Đầu tư để “măng mọc”

THU SÂM

VHO - SEA Games 32, Thể thao Việt Nam (TTVN) đã tỏa sáng với vị trí nhất toàn đoàn, trong đó không thể không nhắc đến sự đóng góp của nhiều vận động viên (VĐV) kỳ cựu và đây cũng chính là lực lượng đã có nhiều cống hiến cho TTVN trong thời gian qua. Tuy nhiên “tre” gần già thì phải lo cho “măng mọc”, câu chuyện tìm kiếm lực lượng kế thừa, lại đang được TTVN gấp rút thực hiện.

Đầu tư để “măng mọc” - ảnh 1
Đội tuyển đấu kiếm có sự kế thừa của các VĐV trẻ. Ảnh: QUÝ LƯỢNG

 Tại SEA Games 32, TTVN đã khẳng định được sức mạnh của nhà đương kim vô địch khi giành tới 359 huy chương các loại, trong đó có 136 huy chương vàng (HCV). Chúng ta đã ghi dấu son lịch sử là lần đầu tiên giành được vị trí thứ nhất toàn đoàn tại một kỳ Đại hội tổ chức tại nước bạn.

Đóng góp vào thành công chung đó là nhiều gương mặt nổi bật, thi đấu xuất sắc, tiêu biểu như vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh giành 4 HCV các nội dung: 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật, 5.000m và 10.000m.

Hay như kình ngư Phạm Thanh Bảo giành 2 HCV, phá 2 kỷ lục SEA Games; Trần Hưng Nguyên và Nguyễn Huy Hoàng giành 3 HCV môn bơi; đô cử Nguyễn Quốc Toàn giành 1 HCV và phá 3 kỷ lục SEA Games 32 (nội dung cử giật, cử đẩy và tổng cử). Đặc biệt VĐV trẻ nhất đoàn thể thao Việt Nam, Lê Khánh Hưng giành 1 HCV, 1 HCB môn golf. Điều này cho thấy, TTVN đã có sự kế thừa lực lượng khi cả lớp VĐV kỳ cựu và các VĐV trẻ đều giành được thành tích tốt.

Ghi dấu ấn tại SEA Games 32 nên chắc chắn rằng hầu hết các VĐV kỳ cựu này sẽ tiếp tục là trụ cột tại SEA Games 33. Chẳng hạn như với môn Điền kinh, tại SEA Games trước VĐV Nguyễn Thị Oanh đã xuất sắc giành tới 4 HCV SEA Games.

Hình ảnh cô gái hạt tiêu với vóc dáng nhỏ bé nhưng nghị lực phi thường luôn “cháy” hết mình trên đường chạy, đã để lại bao cảm xúc và lan tỏa thành hiệu ứng về nghị lực phi thường của người Việt Nam trên mạng xã hội. Chuẩn bị cho SEA Games năm nay, Oanh và các VĐV kỳ cựu như Quách Thị Lan vẫn tiếp tục là trụ cột cho đội tuyển điền kinh quốc gia, với mục tiêu bảo vệ thành tích đã đạt được của kỳ SEA Games trước. Tuy nhiên cô gái sinh năm 1995 này cũng đã bước sang tuổi 30 và thực tế đó đòi hỏi điền kinh Việt Nam phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

HLV trưởng đội tuyển Điền kinh Việt Nam tập huấn tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội Nguyễn Mạnh Hiếu cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục TDTT, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, trong công tác tuyển chọn, đào tạo những năm qua, đội tuyển Điền kinh quốc gia đã luôn chú ý đến công tác tìm lực lượng VĐV trẻ, đào tạo đan xen với các VĐV lớn tuổi đã thành danh.

Ở cự ly trung bình và dài, chúng ta đã có VĐV Lê Thị Tuyết, có khả năng kế cận đàn chị Nguyễn Thị Oanh. Hiện Tuyết đang tập trung tại Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng. Cô gái sinh năm 2004 này đã đoạt tấm HCB nội dung marathon ngay lần đầu tiên dự SEA Games 32 năm 2023.

Ở nội dung 400m và 400m rào tại các kỳ SEA Games trước, chân chạy Nguyễn Thị Huyền và Quách Thị Lan từng “làm mưa, làm gió” tại đấu trường khu vực, thì nay dù Quách Thị Lan đang là trụ cột nhưng nội dung này cũng đã có sự kế bước của chân chạy Lê Thị Thảo.

Sinh năm 2009, Lê Thị Thảo đã có thành tích ấn tượng tại giải vô địch các nhóm tuổi trẻ quốc gia 2023 khi giành 2 HCV ở nội dung 200m và 400m. Ở nội dung nhảy xa, người kế cận Thảo “bò vàng” - nhà vô địch Asian Games 18 là VĐV Hà Thị Thúy Hằng. Sinh năm 2006, Thúy Hằng được xem là gương mặt đầy triển vọng trong làng điền kinh Việt Nam.

Cô gái đến từ Phú Thọ đã từng đoạt HCV tại Giải điền kinh trẻ Đông Nam Á năm 2023. Hằng cũng đã gây ấn tượng mạnh tại Giải điền kinh Cup tốc độ Thống Nhất TP.HCM năm 2023 với cú nhảy đạt thành tích 6m13, vượt thành tích 6m02 của tấm HCĐ SEA Games 32.

Không chỉ điền kinh, các môn thể thao khác cũng đã có sự chuẩn bị lực lượng kế thừa. Theo Phụ trách môn Đấu kiếm, Cục TDTT Nguyễn Hồng Đăng, đội tuyển đấu kiếm quốc gia có 30 tay kiếm trong đó phần lớn là các gương mặt đã có thành tích tại các giải vô địch quốc gia năm 2024 và các giải vô địch Đông Nam Á. Đây là các VĐV tài năng, là mũi nhọn, đã trưởng thành, đạt độ chín để gánh vác nhiệm vụ trong thời gian tới.

Nổi bật như 2 VĐV Nguyễn Xuân Lợi và Nguyễn Văn Quyết, có trình độ kỹ thuật vượt trội, trở thành đầu tầu cho nhóm trọng điểm nam kiếm chém. Cùng với đó là những gương mặt xuất sắc đã giành HCV tại SEA Games như Nguyễn Tiến Nhật, Nguyễn Minh Quang, Nguyễn Phương Kim... Bên cạnh đó, đội tuyển đấu kiếm cũng có hàng loạt gương mặt trẻ có thể kế thừa, thay thế các đàn anh, đàn chị như Phùng Thị Khánh Linh, Phạm Thị Thu Hoài, Lê Văn Bang, Nguyễn Minh Hiếu...

Tại SEA Games 32, bên cạnh việc đầu tư cho các VĐV đã thành danh, TTVN sẽ tạo điều kiện để lớp VĐV trẻ được thi đấu, nâng cao trình độ. Khắc phục vấn đề khó khăn do kinh phí nhà nước có hạn, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cũng đã chỉ đạo các bộ môn, các đội tuyển đề xuất, huy động thêm nguồn kinh phí từ các địa phương, Liên đoàn, Hiệp hội hoặc các nguồn xã hội hóa để các VĐV trẻ có thể lên đường tranh tài tại Đại hội thể thao lớn nhất khu vực. Đó cũng là cách để TTVN lo cho tương lai, khi trước mắt là hàng loạt đấu trường lớn và mục tiêu của chúng ta là tiến tới đấu trường Olympic và Asian Games.