Cúp Da cam- Ngày hội bóng đá xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em

VHO- Trong không khí hưởng ứng Giải vô địch bóng đá FIFA World Cup, lễ hội bóng đá “Cúp Cam Đoàn kết - Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em” cũng được tổ chức với sự tham gia của nhiều học sinh và phụ huynh Thủ đô, các nghệ sĩ, cựu VĐV nhằm truyền đi thông điệp về chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Sự kiện “Cúp cam đoàn kết – Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em” do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Ban Phụ nữ và Thể thao- Ủy ban Olympic Việt Nam tổ chức ngày 26.11 tại Trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội). Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Chiến dịch toàn cầu 16 ngày hành động chấm dứt bạo lực giới (25.11-10.12) và Tháng hành động quốc gia vì Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (15.11-15.12).

Cúp Da cam- Ngày hội bóng đá xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em - Anh 1

Ngày hội thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh và người nổi tiếng

Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của thể thao trong việc ủng hộ sự đa dạng, bình đẳng, kết nối cộng đồng và thách thức các chuẩn mực giới có hại. Lễ hội bóng đá màu cam (màu của chiến dịch vì đây là màu sắc tươi sáng, mang lại niềm hi vọng cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực cũng như những người đang hoạt động trong lĩnh vực này) đã thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện Liên hợp quốc, các Đại sứ quán và VĐV, người nổi tiếng, học sinh và phụ huynh.

Một trong những điểm nhấn của sự kiện là trò chơi tiếp sức để sút bóng vào gôn. Các đội chơi bao gồm đại diện từ các cơ quan, nghề nghiệp, lứa tuổi khác nhau… cùng thi đấu để đạt được mục tiêu chung, tượng trưng cho sự chung tay đoàn kết để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, xây dựng một tương lai an toàn, bình đẳng cho tất cả mọi người. Phát biểu tại sự kiện, bà Vũ Thị Huyền - Đại diện Ban Phụ nữ và Thể thao Olympic Việt Nam cho biết, thành tích của Thể thao Việt Nam có sự đóng góp công lao rất lớn của chị em phụ nữ, trong đó có thể kể đến là nữ VĐV Vũ Thị Sen giành HCV GANEFO châu Á năm 1966 và vinh dự được gặp Bác Hồ.

Cúp Da cam- Ngày hội bóng đá xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em - Anh 2

Ca sĩ Duy Khoa hào hứng với chương trình

Nữ võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân là VĐV đầu tiên của Việt Nam giành huy chương tại đấu trường Olympic (Sydney 2000), đội tuyển bóng đá nữ là những cầu thủ giải “cơn khát vàng” bóng đá tại SEA Games với 6 lần vô địch. Võ sĩ Karatedo Lê Bích Phương là người dành tấm HCV duy nhất cho đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 16, sau này là VĐV Phan Thị Hà Thanh, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Ánh Viên, Bùi Thị Thu Thảo, Quách Thị Lan... Thật khó có thể kể ra hết những VĐV nữ tiêu biểu đã góp phần làm dạng danh cho Thể thao Việt Nam trên các đấu trường quốc tế. Cùng với các VĐV xuất sắc ấy là những HLV, nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý thể dục thể thao với những cống hiến góp đóng góp tuy thầm lặng nhưng  vô cùng quan trọng góp phần tạo nên những thành công của Thể thao Việt Nam.

“Để có được những thành tích trên, Uủy ban Olympic Việt Nam đã và sẽ tiếp tục áp dụng nhiều chính sách đặc biệt cho nữ giới như trao thưởng hàng năm cho những phụ nữ đóng góp tích cực của chị em trong các phong trào thể thao cho mọi người , có thành tích và truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ khác tham gia vào thể thao, mang vinh quang phải cho Tổ quốc;  trao quyền cho phụ nữ tiếp cận các vị trí ra quyết định trong thể thao, tham gia sáng kiến thể thao vì bình đẳng của phụ nữ Liên hợp quốc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện một loạt nguyên tắc chung và các mục tiêu phù hợp để khai thác sức mạnh của thể thao trong việc hiện thực hóa bình đẳng giới thông qua thể thao. Đồng thời cam kết thu hẹp khoảng cách đầu tư và thể thao của phụ nữ và đẩy mạnh cơ hội bình đẳng kinh tế cho phụ nữ và trẻ em gái, nhân rộng cơ hội nghề nghiệp sau thi đấu thông qua tư vấn việc làm và học nghề, tạo việc làm cho các VĐV nữ, khuyến khích các sáng kiến về bình đẳng giới trong thể thao tại Việt Nam”, bà Vũ Thị Huyền nhấn mạnh.

Cúp Da cam- Ngày hội bóng đá xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em - Anh 3

Ngày hội có sự góp mặt của cựu cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ Đỗ Thị Ngọc Châm

Theo bà Rana Flowers, Trưởng đại diện, UNICEF Việt Nam thể thao là một công cụ mạnh mẽ để truyền tải những thông điệp quan trọng trong một môi trường tích cực và ăn mừng chiến thắng tới đông đảo các đối tượng khán giả. Thể thao có thể dạy cho phụ nữ, trẻ em cũng như mọi người giá trị của tinh thần đồng đội, tinh thần tự lực và tự cường, kiên định. Thể thao mang lại tác động to lớn đối với sức khỏe, giáo dục và sự phát triển khả năng lãnh đạo của một cá nhân, góp phần nâng cao lòng tự trọng, xây dựng các mối quan hệ xã hội và thách thức các chuẩn mực giới có hại. Trong những năm gần đây, thể thao đã chứng tỏ khả năng to lớn trong thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Môn thể thao này có thể huy động cộng đồng toàn cầu và giao tiếp với giới trẻ. Bóng đá thúc đẩy tinh thần đoàn kết vượt qua mọi ranh giới quốc gia và sự khác biệt về văn hóa. “Chiếc cúp màu cam (UNITE Orange Cup) này là cách thức sáng tạo để đoàn kết và huy động mọi người trong Tháng hành động quốc gia nhằm thúc đẩy thay đổi các chuẩn mực xã hội. Chúng ta cần phải xây dựng văn hóa tôn trọng và bình đẳng giữa mọi giới tính trong mọi bối cảnh: ở nhà, trường học, nơi làm việc và những nơi công cộng bao gồm cả không gian mạng”, Trưởng đại diện, UNICEF Việt Nam bày tỏ.

Cùng tham gia sự kiện, bà Majdie Hordern - Bí thư thứ nhất phòng thương mại và hợp tác phát triển, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho rằng, xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là một nhiệm vụ lớn, đòi hỏi sự hơp tác của nhiều đối tác để công tác phòng ngừa và ứng phó đạt hiệu quả. Chúng ta sẽ cần nhiều thời gian để có thể thay đổi thái độ, định kiến khiến bạo lực xảy ra và người bị bạo lực hay người xung quanh giữ im lặng. Hiện nay, dưới sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Luật Bình đẳng giới tại Việt Nam đang được nghiên cứu sửa đổi, đây là cơ hội lớn để giải quyết bạo lực giới thông qua luật pháp.

Khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về trẻ em và phụ nữ năm 2020-2021 chỉ ra rằng 68% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực. Trong đó có 39% trẻ em bị bạo lực tinh thần, bị xâm hại thể chất (47%), xâm hại tình dục (20%) và bị bỏ bê (29%).  

Theo Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ (2019), cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời. Tuy nhiên, bạo lực thường bị giấu kín với 90.4% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc họ bị bạo lực.

 

NGUYÊN KHANG

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc