Thúc đẩy nỗ lực khống chế đại dịch Covid-19 toàn cầu
VHO- Với mục tiêu bao phủ vắc xin ngừa Covid-19 toàn thế giới, ngăn chặn các ca tử vong vì dịch bệnh và xây dựng hệ thống an ninh y tế toàn cầu tốt hơn, các nhà lãnh đạo tham dự “Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Covid-19 lần thứ hai” vừa được tổ chức, đã đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ để thúc đẩy nỗ lực đẩy lùi đại dịch.
Các nước đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ nhau đẩy lùi Covid-19 Ảnh: AP
Sau hơn 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từng bước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch và đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa thể tuyên bố kết thúc đại dịch khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, hay những dòng phụ của các biến thể tiếp tục được phát hiện ở nhiều quốc gia, khu vực. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng, mối đe dọa về một biến thể mới nguy hiểm vẫn còn rất thực tế. WHO kêu gọi các nước duy trì các hệ thống giám sát, thực hiện xét nghiệm và phân tích chuỗi gen, để kịp thời phát hiện bất thường cũng như đánh giá đúng tình hình dịch bệnh.
Đến nay, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 6 triệu người trên toàn thế giới. Trong đó, số người tử vong vì Covid-19 tại châu Âu là hơn 2 triệu nước, và số người không qua khỏi đại dịch tại Mỹ cũng đã vượt qua con số 1 triệu. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: “Đại dịch Covid-19 chưa qua đi. Thế giới vẫn còn rất nhiều việc phải làm để khống chế đại dịch và tất cả các nước đều phải hành động nhiều hơn”. Ngành Y tế Đức cũng cho rằng, đại dịch chưa kết thúc, một làn sóng nhiễm biến thể Omicron mới có thể sẽ bùng phát và biến thể nguy hiểm gây các triệu chứng nặng là Delta có nguy cơ sẽ quay trở lại. Vì thế, việc “làm mới” những nỗ lực chống dịch, duy trì tinh thần phòng dịch bệnh đến khi khống chế được Covid-19 và đảm bảo có thể ngăn chặn những cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai vẫn cần được quan tâm, chú trọng hơn.
Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Covid-19 lần thứ hai vừa được tổ chức trực tuyến, các bên tham dự đã đưa ra những cam kết hỗ trợ tài chính mới cho cuộc chiến chống dịch toàn cầu và cam kết chia sẻ công nghệ y học trong phòng ngừa và điều trị Covid-19. Cụ thể, các bên đã cam kết đóng góp mới hơn 3 tỉ USD, trong đó hơn 2 tỉ USD sẽ được phân bổ cho các hoạt động ứng phó trực tiếp với Covid-19, và 962 triệu USD đổ vào một quỹ của Ngân hàng thế giới (WB) để phục vụ công tác chuẩn bị ứng phó với các đại dịch trong tương lai, cũng như đảm bảo an ninh y tế toàn cầu. Đồng thời, Mỹ tuyên bố đóng góp thêm 200 triệu USD cho quỹ này. Trong khi Liên minh châu ÂU (EU) cho biết sẽ cung cấp 300 triệu euro để hỗ trợ các chiến dịch tiêm chủng, 450 triệu USD cho quỹ dự phòng y tế toàn cầu. Các tổ chức phi chính phủ, nhà hảo tâm và lĩnh vực tư nhân cam kết đóng góp hơn 700 triệu USD. Ngoài ra, Mỹ cũng cam kết chia sẻ 11 công nghệ y học với cơ chế chia sẻ bản quyền y học được Liên Hợp Quốc bảo trợ (MPP).
Những cam kết này không chỉ góp phần giải quyết những thách thức trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19, mà còn mở ra triển vọng sáng cho khả năng chấm dứt đại dịch Covid-19 toàn cầu và sẵn sàng ứng phó với các đại dịch trong tương lai. Hiện cơ chế phân bổ vắc xin toàn cầu COVAX có đủ nguồn cung để các nước thực hiện được các mục tiêu tiêm chủng quốc gia. Trong khi các hãng dược phẩm cũng cam kết sẽ sản xuất những phiên bản thuốc điều trị có giá thành phải chăng hơn để cung cấp cho những nước thu nhập trung bình và thấp. Như vậy, thông qua việc chia sẻ, hỗ trợ thúc đẩy năng lực cung ứng vắc xin và thuốc điều trị cho các nước có thu nhập thấp hơn, tất cả các quốc gia đều có cơ hội thoát khỏi đại dịch.
Đại dịch Covid-19 chưa qua đi. Thế giới vẫn còn rất nhiều việc phải làm để khống chế đại dịch và tất cả các nước đều phải hành động nhiều hơn. (Tổng thống Mỹ JOE BIDEN) |
Triều Tiên có thêm 15 người tử vong trong đợt dịch Covid-19 đầu tiên Theo Reuters, ngày 15.5, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 296.180 người có triệu chứng sốt và thêm 15 người tử vong trong đợt dịch Covid-19 đầu tiên bùng phát tại quốc gia này. Thông báo của KCNA không nêu cụ thể có bao nhiêu trường hợp trong số này đã dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19. Ngày 14.5, Triều Tiên ghi nhận thêm 21 trường hợp tử vong do Covid-19, với trên 174.000 người trên cả nước bị sốt, trong khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố đất nước đang đối mặt với “biến cố lớn lao” do sự lây lan của virus. Truyền thông nhà nước của Bình Nhưỡng đưa ra con số được cập nhật từ ngày 13.5, sau khi Chủ tịch Kim Jong-un chủ trì một hội nghị của Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên. Ông Kim Jong-un được dẫn lời nhấn mạnh rằng sự lây lan của loại virus nguy hiểm là “biến cố lớn lao kể từ khi lập quốc”. Theo KCNA, đã có tổng cộng khoảng 524.440 người dân nước này có triệu chứng sốt từ cuối tháng 4 đến ngày 13.5, trong đó có 243.630 người đã khỏi hoàn toàn, cùng khoảng 280.810 người đang được điều trị. |
HẢI MINH