Gian truân nghề huấn luyện viên bóng đá

VHO - Đối với người hâm mộ bóng đá, hình ảnh người đàn ông trung niên, đôi khi lão niên, đứng hò hét bên đường biên hoặc ngồi trầm ngâm trên băng ghế huấn luyện đã trở nên quá quen thuộc. Đó là huấn luyện viên (HLV). Nhưng, công việc cụ thể của HLV là gì? Câu trả lời không dễ đưa ra.

Gian truân nghề huấn luyện viên bóng đá - Anh 1

 Kết quả là nguyên nhân chính khiến HLV được mệnh danh “phù thy trắng” - Troussier chia tay đội tuyển bóng đá Việt Nam sau một năm dẫn dắt Ảnh: VFF

Định nghĩa HLV đơn giản là người quản lý, huấn luyện một đội bóng. Thuở “khai thiên lập địa” của bóng đá, đây là vị trí ít được để ý. Có hay không HLV, “trò chơi” vẫn diễn ra. Chỉ khi bóng đá ngày càng phát triển và chuyên nghiệp hóa, “trò chơi” trở thành ngành công nghiệp tỉ USD, HLV mới trở thành vị trí không thể thay thế, có được tiền tài và danh vọng chẳng kém cạnh gì các ngôi sao sân cỏ. Đơn cử, nhà cầm quân hưởng mức lương cao nhất thế giới hiện nay là Diego Simeone của Atletico Madrid, với thu nhập hơn 44 triệu USD mỗi năm.

Để thụ hưởng những đặc quyền, đặc lợi như vậy, trách nhiệm và áp lực của nghề này vô cùng khủng khiếp. Nhiệm vụ trước nhất của HLV là thiết lập kỷ luật, chặn đứng mọi mầm mống vô tổ chức và tối ưu hóa hiệu suất thi đấu của toàn đội. Sau phần “pháp trị” đến phần “kỹ trị”. Ngày nay bóng đá được nói bằng nhiều con số. Sơ đồ 2-3-5 phổ biến thập niên 1920 dần “đảo ngược kim tự tháp” sang hệ thống chiến thuật 5-4-1 hoặc 5-3-2 phức hợp đương đại. Gọi đó là hành trình sáng tạo chiến thuật trong bóng đá cũng đúng, ví như sự tóm lược từ bản chất khai phóng sang nỗi sợ thất trận của huấn luyện viên cũng chẳng sai. HLV không chỉ phải làu thông kiến thức chiến thuật mà còn phải biết vận dụng và sáng tạo hằng tuần. Có những “chiến thuật gia” được đánh giá cao về kiến thức nhưng vẫn thất bại khi làm nghề. Đơn cử như Gary Neville, cựu danh thủ Manchester United, bình luận viên rất được yêu thích vì những phân tích chiến thuật hấp dẫn trên kênh Sky Sport từng bị sa thải chóng vánh chỉ sau vài tháng dẫn dắt Valencia.

Bởi quan trọng nhất là phần “nhân trị”. Muốn thành công, HLV phải thu phục được lòng người, đặc biệt là cầu thủ. Họ vừa duy trì kỷ luật, vừa chuyền tải ý đồ chiến thuật đến từng cầu thủ ra sân, sao cho tuân thủ và phát huy hiệu quả cao nhất. Nhiệm vụ này đòi hỏi cả kỹ năng quản lý lẫn sư phạm. Đáng nói, mối quan hệ giữa HLV và cầu thủ phức tạp hơn nhiều khái niệm cấp trên, cấp dưới hay “thầy và trò” trong văn hóa bóng đá Việt Nam. “Ghế HLV có bốn chân, cầu thủ nắm hết ba chân” là cách đặc tả chính xác và sâu cay về nghề của HLV Đặng Trần Chỉnh. Ngoài các cầu thủ, HLV cũng cần nhận được sự ủng hộ từ ban lãnh đạo đội bóng lẫn người hâm mộ. Trước dư luận, ngày hôm trước HLV có thể được tung hô như người hùng nhưng chỉ hôm sau đã đòi ông ta phải từ chức là chuyện thường.

Có hàng ngàn lý do để một HLV được ca tụng, nhưng có cả vạn lý do để ông bị chỉ trích. Các HLV ngày càng hốc hác và tiều tụy không đơn thuần chỉ vì sự bào mòn của thời gian. Mái tóc bạc phơ của Jose Mourinho chỉ sau 3 năm dẫn dắt Real Madrid là minh chứng sống động. Mới đây, ông Philippe Troussier đã có những chia sẻ sau khi chia tay đội tuyển Việt Nam. Bất luận thành bại, đúng sai, những lời gan ruột của nhà cầm quân 70 tuổi này cho thấy nỗ lực và tâm huyết. Khi được hỏi về nguyên nhân khiến ông Troussier không thành công, chuyên gia Steve Darby cũng chỉ trả lời ngắn gọn: “Kết quả là nguyên nhân duy nhất, không còn điều gì khác”. Ranh giới thắng hay bại lại thật mong manh. Quan trọng là luôn phải hướng về phía trước bằng tất cả trái tim. 

NGỌC TRUNG

Ý kiến bạn đọc