Hoàn thành mục tiêu và hơn thế nữa
VHO - Đội tuyển Việt Nam đã tiến vào trận chung kết ASEAN Cup 2024 khi thuyết phục vượt qua đội tuyển Singapore 5-1 sau 2 lượt trận bán kết. “Những chiến binh sao vàng” đã hoàn thành được mục tiêu đề ra trước khi bước vào chiến dịch, nhưng người hâm mộ mong chờ thầy trò HLV Kim Sang-sik sẽ làm được nhiều hơn thế.
Những con số biết nói
Hiên ngang bước vào trận chung kết ASEAN Cup 2024, tuyển Việt Nam có lần thứ hai liên tiếp đi đến trận đấu cuối cùng tại AFF Cup/ASEAN Cup. Đây là một cột mốc lịch sử mới của “Những chiến binh sao vàng” tại sân chơi số 1 khu vực. Đây cũng là lần thứ năm trong lịch sử, tuyển Việt Nam lọt vào chung kết giải đấu (chỉ sau Thái Lan 11 lần và Indonesia 6 lần). Lần đầu tiên tại AFF Cup 1998, đội thua Singapore 1-0. Năm 2008, đội thắng Thái Lan 3-2 sau 2 lượt trận để có lần đầu tiên vô địch. Đến năm 2018, tuyển Việt Nam có được chức vô địch thứ hai sau khi vượt qua Malaysia 3-2 sau 2 lượt trận. Lần gần nhất tại AFF Cup 2022, tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo đã thua Thái Lan 2-3 sau 2 lượt trận. Nếu vô địch ASEAN Cup 2024, tuyển Việt Nam sẽ có lần thứ ba trở thành “nhà vua” của sân chơi số 1 khu vực. Trong lịch sử giải đấu, Thái Lan đang là đội giàu thành tích nhất với 7 lần vô địch, Singapore 4 lần, xếp thứ hai.
Hành trình đi đến trận đấu cuối cùng ASEAN Cup 2024 của thầy trò HLV Kim Sang-sik cũng có thêm một cột mốc mới, đó là kỷ lục về số bàn thắng. Tuyển Việt Nam thắng 5, hòa 1, 3 lần bị thủng lưới và ghi tới ghi 16 bàn. Đây là số bàn thắng kỷ lục, vượt qua cột mốc cũ 14 bàn của đội dưới thời HLV Park Hang-seo xác lập ở AFF Cup 2022. Đánh bại Singapore 5-1 sau 2 lượt trận, là chiến thắng cách biệt nhất của tuyển Việt Nam tại vòng bán kết trong lịch sử giải đấu. Trước đó, chiến thắng đậm nhất của đội tại vòng đấu này diễn ra ở AFF Cup 2018, khi đó đội đánh bại Philippines với tổng tỷ số 4-2.
Góp công lớn trong chuỗi thành tích ấn tượng của tuyển Việt Nam là song sát Nguyễn Xuân Son - Nguyễn Tiến Linh, bộ đôi này đã ghi được 9/16 bàn của đội trước trận chung kết. Mới chỉ đá 3 trận, Nguyễn Xuân Son đã vươn lên dẫn đầu cuộc đua vua phá lưới với 5 bàn. Chân sút sinh năm 1997 đang có phong độ rất cao, không chỉ ghi bàn anh còn 3 lần kiến tạo cho các đồng đội lập công và tạo ảnh hưởng rất lớn trên hàng công. Trong khi đó, Tiến Linh đã có 4 bàn và rất ăn ý với Xuân Son. Sự kết hợp hiệu quả của 2 chân sút này chắc chắn mang đến rất nhiều hy vọng trên hàng công của đội ở 2 trận chung kết sắp tới.
“Thiên thời, địa lợi và nhân hòa”
Không những có thống kê ấn tượng trước 2 trận chung kết, mà tuyển Việt Nam còn đang có đủ “Thiên thời, địa lợi và nhân hòa” cho lần thứ ba bước lên bục cao nhất tại sân chơi khu vực. Đầu tiên là thiên thời, tuyển Việt Nam đang có ưu thế hơn Thái Lan về thể lực nhờ lịch thi đấu. “Những chiến binh sao vàng” sẽ đá trận chung kết lượt đi tại sân Việt Trì vào ngày mai 2.1, rồi 3 ngày sau là trận lượt về tại Rajamangala (Bangkok, Thái Lan). Sau khi đá trận bán kết lượt về vào tối 29.12.2024, các cầu thủ Việt Nam có trọn vẹn ngày 30.12.2024 để phục hồi và có thêm 2 ngày nữa để chuẩn bị. Trong khi đó, tuyển Thái Lan phải trải qua lịch trình khắc nghiệt hơn nhiều, họ căng sức đá hơn 120 phút ở trận bán kết lượt về với Philippines tối 30.12.2024, sau đó phải di chuyển sang Việt Nam vào ngày 31.12.2024 để chuẩn bị cho trận chung kết lượt đi. Đội bóng “xứ chùa vàng” sẽ chỉ có 1 ngày chuẩn bị trọn vẹn.
Nói về địa lợi thì Việt Trì chính là điểm tựa cho tuyển Việt Nam. Sân bóng này lúc nào cũng được lấp hết chỗ trống bởi sắc đỏ mỗi khi tuyển Việt Nam thi đấu. Sự cổ vũ nhiệt tình của người hâm mộ luôn mang đến sức mạnh tinh thần cho các cầu thủ, bằng chứng là tuyển Việt Nam đã thắng cả 3 trận (1-0 trước Indonesia, 5-0 trước Myanmar và 3-1 trước Singapore) mỗi khi đá tại đây. Chắc chắn mục tiêu của đội là một trận thắng trên sân Việt Trì để tạo ưu thế trước khi làm khách ở trận lượt về.
Ở thời điểm hiện tại, yếu tố nhân hòa được xem là chìa khóa quan trọng nhất giúp tuyển Việt Nam vô địch. Từ đầu giải, HLV Kim Sang-sik đã sử dụng 25/26 cầu thủ và liên tục xoay tua đội hình. Ở mỗi trận đấu, chiến lược gia người Hàn Quốc đều sử dụng một đội hình ra sân khác nhau, trung bình có 6 sự thay đổi nhận sự ở 6 trận đấu đã qua. Ở mỗi trận, ông Kim cũng sử dụng hết 5 quyền thay người. Điều này cho thấy chiều sâu lực lượng của đội và giảm tải rất nhiều cho các cầu thủ quan trọng. Tại vòng bảng, người hâm mộ lo lắng về chấn thương của Văn Toàn nhưng đã có Thanh Bình, Vĩ Hào, thậm chí là Châu Ngọc Quang (đá tiền đạo trận bán kết lượt về) thay thế. Sau đó, hậu vệ phải Hồ Tấn Tài bị chấn thương nặng và không tiếp tục giải đấu nhưng đã có Văn Thanh hay Tiến Anh, thậm chí Xuân Mạnh cũng có thể đá được cánh này.
Thật ra trong các trận đấu đã qua, rất khó để tìm ra đâu là đội hình mạnh nhất (cố định) của tuyển Việt Nam vì đội luôn xoay vòng lực lượng. Nhiều khả năng ở 2 trận đấu quyết định tới đây, HLV Kim Sang-sik sẽ ưu tiên sự thận trọng, sử dụng những con người tốt nhất. Việc xoay tua đội hình liên tục cũng giúp HLV Kim Sang-sik khỏi bị đối thủ bắt bài, đồng thời có thể tung đòn quyết định ở 2 trận chung kết.