TP.HCM:
Hình thành trung tâm thể thao đặc biệt của một siêu đô thị
VHO - Trình bày tham luận tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 do Bộ VHTTDL tổ chức, vào sáng 17.7, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Nam Nhân nhấn mạnh, TP.HCM đang đứng trước bước ngoặt phát triển mới khi quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính không đơn thuần là thay đổi địa giới hành chính, mà là sứ mệnh cho một tầm nhìn chiến lược: hình thành trung tâm thể thao đặc biệt của một siêu đô thị.
Theo ông Nguyễn Nam Nhân, trong bối cảnh hiện nay, thành phố cần một cách tiếp cận hoàn toàn mới, linh hoạt, đa chiều, nhằm tận dụng sức mạnh tổng hợp vùng. Từ đó, nâng tầm thể thao thành một bộ phận quan trọng của đời sống đô thị sáng tạo.

Cụ thể, việc hợp nhất tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP.HCM sẽ hình thành nên tam giác phát triển. Trong đó, TP.HCM với vai trò trung tâm huấn luyện, nghiên cứu, ứng dụng khoa học thể thao tiên tiến sẽ kết nối chặt chẽ với Bình Dương, nơi có tiềm năng dồi dào về phát hiện và đào tạo năng khiếu, đồng thời phát triển công nghiệp thiết bị thể thao nội địa.
Cùng với đó, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương lý tưởng để phát triển kinh tế thể thao thông qua tổ chức các sự kiện quốc gia, quốc tế. Đặc biệt là phát triển các môn thể thao biển thành một điểm đến du lịch thể thao biển cho cả khu vực và quốc tế.
“Ba địa phương cùng hợp lực sẽ hình thành một “tam giác thể thao” với ba sứ mệnh: huấn luyện đỉnh cao – cung cấp nguồn nhân lực – tổ chức sự kiện thể thao, trên nền tảng điều kiện tự nhiên kết hợp số hóa toàn diện, hiện đại và đồng bộ”, ông Nguyễn Nam Nhân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Nam Nhân thông tin thêm, thành phố đang quản lý gần 2.000 thiết chế văn hóa – thể thao cấp cơ sở, từ nhà văn hóa, sân bãi, trung tâm thể dục thể thao quận/huyện đến điểm sinh hoạt cộng đồng. Sau khi hợp nhất, số thiết chế văn hóa - thể thao dự kiến lên đến 3.700 cơ sở.
Tuy nhiên, sự phân tán trong quản lý, thiếu tính kết nối và yếu về xã hội hóa khiến nhiều thiết chế hoạt động dưới tiềm năng. Do đó, thành phố kiến nghị xây dựng mô hình “Mạng lưới thiết chế thể thao mở”, với các đặc điểm về cơ chế đa chủ thể quản lý, tổ chức khai thác chung - lợi ích chung, chuyển đổi số toàn diện.
Mô hình này sẽ biến các thiết chế văn hoá – thể thao cơ sở thành “nút giao” động lực phát triển; vừa phục vụ mục tiêu cộng đồng, vừa kích hoạt thị trường dịch vụ thể thao địa phương, vừa cung cấp nguồn lực cho thể thao thành tích cao và quan trọng nhất là hình thành “hệ sinh thái’ cho kinh tế thể thao, thể thao chuyên nghiệp phát triển đúng quy luật, bền vững.
Trong phát triển kinh tế thể thao, ông Nguyễn Nam Nhân nêu rõ cần thoát khỏi tư duy “thể thao chỉ để đạt huy chương”. Tại TP.HCM, trung tâm đô thị trẻ, tiêu dùng mạnh, đây chính là thị trường vàng phát triển dịch vụ đào tạo – trải nghiệm thể thao; sản xuất - thương mại thiết bị, trang phục, ứng dụng thể thao; du lịch thể thao – nghỉ dưỡng – sự kiện quy mô lớn; công nghệ thể thao, chăm sóc sức khoẻ…
Tuy nhiên, để TP.HCM mới đủ điều kiện dẫn đầu về mô hình thể thao – công nghệ - kinh tế tích hợp thì cần có đủ khung pháp lý linh hoạt, chiến lược quy hoạch quỹ đất phát triển cụm thể thao hiện đại và cơ chế tài chính – thuế ưu đãi cho doanh nghiệp thể thao và các thiết chế hợp tác công tư (PPP).
Đối với sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự thể thao, ông Nguyễn Nam Nhân cho biết trong bối cảnh hợp nhất, TP.HCM không chọn con đường vội vã hay rập khuôn.
TP.HCM tiếp cận quá trình này trên nguyên tắc “hợp lực – hiệu quả – phát triển”, nhằm đảm bảo sự kế thừa, ổn định và tạo dựng nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Trong đó, đề cao tính ổn định; thực hiện tái cấu trúc tinh gọn, hiệu quả.

Thông tin về định hướng trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Nam Nhân cho biết, TP.HCM hướng đến phát triển thể thao trong đô thị sáng tạo – văn minh – phồn vinh. Trong đó, mong muốn sớm xây dựng được một đề án tổng thể phát triển thể thao TP.HCM mở rộng giai đoạn 2025–2035, đồng bộ với chiến lược quốc gia đến năm 2030.
Tăng cường bổ sung, điều chỉnh pháp lý, chức năng, nhiệm vụ để ngành thể thao Thành phố liên kết phát triển theo kinh tế vùng đô thị ở 3 khu vực TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu với cơ chế linh hoạt.
Xây dựng hệ thống chỉ tiêu KPI về hiệu quả hoạt động thiết chế cơ sở, sức khỏe cộng đồng, tăng trưởng ngành dịch vụ thể thao.
Đồng thời, TP.HCM sẽ thúc đẩy giáo dục thể chất – thể thao học đường như nền tảng phát triển bền vững, lâu dài.
Ông Nguyễn Nam Nhân nhấn mạnh: “Thể thao chính là “chỉ số văn minh” của đô thị hiện đại. Việc nâng tầm thể thao không chỉ là nhiệm vụ chuyên ngành mà là sứ mệnh phát triển con người, cộng đồng và xã hội hiện đại. Chúng ta đang đứng trước một cơ hội lịch sử để “tái kiến thiết” thể thao thành phố – một cách toàn diện, đổi mới, đầy khát vọng”.