO - Olympic Paris đã chính thức khép lại và chắc chắn Thể thao Việt Nam cũng học được nhiều bài học tại đấu trường khốc liệt nhất thế giới này. Và một trong những bài học đó đến từ sự thành công của “thần đồng” môn Thể dục dụng cụ Carlos Yulo (Philippines) và câu chuyện về sự đầu tư ở một số nước khu vực Đông Nam Á.

Học được gì từ Carlos Yulo và nhiều nước Đông Nam Á? - ảnh 1
Hoàng Xuân Vinh cũng phải trải qua mấy chục năm tập luyện và nhiều thất bại tại các giải đấu lớn mới có thể tỏa sáng tại Olympic 2016

 Câu chuyện từ Hoàng Xuân Vinh và Carlos Yulo

Năm 2016 Hoàng Xuân Vinh viết lên câu chuyện “con nhà nghèo học giỏi” tại Brazil. Câu chuyện khiến cả thế giới phải kinh ngạc vì nhà vô địch Olympic xuất thân từ một trường bắn cũ kỹ, lạc hậu cùng cảnh thiếu thốn đạn tập quanh năm. Nhưng chỉ người trong cuộc mới biết được rằng để tạo nên một Hoàng Xuân Vinh “hiên ngang” đoạt HCV, phá kỷ lục Olympic rồi lại đoạt thêm chiếc HCB, khi ấy Thể thao Việt Nam đã phải khắc phục sự thiếu thốn, lỗi thời của hệ thống cơ sở vật chất bằng việc cho Hoàng Xuân Vinh đi tập huấn dài hạn tại Hàn Quốc - nơi có các điều kiện đảm bảo đủ tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao thành tích cho xạ thủ này.

Cùng với đó là việc anh thường xuyên được thi đấu ở nhiều giải quốc tế lớn. Hoàng Xuân Vinh lên đỉnh cao Olympic năm 42 tuổi. Như vậy anh đã trải qua quá trình tập luyện bắn súng trong suốt mấy chục năm và chúng ta cũng phải mất tới mấy chục năm mới có được Hoàng Xuân Vinh ghi dấu ấn ở đấu trường danh giá. Trước khi lên đỉnh cao nhất của thế giới, anh cũng từng dự nhiều giải đấu lớn và cũng từng thất bại như để tuột mất HCV ASIAD hay HCĐ tại Olympic London. Vì thế, giờ muốn có thêm một Hoàng Xuân Vinh là việc không thể giải quyết trong một sớm, một chiều.

Câu chuyện về “thần đồng” Carlos Yulo đang là hiện tượng đầy thú vị tại Olympic lần này cũng vậy. Nếu Carlos Yulo không được sang Nhật Bản từ năm 16 tuổi, không được tập luyện dài hạn trong môi trường chuyên nghiệp, thì làm sao có ngày anh đoạt tới 2 HCV Olympic. Thể thao Philippines phải đào tạo mất 17 năm mới có được một Yulo của ngày hôm nay và đó là hành trình dài, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.

Xác định tài năng thiên bẩm của Carlos Yulo, Philippines đã quyết định đầu tư lớn cho vận động viên này. 16 tuổi, Carlos Yulo rời gia đình đến Tokyo tập luyện cùng người thầy đã phát hiện ra em là HLV Munehiro Kugimiya. Bởi nếu chỉ tập luyện trong môi trường thiếu các trang thiết bị cần thiết, sàn tập không tốt và không có điều hoà thì Carlos Yulo mãi vẫn chỉ là viên ngọc thô.

Một chương trình hợp tác giữa Thể dục dụng cụ Philippines và Nhật Bản đã được bắt đầu và Carlos Yulo sang Nhật Bản tập luyện dài hạn dưới sự dẫn dắt của vị HLV vừa như một người thầy, lại cũng như một người cha, không chỉ huấn luyện Yulo về chuyên môn, ông còn dậy VĐV này học tiếng Nhật để tránh rào cản ngôn ngữ. Với sự đầu tư và huấn luyện chuyên nghiệp bài bản tại Nhật Bản, chỉ sau 5 năm tại Olympic Tokyo, Carlos Yulo đã đứng ở vị trí thứ 4. Và Carlos Yulo cũng trải qua nhiều giai đoạn lúc thăng, lúc trầm với nhiều giải đấu lớn không có thành tích. Gần đây nhất tại giải vô địch thể dục dụng cụ thế giới, anh chỉ đứng ở vị trí thứ 4. Cho nên nhiều người đã ngỡ ngàng khi anh tỏa sáng rực rỡ với 2 tấm HCV Olympic Paris.

Học được gì từ Carlos Yulo và nhiều nước Đông Nam Á? - ảnh 2
Philippines mất tới 17 năm cùng sự đầu tư lớn khi cho Carlos Yulo sang Nhật Bản tập luyện dài hạn mới giành được 2 HCV của kỳ Olympic này

Và bài học rút ra là gì?

Bài học của Hoàng Xuân Vinh và Carlos Yulo nói lên điều gì? Đó là nếu không đầu tư lớn, đầu tư chuyên sâu, nếu không kiên trì, nhẫn nại ngay cả khi các VĐV thi đấu chưa có thành tích tốt thì khó mà có được thành công.

