Xuất hiện ‘thị trấn ma’ ở Thái Lan trong khi giao tranh dữ dội với Campuchia tiếp diễn
VHO - Thị trấn Kantharalak của Thái Lan đã trở thành một “thị trấn ma” thực sự khi cư dân bỏ chạy do các cuộc giao tranh ác liệt ở khu vực biên giới Thái Lan – Campuchia.

Các con phố vốn sầm uất của quận Kantharalak thuộc tỉnh Sisaket (Thái Lan) giờ đây trở nên vắng lặng rợn người, biến nơi này thành một “thị trấn ma” khi cuộc giao tranh ác liệt ở khu vực biên giới Thái – Campuchia bước sang ngày thứ ba.
Theo hãng tin Reuters của Anh, thị trấn Kantharalak hôm 26.7 gần như hoàn toàn vắng bóng người.
Anh Jianuwat Thaalalai, 31 tuổi, đứng trước khách sạn nơi anh làm việc, mô tả thực tế ảm đạm: “Gần như mọi người đều đã đi hết. Đây thực sự là một thị trấn ma” và nói thêm rằng: “Khách sạn của tôi vẫn mở cửa để đón những người ở gần biên giới cần chỗ nghỉ”.
Các cuộc đụng độ giữa Thái Lan và Campuchia đã trở nên căng thẳng hơn khi cả hai quốc gia đều khẩn thiết tìm kiếm sự ủng hộ ngoại giao, mỗi bên đều tuyên bố hành động của mình là tự vệ, đồng thời kêu gọi bên kia ngừng bắn và bắt đầu đàm phán.
Đợt bạo lực mới nhất này đánh dấu cuộc giao tranh nghiêm trọng nhất giữa hai quốc gia Đông Nam Á trong vòng 13 năm, với hàng chục người thiệt mạng và hơn 130.000 người dân phải di dời khỏi nhà.
Căng thẳng tiếp tục leo thang khi Hải quân Hoàng gia Thái Lan báo cáo về các cuộc đụng độ mới tại tỉnh Trat – một mặt trận mới xuất hiện cách xa hơn 100 km so với các điểm tranh chấp khác dọc biên giới.
Hai quốc gia Đông Nam Á đã rơi vào thế đối đầu căng thẳng kể từ cuối tháng 5.2025, khi một binh sĩ Campuchia thiệt mạng trong một vụ đụng độ ngắn.

Sau khi các cuộc giao tranh leo thang dữ dội dọc biên giới Thái Lan-Campuchia bùng phát vào hôm 24.7, theo tờ Khmer Times, ngày 26.7, Liên hợp quốc đã kêu gọi “kiềm chế tối đa”.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi kiềm chế khi Hội đồng Bảo an họp kín vào ngày 25.7 (giờ New York) để thảo luận về những gì các quan chức gọi là sự leo thang nghiêm trọng nhất giữa hai nước láng giềng trong hơn một thập kỷ.
Các quan chức nhân đạo của Liên hợp quốc đã xác nhận thương vong và tình trạng dân thường phải di dời.
Theo các đối tác cứu trợ của Liên hợp quốc, hơn 131.000 người ở Thái Lan và hơn 4.000 người ở Campuchia đã buộc phải rời bỏ nhà cửa.
Các nơi trú ẩn tạm thời - bao gồm trường học và đền thờ - được cho là quá tải, cùng với nhu cầu cấp thiết bao gồm thực phẩm, hỗ trợ y tế và vật tư vệ sinh.
Phó phát ngôn viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephanie Tremblay cho biết Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo nếu được yêu cầu.
Đồng thời, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) kêu gọi “kiềm chế tối đa”. Cơ quan này nhấn mạnh cần phải bảo vệ trẻ em và các dịch vụ thiết yếu mà trẻ em cần, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước về Quyền Trẻ em.
Theo THÀNH NAM/Báo Tin tức và Dân tộc
Link bài viết gốc