Vì sao UNESCO cảnh báo di sản thế giới thành phố nổi Venice?
VHO- Trung tâm Di sản thế giới thuộc UNESCO đã đưa ra cảnh báo: Thành phố nổi Venice của Italia có khả năng sẽ bị xếp vào danh sách khuyến nghị của UNESCO (vốn được áp dụng với các di sản đang bị xâm hại và có thể bị UNESCO rút bỏ danh hiệu nếu việc xâm hại diễn ra ở mức nghiêm trọng).
Nhiều công trình lịch sử văn hóa bị chìm trong trận lụt vừa qua
Được biết, không chỉ bây giờ mà cách đây 4 năm, Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO cũng đã từng đưa ra cảnh báo này.
Thảm họa lịch sử
Có lẽ hiếm có thành phố nào có sức thu hút khách du lịch như thành phố nổi Venice của Italia. Nằm ở phía Đông Bắc của Italia, khi đến đây, du khách có thể hình dung một cách tổng quan Venice trông giống như một mạng nhện khổng lồ được tạo lên bởi 118 đảo và 175 kênh đào, các đảo nối với nhau bởi 444 cây cầu. Venice luôn giữ được vẻ đẹp vừa lãng mạn, thơ mộng, vừa yên ả, êm đềm. Thành phố Venice là một trong những di sản được biết đến nhiều nhất thế giới với những điểm đến vô cùng hấp dẫn. Trong lịch sử, Venice là một trung tâm thương mại, nghệ thuật lớn. Đây cũng là quê hương của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Antonio Vivaldi, Giovanni Picchi... Với vẻ đẹp cổ kính xa xăm được chấm phá bởi các dãy phố cổ ngoằn nghèo, kiểu nhà ống nhiều cửa sổ, lối kiến trúc độc đáo kết hợp với những câu chuyện tình lãng mạn của những cặp tình nhân, tất cả tạo nên thành phố Venice như là một di sản thế giới.
Không có thành phố nào khác đẹp và hấp dẫn như Venice, không chỉ đẹp vì lịch sử, vì kiến trúc của nó và các công cụ nghệ thuật mà còn quyến rũ, hấp dẫn du khách bởi những con thuyền đáy bằng, kênh rạch… Sông nước, triều cường như là một yếu tố cấu thành tạo nên đặc trưng có một không hai của thành phố này, tạo nên sức hút khó cưỡng đối với khách du lịch. Thế nhưng trận lụt kỷ lục vào trung tuần tháng 11 vừa qua đã khiến thành phố này rơi vào tình trạng báo động khẩn cấp khi mực nước đã lên tới 1,87 m - mức cao nhất trong 53 năm qua và cao thứ hai trong vòng 100 năm trở lại đây. Gần 150 năm qua thành phố xinh đẹp này mới phải chứng kiến thảm cảnh tồi tệ như thế này.
Trong khi khách du lịch thích thú với các cảnh selfie thì các nhà chức trách đau đầu vật lộn với thảm họa lịch sử này. Hàng loạt công trình văn hóa bị chìm trong dòng nước mặn và buộc phải đóng cửa. Đó là Teatro La Fenice, nhà hát opera lớn nhất và nổi tiếng nhất của thành phố; là khu vực Castell - nơi cứ hai năm lại trở thành địa điểm chính cho Hội chợ nghệ thuật Quốc tế Venice; là Palazzo Grassi nằm trên bờ Grand Canal - nơi tổ chức nhiều triển lãm danh giá quốc tế. Rồi Cung điện lịch sử Palazzo Barbarigo della Terrazza, Nhà thờ Thánh Mark Basilica - có niên đại từ thế kỷ XIX và là công trình mang tính biểu tượng của Venice; Quảng trường St.Mark - trung tâm của Venice hay như Bảo tàng Peggy Guggenheim - một trong những bảo tàng mỹ thuật đặc biệt nhất châu Âu với những kiệt tác đa dạng, trong đó có chủ nghĩa siêu thực, lập thể và biểu hiện trừu tượng… tất cả bị nhấn chìm trong biển nước.