Cả Hoàng Xuân Vinh và Carlos Yulo đều trải qua nhiều giải đấu lớn thất bại nhưng họ vẫn được đầu tư để bước tiếp. Thế nên thể thao đỉnh cao phải là cả một quá trình, chứ không phải cứ muốn là có ngay được thành tích. Ở góc độ lớn hơn, bài toán “đầu tiên” luôn là nỗi đau đầu với Thể thao Việt Nam. Tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao với chủ đề “Vươn tầm ASIAD, khát vọng Olympic”, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt trình bày tham luận trong đó đề ra nhiều giải pháp cụ thể để hiện thực hóa giấc mơ tại hai đấu trường này từ nay đến năm 2030.

Trong đó kinh phí trong giai đoạn từ năm 2024-2026, trung bình là 800-850 tỉ đồng/năm và giai đoạn sau từ năm 2027-2030 là 850-900 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, con số này là quá ít so với những nền thể thao phát triển ở Đông Nam Á. Đơn cử, Thái Lan đầu tư tương đương không dưới 4.000 tỉ đồng/năm cho thể thao đỉnh cao và họ đã gặt hái được những thành tích tốt ở Olympic Paris, có cả HCV, HCB và HCĐ. Malaysia, Indonesia, Philippines cũng giành được những thành tích ấn tượng bởi sự đầu tư lớn.

Vậy thì khi mà chúng ta chưa thể hóa giải được bài toán về kinh phí, về đầu tư lớn có chiều sâu thì khó lòng mơ tới huy chương Olympic chỉ bằng sự nỗ lực của riêng HLV, VĐV. Bấy lâu nay khi Thể thao Việt Nam không đạt thành tích tại các đấu trường quốc tế lớn như ASIAD hay Olympic, mọi lỗi lầm đều được “đổ” lên ngành Thể thao. Nhưng thực chất để thể thao, nhất là thể thao thành tích cao phát triển thì nỗ lực của riêng ngành thể thao là chưa đủ. Chúng ta cần sự vào cuộc của toàn xã hội, từ sự đầu tư của các địa phương; sự quan tâm của các cấp, ngành, các nguồn lực xã hội để đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, thuê chuyên gia giỏi, tuyển chọn VĐV; rồi cần những cơ chế, chính sách thông thoáng để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho thể thao như cách mà Thái Lan và nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á vẫn đang làm.

Về chuyên môn, Thể thao Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng tầm thành tích tại 2 đấu trường lớn này, từ nay đến năm 2030. Theo Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, về định hướng, đó là quy hoạch, phân nhóm các môn thểthao nhằm đầu tư trọng tâm, trọng điểm và phát huy nguồn lực xãhội trong công tác đào tạo vận động viên. Tiếp theo là nâng cao chất lượng đào tạo trong đó tập trung xây dựng quy trình tuyển chọn và đào tạo mang tính hệ thống, đảm bảo các điều kiện thực hiện. Tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng các thành tựu của khoa học công nghệ trong việc tuyển chọn, đào tạo, đánh giá trình độ tập luyện và hiệu quả của quy trình huấn luyện VĐV thể thao thành tích cao.

Trong đó về xây dựng lực lượng VĐV, chúng ta sẽ tuyển chọn, xác định VĐV, phân thành các nhóm VĐV có khả năng tranh chấp HCV ASIAD và đạt chuẩn Olympic. Nhóm vận động viên có khả năng giành huy chương ASIAD, nhóm vận động viên thuộc các môn được xã hội quan tâm. Từ đó cũng sẽ xác định phương thức đào tạo VĐV, xác định địa điểm đào tạo. Giải pháp nữa là xây dựng lực lượng cán bộ, HLV, chuyên gia tâm lý thể thao, y học, sinh cơ học vận động hồi phục, huấn luyện thể lực; xây dựng giải pháp cụ thể cho từng môn thể thao trọng điểm.

Ngành Thể thao cũng xác định rõ các nhóm giải pháp nâng cao năng lực các sơ sở đào tạo; ứng dụng khoa học công nghệ; đề ra các giải pháp xã hội hóa thể thao thành tích cao và các giải pháp về tài chính trong đó có cả việc phối hợp giữa ngân sách nhà nước và ngân sách xã hội hóa.

Lộ trình để thực hiện cho việc vươn tầm ASIAD và khát vọng Olympic được chia thành 2 giai đoạn, từ năm 2024-2026 với nhiệm vụ cụ thể là xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lực lượng cho Olympic 2024, 2028, các kỳ SEA Games từ năm 2025-2030; đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện cho thể thao thành tích cao phát triển bền vững. Giai đoạn tiếp theo từ năm 2027-2030 sẽ là tiếp tục triển khai kế hoạch chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự các kỳ Đại hội từ năm 2027-2030.

Như vậy chúng ta cần thời gian và sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành, địa phương cho lộ trình này, bởi để đào tạo ra các vận động viên đẳng cấp châu lục và thế giới, đòi hỏi phải có một quá trình lâu dài và một lộ trình khoa học, kỹ lưỡng, tỉ mỉ cùng sự kiên trì, nhẫn nại, không chỉ của riêng ngành Thể thao.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc