Chờ nghị lực, tinh thần Việt Nam thể hiện

VĨNH HY

VHO - Các VĐV của Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam chuẩn bị bước vào những cuộc tranh tài tại Paralympic Paris 2024. Được tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật lớn nhất thế giới đã là nỗ lực rất lớn của các VĐV, vậy nên người hâm mộ hy vọng họ sẽ tiếp tục nỗ lực để thi đấu đạt những thông số cá nhân tốt nhất, qua đó có thể mang về huy chương cho thể thao nước nhà.

Chờ nghị lực, tinh thần Việt Nam thể hiện - ảnh 1
Các VĐV khuyết tật Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện nghị lực và tinh thần Việt Nam tại Paralympic Paris 2024

 Tất cả đã sẵn sàng

Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Paris 2024 với 14 thành viên, trong đó có 4 cán bộ đoàn, 3 HLV và 7 VĐV. Các tuyển thủ gồm: Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng, Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ), Đỗ Thanh Hải, Lê Tiến Đạt (bơi) và Phạm Nguyễn Khánh Minh (điền kinh), tranh tài ở 6 nội dung tại 3 môn.

Theo lịch thi đấu dự kiến (giờ Việt Nam), vào lúc 16h28 ngày 1.9, 2 kình ngư Đỗ Thanh Hải và Lê Tiến Đạt sẽ tranh tài ở môn bơi thuộc vòng loại 100m ếch, hạng thương tật SB5, tại Paris La Defense Arena (Paris). Nếu vào chung kết sẽ thi đấu lúc 00h43 ngày 2.9. Vào ngày 4.9 lúc 2h13, VĐV Phạm Nguyễn Khánh Minh sẽ thi vòng loại 400m môn điền kinh (hạng thương tật T12) tại SVĐ Stade de France (Paris). Nếu vào bán kết sẽ thi đấu lúc 18h14 ngày 4.9. Cũng trong ngày 4.9, tâm điểm của mọi sự chú ý sẽ dồn về nhà thi đấu La Chapelle Arena (Paris), lúc 17h, niềm hy vọng huy chương số 1 của Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Paris 2024 - Lê Văn Công sẽ tranh tài môn cử tạ nội dung sở trường 49 kg. Sau đó vào lúc 23h cùng ngày, một niềm hy vọng khác của cử tạ là lực sĩ Nguyễn Bình An sẽ tranh huy chương hạng 54 kg. Cử tạ sẽ tiếp tục thi đấu ở ngày 5.9 cũng tại La Chapelle Arena, lúc 17h đô cử từng giành HCĐ tại Paralympic Rio 2016 - Đặng Thị Linh Phượng sẽ tranh tài hạng 50 kg. Sau đó lúc 22h, VĐV cuối cùng của Việt Nam là lực sĩ Châu Hoàng Tuyết Loan sẽ thi đấu hạng cân 55 kg nữ.

Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã lên đường sang Pháp từ ngày 23.8 và có hơn 1 tuần chuẩn bị, thích ứng với việc sinh hoạt lệch múi giờ, làm quen thời tiết, điều kiện tập luyện, trước khi bước vào những nội dung thi đấu chính thức. Việc đến Paris sớm để có đủ thời gian cho các VĐV chuẩn bị là tính toán rất hợp lý của lãnh đạo đoàn, bởi các VĐV người khuyết tật sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thích ứng nhanh với môi trường mới so với các VĐV bình thường. Trong quá trình tập luyện chuẩn bị, các VĐV không khỏi gặp phải những bỡ ngỡ, đặc biệt là những người mới lần đầu tiên tham dự Paralympic như Lê Tiến Đạt hay Phạm Nguyễn Khánh Minh.

Theo Phó Cục trưởng Cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Paris 2024 - Nguyễn Hồng Minh, ngoài công tác chuẩn bị về chuyên môn, thì công tác chăm sóc, phục hồi, điều trị chấn thương, dinh dưỡng và nhiều hoạt động hỗ trợ khác cũng được chú trọng, tạo không khí phấn khởi trong tập luyện và thi đấu, giảm áp lực thành tích cho các VĐV. Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh cho biết, các VĐV người khuyết tật Việt Nam đã sẵn sàng cho những thử thách phía trước và quyết tâm có được thông số tốt nhất cho bản thân, qua đó hướng đến việc giành huy chương.

