Thổ Nhĩ Kỳ đánh thuế để chống quá tải du lịch

VHO- Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vừa công bố kế hoạch triển khai đánh thuế du lịch từ năm 2020. Khách du lịch sẽ được tính phí dựa trên thời gian và địa điểm lưu trú của mỗi người. Mức thuế được áp dụng đối với trẻ em và người trên 12 tuổi.

Thổ Nhĩ Kỳ đánh thuế để chống quá tải du lịch - Anh 1

Khách du lịch đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải trả thuế từ năm 2020 Ảnh: GETTY IMAGE

Theo đó, khách lưu trú từ một đêm ở các khách sạn 5 sao sẽ phải đóng thuế hơn 18 lira (3,2 USD) mỗi người. Mức phí 12 lira (2 USD) được áp dụng cho khách sạn 4 sao. Trong khi đó, khách sạn 3 sao chịu mức thuế là 1 USD. Đây được coi là động thái của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết tình trạng quá tải du lịch, vấn đề đã trở thành nỗi đau đầu với nhiều quốc gia trong những năm trở lại đây.

Lượng khách du lịch nước ngoài tăng đáng kể ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2000 đến 2005, từ 8 triệu lên 21,2 triệu lượt khách. Nước này trở thành điểm đến top 10 trên thế giới đối với du khách nước ngoài. Doanh thu năm 2005 là 17,5 tỉ USD, khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong 10 quốc gia có doanh thu từ du lịch lớn nhất thế giới. Năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ được xếp hạng là điểm đến du lịch phổ biến thứ 6 trên thế giới và thứ 4 ở châu Âu. Thời kỳ bùng nổ năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ thu hút khoảng 42 triệu khách du lịch nước ngoài, vẫn được xếp hạng là điểm đến du lịch nổi tiếng thứ 6 trên thế giới. Từ năm 2015, du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ bước vào thời kỳ suy giảm mạnh. