Đầu tư vào bóng đá và bài học Leicester City

NGỌC TRUNG

VHO - Bóng đá đương đại là ngành giải trí tỉ đô. Đặc biệt, nhờ sự phát triển không ngừng của công nghệ cũng như tầm ảnh hưởng sâu rộng của môn thể thao vua, phí bản quyền truyền hình tăng vọt trong vòng hơn chục năm trở lại đây.

Đầu tư vào bóng đá và bài học Leicester City - ảnh 1
Leicester City vô địch Ngoại hạng Anh năm 2016 và 6 năm sau xuống hạng

 Hãng kiểm toán Deloitte công bố thông tin tổng thu nhập của năm giải đấu hàng đầu châu Âu gồm Anh, Tây Ban Nha, Đức, Italia và Pháp đã chạm mốc 17,2 tỉ euro ở mùa giải 2021/2022, tăng 7,9 tỉ euro từ mức 9,3 tỉ euro của 10 năm về trước (mùa 2011/2012). Tiền nhiều là như thế song thực tế “kiếm lời” từ bóng đá rất khó.

Trả lời về số tiền bản quyền truyền hình khổng lồ các CLB được hưởng từ Ngoại hạng Anh, ông Lord Alan Sugar miêu tả đầy sinh động: “Tiền đi vào đầu này và đi ra ở đầu kia”. Ông chủ cũ của Tottenham than phiền rằng những người được hưởng lợi từ sự tăng trưởng tài chính của bóng đá chủ yếu là cầu thủ và người đại diện. Kỳ thực, hầu hết CLB nhanh chóng chi hết số tiền thu về để củng cố và nâng cấp đội hình. Trong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm ngoái, theo số liệu từ Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), dòng tiền mua sắm cầu thủ chạm mốc kỷ lục 7,36 tỉ USD và gần 10% (697 triệu USD) rơi vào túi người đại diện. Quỹ lương cũng phình to đáng kể, với một phần nguyên nhân từ vài CLB được hậu thuẫn tài chính đã dùng tiền để cắt ngắn hành trình chinh phục vinh quang.

Thực tế, lợi nhuận trong bóng đá đã bất ổn trong nhiều năm qua, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhiều đội bóng từ tình trạng bấp bên đến bờ vực căng thẳng tài chính. Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) ước tính các đội bóng lục địa già đã “đánh rơi” khoảng 10 tỉ euro từ năm 2020 đến 2022. Nỗi thất vọng trong công cuộc kiếm tiền từ bóng đá là động lực để dự án European Super League (ESL) ra đời. Dù bất thành song ESL là lời cảnh báo cho các nhà quản lý. Hiện nay, ngày càng có nhiều áp lực để tìm kiếm giải pháp thu lợi nhuận từ bóng đá, vì ngày càng nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia vào bóng đá châu Âu. Làn sóng này đã đưa một số công ty cổ phần tư nhân vào bóng đá châu Âu, bao gồm Clearlake Capital tại Chelsea và Silver Lake tại Manchester City. CVC cũng đã đầu tư vào các giải đấu Tây Ban Nha và Pháp, trong khi Sixth Street thực hiện các giao dịch với hai gã khổng lồ Real Madrid và Barcelona.

Các nhà quản lý bóng đá đều áp dụng chung một cách để tiến về phía trước thông qua việc tăng cường quy định tài chính. UEFA đưa ra Luật công bằng tài chính, với một trong những quy định quan trọng là giới hạn chi tiêu cho các CLB ở mức 90% so với doanh thu và giảm dần qua các năm. Theo Deloitte, quỹ lương các đội bóng Italia ở mùa 2021/2022 tương đương 83% doanh thu, trong khi con số này tại Pháp lên tới 87%, tất nhiên chủ yếu vì gã trọc phú PSG, đội bóng đã chi hơn 2 tỉ euro để chiêu mộ tân binh trong hơn 10 năm qua và quỹ lương bằng 109% doanh thu ở mùa 2021/2022.

Không giàu có như PSG, Leicester là nạn nhân của cái bẫy tài chính bóng đá. Đội bóng này từng là biểu tượng cho sự vươn lên, với chức vô địch Ngoại hạng Anh 2015/2016 không tưởng. Tuy nhiên, từ ứng viên xuống hạng trở thành nhà vô địch, Leicester lại phải gồng mình mua sắm để đảm bảo chất lượng đội hình và cạnh tranh vị trí cao trên bảng xếp hạng những năm tiếp theo. Tiền lương là vấn đề thực sự, khi Leicester City liên tiếp đứng thứ bảy về quỹ lương tại Premier League suốt những năm sau khi đăng quang. Kết quả là khoản lỗ 92,5 triệu bảng ở mùa 2021/2022 và 89,7 triệu bảng Anh ở mùa 2022/2023. Tỷ lệ tiền lương trên doanh thu là 116%. Hệ quả là 2 năm sau khi viết nên câu chuyện cổ tích, Leicester bị phạt 3,1 triệu bảng vì vi phạm quy định về Luật công bằng tài chính. Đến mùa giải 2022/2023, đội bóng này rớt hạng.

Trong khi các cầu thủ là những người chính hưởng lợi từ sự bùng nổ của bóng đá, họ cũng sẽ là những người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất nếu có bất kỳ nỗ lực nào nhằm kiểm soát chi tiêu. Ông Jonans Baer-Hoffmann, Tổng thư ký Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp thế giới đã gọi các quy định mới là “thuốc thử cho việc áp dụng mức lương trần”. Tất nhiên hành trình đến việc đưa ra mức lương trần rất còn xa xăm và khó khăn, nhất là tính thiếu đồng bộ của bóng đá châu Âu. Dù vậy, nếu không giải được bài toán lợi nhuận trong bóng đá và cứ đưa ra quyết định trừ điểm các CLB vi phạm tài chính, bóng đá đỉnh cao hứa hẹn sẽ còn nhiều cuộc khủng hoảng nữa. Kết quả cần được phân định trên sân cỏ thay vì bàn giấy.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc