Trung Quốc: Biến di sản thành động lực tăng trưởng và sáng tạo
VHO - Tại Trung Quốc, các địa phương đang phát huy giá trị của di sản phi vật thể vào việc tăng trưởng kinh tế và tạo ra các giá trị mới.

Từ lâu, di sản văn hóa phi vật thể được xem là kho báu tinh thần của các cộng đồng, là những ký ức sống động về truyền thống, kỹ nghệ và phong tục tập quán được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Nhưng tại Trung Quốc, đặc biệt là khu vực miền Trung, những giá trị phi vật thể ấy đang bước ra khỏi không gian bảo tồn tĩnh lặng, để trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nền tảng của các giá trị sáng tạo mới trong thời đại số.
Di sản không chỉ để gìn giữ, mà để phát triển
Với hơn 40 di sản được ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO, Trung Quốc hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng các giá trị phi vật thể được quốc tế công nhận.
Nhưng con số ấy không phải để trưng bày trong các bảo tàng ký ức. Theo tinh thần của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), Trung Quốc xác định rõ: Di sản văn hóa không chỉ là biểu tượng của bản sắc, mà còn là động lực cho phát triển kinh tế và đổi mới sáng tạo.
Tại tỉnh Hà Nam, trái tim của miền Trung Trung Quốc, các địa phương như huyện Hoàng Xuyên (Huangchuan) đang chứng minh cho thế giới thấy một cách tiếp cận mới: Biến di sản thành nguồn lực kinh tế, thông qua các mô hình sản xuất hiện đại, tích hợp công nghệ, và thúc đẩy tiêu dùng sáng tạo.
Trong một xưởng sản xuất ở Hoàng Xuyên, những đôi bàn tay khéo léo đang cẩn trọng kéo căng từng sợi mì mỏng, trắng trong, phần giữa rỗng, một kỹ nghệ có từ thời nhà Đường (618-907). Món mì cống nạp của Huangchuan không chỉ là món ăn mà còn là di sản, từng được dâng lên triều đình như phẩm vật quý.
Ông Liu Laiwang, người kế thừa kỹ nghệ này và là giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Henan Wangxin chia sẻ: “Làm mì cống nạp là công việc cả đời của tôi. Đây là tinh hoa của nhiều thế hệ, là trí tuệ của những người thợ bếp truyền đời. Chúng tôi không chỉ bảo tồn mà còn phải phát triển nó”.
Với quy mô sản xuất công nghiệp rộng 5.200 mét vuông và sản lượng 3.000 tấn mỗi năm, công ty của ông Liu vừa góp phần giữ gìn một di sản và còn tạo ra thu nhập cho hơn 1.000 hộ nông dân ở ba ngôi làng tại thị trấn Phúc Điền, giúp gần 2.000 công nhân địa phương có việc làm ổn định.
Mì rỗng Huangchuan hôm nay không chỉ nằm trong ký ức, mà đã bước vào chuỗi cung ứng hiện đại, mở ra thị trường trong và ngoài nước.
Ở huyện Hoàng Xuyên còn nổi tiếng với món cá viên Song Lưu, một nghề thủ công được truyền qua năm thế hệ, khởi nguồn từ thị trấn Song Lưu Thục. Những viên cá chép bạc, giã nhuyễn, nặn tròn như ngọc và ninh trong bát nước dùng nghi ngút khói, đã trở thành đặc sản được du khách khắp nơi tìm đến.
Ông Wang Juguo, người kế thừa nghề làm cá viên, hiện vận hành bốn chuỗi cửa hàng và sản xuất tới 5 tấn cá viên mỗi ngày.
Ngoài việc thành công khi sản xuất địa phương, ông Wang còn phát triển hệ thống nhượng quyền trên toàn quốc, đưa cá viên Song Lưu trở thành sản phẩm thương hiệu.
Mỗi công nhân làm việc trong cơ sở của ông thu nhập hơn 3.000 nhân dân tệ mỗi tháng, một minh chứng cho sự thành công của mô hình phát triển dựa trên di sản ẩm thực.

Từ mai rùa đến nền công nghiệp sáng tạo
Vùng đất Huangchuan còn nổi tiếng với nghề nuôi rùa, được mệnh danh là “Vương quốc rùa” của Trung Quốc. Hằng năm, sản lượng rùa nuôi của huyện đạt tới 1.000 tấn, mang lại giá trị hơn 400 triệu nhân dân tệ.
Nhưng giá trị của rùa không chỉ nằm ở thực phẩm. Zhou Zhen, một nghiên cứu sinh tiến sĩ từng du học nước ngoài, đang tiên phong đưa mai rùa vào ngành công nghiệp sáng tạo.
Anh kết hợp mai rùa với nghệ thuật điêu khắc, tạo ra các sản phẩm văn hóa có tính thẩm mỹ cao, từ đó đẩy mạnh tiêu thụ qua thương mại điện tử, phát triển kinh tế số và các nền tảng như Douyin (TikTok Trung Quốc).
“Chúng tôi vừa bán sản phẩm, vừa bán câu chuyện văn hóa của địa phương”, Zhou nói.
Nhóm của anh đã đào tạo hàng ngàn nhân lực thương mại điện tử nông thôn, lập hàng chục đội khởi nghiệp, xây dựng các tài khoản mạng xã hội để quảng bá sản phẩm truyền thống theo cách hoàn toàn mới.
Kết quả là doanh số các món ăn địa phương, từ mì quảng, cá viên đến ba ba kho, hạt dẻ rang đường và súp cay, đã vượt mốc 80 triệu nhân dân tệ.
Đổi mới để giữ gìn, sáng tạo để lan tỏa
Những gì đang diễn ra ở Hoàng Xuyên là minh chứng sống động cho cách miền Trung Trung Quốc đang chuyển hóa di sản văn hóa phi vật thể thành động lực kinh tế.
Thay vì chỉ dừng ở việc bảo tồn, các địa phương chủ động biến di sản thành sản phẩm thương mại, đồng thời gìn giữ được tinh thần truyền thống qua việc đào tạo, truyền nghề cho thế hệ mới.
Chính quyền địa phương tại Hoàng Xuyên tổ chức các lớp đào tạo miễn phí cho những người kế thừa di sản, giúp chuyển đổi nghề thủ công thành ngành công nghiệp có giá trị gia tăng.
Hơn 2.000 cá nhân đã được đào tạo, không chỉ bảo tồn di sản mà còn mang lại sinh kế cho cộng đồng.
Đó không còn là câu chuyện của quá khứ, mà là hành trình của hiện tại, nơi những giá trị văn hóa truyền thống đang được tái sinh trong môi trường kinh tế thị trường, góp phần vào quá trình phục hồi nông thôn và đổi mới sáng tạo của Trung Quốc.