Olympic Paris 2024:
Các VĐV hãy luôn tự tin và thi đấu hết mình vì màu cờ, sắc áo của Tổ quốc
VHO - Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) Hà Nội, thực trạng công tác huấn luyện và điều chỉnh tâm lý cho VĐV các môn thể thao đối kháng trực tiếp cấp cao Việt Nam còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục mới có thể nâng cao thành tích thi đấu.
Đây là nội dung trong chuyên đề "Thực trạng việc huấn luyện tâm lý cho các VĐV cấp cao của Việt Nam", do TS. Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tại lớp tập huấn nâng cao kỹ năng về dinh dưỡng, tâm lý thể thao và phòng chống Doping trong tập luyện và thi đấu cho các đội tuyển thể thao quốc gia, tổ chức vào sáng 11.7 tại Trung tâm HLTTQG hàng đầu cả nước này. Đồng hành cùng lớp tập huấn là Thương hiệu Yangmiwa - thực phẩm bảo vệ sức khoẻ của Nhật Bản.
TS.Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, thực trạng công tác huấn luyện và điều chỉnh tâm lý cho VĐV các môn thể thao đối kháng trực tiếp cấp cao Việt Nam còn tồn tại một số vấn đề như nhận thức vai trò quan trọng của huấn luyện và điều chỉnh tâm lý trong quá trình huấn luyện, thi đấu của HLV và VĐV chưa đầy đủ.
Nội dung và thời lượng huấn luyện tâm lý còn thiếu và ít, chưa coi trọng việc rèn luyện và vận dụng kỹ năng tự điều chỉnh tâm lý thi đấu cho VĐV nên số lượng VĐV có trạng thái tâm lý xấu trước thi đấu còn có tỷ lệ cao. Việc sử dụng các biện pháp điều chỉnh tâm lý trước thi đấu còn chưa đa dạng và chưa đạt hiệu quả cao.
Qua quá trình nghiên cứu bằng phương pháp tổng hợp tài liệu tham khảo, quan sát sư phạm và phỏng vấn, đề tài các chuyên gia đã chọn được 5 biện pháp chung khắc phục tâm lý xấu trước thi đấu cho VĐV các môn thể thao đối kháng.
Cụ thể là nâng cao nhận thức vai trò của huấn luyện và điều chỉnh tâm lý cho HLV và VĐV cấp cao Việt Nam; Tăng nội dung và thời lượng huấn luyện tâm lý cho VĐV cấp cao Việt Nam; Tăng cường cho VĐV tham gia các cuộc đấu nội bộ và thi đấu dã ngoại, các cuộc thi đấu giao hữu trong nước và quốc tế.
Sử dụng các phương tiện kiểm tra đa dạng để phát hiện sớm các trạng thái tâm lý xấu ở VĐV; Sử dụng đồng bộ các biện pháp điều chỉnh tâm lý thích hợp và đặc hiệu cho từng trạng thái tâm lý xấu khác nhau.
Từ đó TS Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, khi huấn luyện tâm lý cho các VĐV, các HLV cần nâng cao năng lượng tâm lý bằng các biện pháp huấn luyện tâm lý – sử dụng phương pháp đối đãi cá biệt cho từng VĐV; Sử dụng năng lượng tâm lý hợp lý, đúng thời điểm thích hợp để đạt hiệu quả cao nhất.
Nâng cao năng lực, ý chí, nghị lực trong tập luyện và thi đấu cho các VĐV; Nâng cao sự tự tin, khát vọng chiến thắng chính bản thân mình trong tập luyện và thi đấu; Giáo dục đạo đức nhân cách, lối sống lành mạnh, khiêm tốn cho các VĐV.
Cùng với đó là thường xuyên giáo dục nâng cao ý chí phấn đấu cho mỗi VĐV vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đoàn kết, yêu thương, tinh thần khát vọng dâng hiến cho Thể thao Việt Nam, phấn đấu có thành tích cao nhất đem lại niềm tự hào cho quê hương, đất nước.
Lời khuyên với các VĐV, HLV các đội tuyển: Bắn cung, Bắn súng, Cử tạ, Boxing, Judo, Canoeing, Rowing, Xe đạp, Cầu lông, Điền kinh, Bơi lội, từ nay đến ngày tham dự thi đấu Olympic Paris năm 2024 là cần giữ gìn và duy trì sức khỏe, tập luyện, đi lại, ăn, ở, sinh hoạt bảo đảm an toàn, phấn khởi, tự tin, không căng thẳng, luôn vui vẻ, tự tin, yêu đời.
Không tự gây áp lực tâm lý về chỉ tiêu thành tích hay bất cứ 1 lý do nào làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể lực và tinh thần; Trước và trong thi đấu luôn duy trì năng lượng tích cực, một trí tuệ sáng suốt đảm bảo từng đợt, từng trận thi đấu một cách hiệu quả nhất.
"Có những thời điểm, những lúc khó khăn nhất, các em hãy luôn tự nhủ đất nước ta nhỏ bé, chúng ta còn nghèo, còn nhiều khó khăn song không bao giờ được nhụt chí hãy bung hết sức lực 200% về thể chất và tinh thần để vượt qua chính mình và đối thủ.
Chúng ta hãy luôn tự tin và chiến đấu hết mình vì màu cờ, sắc áo của Thể thao Việt Nam, của Tổ quốc Việt Nam, thi đấu với một tinh thần quả cảm, một trái tim thép, một cái đầu thông minh vì 100 triệu dân trong đó có gia đình, bạn bè, đồng đội, thầy cô luôn ủng hộ và tiếp sức cho bạn. Hãy chiến thắng mang vinh quang trở về", TS.Nguyễn Mạnh Hùng kết thúc chuyên đề về một vấn đề được xem là điểm yếu cốt tử của VĐV Việt Nam khi thi đấu tại các đấu trường quốc tế.
Lớp tập huấn có sự tham gia của hơn 1.000 HLV, VĐV các đội tuyển thể thao quốc gia đang tập huấn tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội. Tại đây các VĐV, HLV đã được nghe các chuyên đề về vai trò của thực phẩm bổ sung đối với vận động và thể thao.
Nghe PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh - Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng miền Nam trình bày chuyên đề "Vai trò và đặc điểm của thực phẩm bổ sung trong thể thao thành tích cao".
Tại buổi tập huấn, ThS.BS Nguyễn Đoàn Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao trình bày chuyên đề "Phòng chống Doping trong thể thao". Chuyên đề này càng thêm ý nghĩa khi ngày 17.5 vừa qua, Bộ VHTTDL ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BVHTTDL Quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9.7.
Các HLV, VĐV cũng đã được nghe chuyên gia Bùi Thị Phương Thảo - Dược sĩ chuyên môn Yangmiwa báo cáo khuyến nghị phác đồ thực phẩm bảo vệ sức khoẻ dành cho VĐV, người tập thể thao. Hướng dẫn bổ sung thực phẩm trong giai đoạn trước, trong và sau thi đấu nhằm tăng thể lực cho VĐV
Sau buổi tập huấn, chiều cùng ngày, các chuyên gia của thương hiệu Yangmiwa đã khám và tư vấn dinh dưỡng cho hơn 50 HLV, VĐV đang tập huấn tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội với mong muốn các HLV, VĐV sử dụng an toàn, hiệu quả thực phẩm bổ sung đối với mỗi môn thể thao.