Vì đâu nên nỗi?
Sông nước đã từng làm nên đặc trưng có một không hai cho thành phố kênh đào này. Nhưng trước đây với những trận lũ lụt nhỏ và thưa thớt thì đúng gần như không ảnh hưởng, tuy nhiên sự biến đổi khí hậu gia tăng trong thời gian gần đây đã khiến thành phố nên thơ này chứng kiến những trận lũ lụt lịch sử và triền miên. Một số chuyên gia cảnh báo rằng Venice có thể ở dưới nước trong vòng một thế kỷ.
Trước tình trạng đáng báo động này, các nhà chức trách Italia đã có nhiều động thái tích cực. Trước hết là dự án vây thành chắn biển. Theo đó, ngoài khơi, tại các cửa biển giữa những đảo chắn, một dự án lớn có tên MOSE nhằm tăng cường bảo vệ Venice đang bịt kín đầm phá. Ra mắt vào năm 2003, tuy nhiên sau 16 năm, dự án vẫn chưa được đưa vào khai thác, mà nguyên nhân chủ yếu là tham nhũng, đội vốn và liên tục chậm tiến độ, những vấn đề rất phổ biến ở các dự án xây dựng lớn tại nước này. Năm 2014, 30 người liên quan tới dự án cũng bị bắt giữ trong vụ điều tra một quỹ đen hơn 25 triệu euro nhằm hối lộ chính quyền. Hơn nữa, dự án có chi phí 6 tỉ Euro có nguy cơ xôi hỏng bỏng không khi mực nước biển hiện nay dâng cao hơn rất nhiều so với tính toán trước khi tiến hành dự án. Một số chuyên gia nói rằng nếu mực nước biển dâng như dự đoán, các cửa biển sẽ cần phải được nâng lên vĩnh viễn, tạo ra một vấn đề nghiêm trọng không kém: Venice sẽ trở thành một đĩa petri (đĩa cạn có nắp dùng để cấy vi khuẩn) và đối mặt với các vấn đề về nước thải, tăng trưởng tảo và ô nhiễm vi sinh.
Không chỉ có vấn đề biến đổi khí hậu, thành phố này cũng đang phải vật lộn du lịch quá tải. Theo ước tính, 30 triệu du khách mỗi năm đã tăng chi phí cho người dân địa phương, buộc người Venice biến căn hộ của họ thành phòng trọ và thúc đẩy nền kinh tế với việc làm chủ yếu trong ngành du lịch. Thế nhưng tình trạng quá tải du khách cũng đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về môi trường và xã hội. Thành phố Venice có dân số chỉ khoảng 55.000 thu hút khoảng 500 tàu du lịch đến thành phố mỗi năm và các nhà bảo tồn cho rằng đây chính là nguyên nhân đang phá hủy thành phố này. Khách du lịch trên tàu chỉ xuống thành phố chơi trong vài giờ, chi tiêu rất ít tại các cửa hàng nhưng xả ra rất nhiều rác thải và gây tắc nghẽn. Chưa đến một nửa số khách du lịch ở lại qua đêm ở thành phố. Trước tình trạng này, từ đầu tháng 8 vừa qua, Chính phủ Italia đã thông báo sẽ bắt đầu định tuyến lại các tàu ra khỏi trung tâm thành phố cổ. Theo kế hoạch đến năm 2020, 1/3 số tàu thuyền sẽ cập cảng cách trung tâm thành phố vài dặm như bến Fusina và Lombardia và sẽ tìm một địa điểm mới khả thi ở ngoài đầm phá để neo đậu tàu thuyền. Ngoài ra, một loại thuế du lịch mới cũng đã được được bắt đầu áp dụng nhằm hạn chế khách du lịch.
Rõ ràng là Venice bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và quá tải khách du lịch. Danh hiệu Di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1987 có thể bị thu hồi nếu hai vấn nạn nói trên không được kiểm soát. Nhiều công trình lịch sử văn hóa bị chìm trong trận lụt vừa qua
TÙNG QUANG