Đẩy mạnh hoạt động thể thao trong các khu công nghiệp

VHO- Làm việc tại Công ty Teakwang Vina thuộc KCN 2, Biên Hòa (Đồng Nai), Nguyễn Thúy Vân cho biết, cuộc sống công nhân của chị và đồng nghiệp ở đây khá thú vị, giữa giờ, các công nhân được tập thể dục, xua tan mệt mỏi. Sau 8 tiếng làm việc, cô thường đi bộ để rèn luyện sức khỏe…

Đẩy mạnh hoạt động thể thao trong các khu công nghiệp - Anh 1

 Việc tập thể dục giữa giờ giúp cho người lao động hứng thú hơn với công việc Ảnh: HUY KHÔI

Một công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Crystal Martin thuộc KCN Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang) cũng cho biết, công ty có sân bóng đá, phòng tập thể thao. Sau giờ làm việc công nhân có thể đá bóng, chơi cầu lông, bóng bàn, tập gym… Những niềm vui kể trên có được một phần là nhờ hiệu quả của Chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc xây dựng đời sống văn hóa trong công chức, viên chức, công nhân lao động thời gian qua.

Hằng năm có 26.715 hoạt động văn hóa, văn nghệ - TDTT được tổ chức

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng Liên đoàn về xây dựng đời sống văn hóa, thể thao cho người lao động giai đoạn 2016-2021 đạt khá nhiều kết quả trong đó ở lĩnh vực thể thao, hai bên tập trung tuyên truyền về lợi ích của hoạt động thể dục thể thao (TDTT) góp phần nâng cao thể chất, rèn luyện sức khỏe phục vụ nhiệm vụ sản xuất, khuyến khích CNVCLĐ tự giác chọn một hình thức tập luyện phù hợp; phối hợp tổ chức các giải đấu thể thao, Ngày hội văn hóa - thể thao.

Công đoàn phối hợp với chính quyền, chủ doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động tập luyện như cải tạo sân bãi, nhà tập, phòng tập, mua sắm dụng cụ cho CNVCLĐ tập luyện sau giờ làm việc, tăng cường giao lưu TDTT. Nhiều hội thao, giải thể thao với nhiều bộ môn thi đấu như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, kéo co, tenis, điền kinh, bơi lội, đua xe đạp tay cầm ngang... với hàng vạn VĐV tham gia, góp phần nâng cao sức khỏe người lao động với phương châm “Khỏe để nâng cao năng suất lao động”. Hằng năm có 26.715 hoạt động văn hóa, văn nghệ - TDTT do các cấp Công đoàn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức cho công nhân.

“Năm 2020, lần đầu tiên Tổng Liên đoàn tổchức cuộc thi “ Sáng tạo video clip bài tập thể dục giữa giờ” trong CC, VC, CNLĐ với 2.454 tác phẩm dự thi, thu hút được 8.281.369 lượt người theo dõi, tham gia xem và bình chọn cho tác phẩm yêu thích. Cuộc thi là cơ hội để CC, VC, CNLĐ cùng nhau luyện tập, nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật, mang lại niềm vui, làm phong phú thêm các hoạt động cộng đồng cho người lao động”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết thêm.

Cần dành quỹ đất cho cácthiết chế văn hóa - thể thao

Hiện cả nước có 295 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích gần 84 nghìn ha, trong đó có 212 KCN, KCX đã đi vào hoạt động, thu hút gần 2,2 triệu công nhân lao động. Công tác xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở các KCN bước đầu được các địa phương, doanh nghiệp quan tâm.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, việc cân đối ngân sách của các địa phương, bố trí vốn để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân tại các KCN, KCX chưa đáp ứng nhu cầu. Nhiều KCN, KCX không có thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, luyện tập TDTT của người lao động. Một số KCN, KCX không còn quỹ đất cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân; điều kiện về sân bãi, trang thiết bị phục vụ tập luyện thể thao tại các cơ quan, đơn vị, khu công nghiệp, khu chế xuất còn thiếu. Nhiều KCN, KCX không có thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, luyện tập TDTT của người lao động.

Phong trào tập luyện và thi đấu TDTT tại các cơ quan, đơn vị, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa đều, chất lượng chưa cao. Việc tổ chức các Hội thi, giải thi đấu thể thao tại các cơ quan, đơn vị, KCN, KCX chưa được thường xuyên. Chính vì thế đời sống người lao động còn thiếu thốn về vật chất lại nghèo nàn cả về tinh thần lẫn việc rèn luyện sức khỏe, thể lực. Nguyễn Xuân Việt là công nhân tại Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong, Bắc Giang cho biết, làm việc 9 tiếng/ngày ai cũng mong muốn được tập luyện thể thao thường xuyên để nâng cao sức khỏe. Cùng suy nghĩ, chị Nguyễn Thị Hiền 43 tuổi, công nhân tại Công ty May Việt Pan Pacific - Bắc Giang cũng mong muốn được tập luyện thể thao thường xuyên, tham gia nhiều hơn các hoạt động giao lưu văn hóa - thể thao trong công ty.

Mong muốn của Xuân Việt hay chị Hiền cũng chính là mục tiêu mà “Chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động TDTT của CC, VC, CNLĐ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giai đoạn 2021-2026”, đặt ra. Nói về Chương trình này, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cho biết, năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng cục TDTT và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế phối hợp ban hành Kế hoạch hướng dẫn tập luyện TDTT bảo vệ, nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật cho công nhân, viên chức, lao động giai đoạn 2021-2025. “Trong thời gian tới cũng mong các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm quy hoạch đất dành cho TDTT, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện; lắp đặt các trang thiết bị, dụng cụ thể thao tại các cơ quan, đơn vị, khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT cho người lao động. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các CLB thể thao trong các cơ quan, đơn vị, KCN, KCX, đồng thời chú trọng xây dựng phong trào ở các đơn vị ngoài quốc doanh... Xây dựng người lao động “khỏe về thể chất, mạnh về tinh thần” chính là mục tiêu mà Chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đang hướng tới”, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết. 

 THU SÂM

Ý kiến bạn đọc