Chiến thắng bản thân

Trong những năm qua, phong trào thể thao người khuyết tật Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, từng bước động viên cổ vũ, tập hợp người khuyết tật tham gia tập luyện TDTT, giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng và đóng góp tài năng sức lực, trí tuệ để nâng cao thành tích thể thao trên đấu trường quốc tế. Tại các đại hội thể thao quốc tế như ASEAN Para Games, Asian Para Games, đặc biệt là Paralympic, thể thao người khuyết tật Việt Nam đã được chứng kiến những tấm gương sáng về nghị lực và ý chí phi thường của các VĐV, họ đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rèn luyện, vượt qua những khiếm khuyết, trở ngại của bản thân để giành thành tích xuất sắc, góp phần mang lại vinh quang và niềm tự hào cho đất nước.

Một minh chứng tại đấu trường lớn nhất thế giới là Paralympic để cho thấy sự phát triển của phong trào thể thao người khuyết tật cũng như nỗ lực vươn lên, chiến thắng bản thân để giành thành tích cao của những VĐV người khuyết tật Việt Nam. Thể thao người khuyết tật Việt Nam lần đầu tiên tham dự đấu trường Paralympic là tại Sydney (Australia) năm 2000 với vỏn vẹn 2 VĐV và không giành được huy chương. Ở kỳ Paralympic 4 năm sau đó tại Hy Lạp, con số này tăng gấp đôi, rồi lần lượt đạt 9 và 11 tại Paralympic ở Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 2008 và London (Anh) năm 2012.

Đến Paralympic Rio (Brazil) năm 2016, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự với 11 VĐV và tạo ấn tượng mạnh mẽ khi giành được 1 HCV của Lê Văn Công môn cử tạ, 1 HCB của Võ Thanh Tùng môn bơi, 2 HCĐ của Đặng Thị Linh Phượng môn cử tạ và Cao Ngọc Hùng điền kinh, xếp 55 chung cuộc. Đến kỳ Paralympic Tokyo 2020, đoàn có 7 VĐV và giành 1 tấm HCB của đô cử Lê Văn Công ở hạng cân 49 kg. Tại Paralympic Paris 2024, đoàn đặt mục tiêu giành huy chương, nếu làm được điều đó, đoàn sẽ có kỳ đại hội thứ ba liên tiếp có được huy chương.

Với các VĐV khuyết tật Việt Nam, được thi đấu tại Paralympic đã là nỗ lực và thành công rất lớn. Đây là đấu trường thể thao dành cho người khuyết tật lớn nhất hành tinh, bốn năm mới diễn ra một lần. Các VĐV góp mặt phải thi đấu vòng loại để đạt chuẩn tham dự. Trong gần 4 năm, các VĐV không chỉ vượt qua những khó khăn, hạn chế của bản thân mà còn phải duy trì sự ổn định trong tập luyện và thường xuyên ra nước ngoài thi đấu để đạt chuẩn đến Paralympic. Với các VĐV bình thường đã khó, huống chi các VĐV người khuyết tật.

Việc trở thành một phần của Paralympic là một vinh dự và tự hào rất lớn đối với mỗi VĐV người khuyết tật Việt Nam. Chắc chắn những ngày thi đấu tới đây sẽ rất khó khăn và thử thách với các VĐV chúng ta, nhưng hy vọng họ sẽ tiếp tục “chân cứng đá mềm” để thể hiện ý chí, nghị lực phi thường, vượt qua những trở ngại của bản thân, tự tin chiến thắng chính mình và thể hiện tinh thần Việt Nam kiên cường, không bao giờ bỏ cuộc, qua đó thi đấu thật tốt để mang vinh quang về cho Tổ quốc. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc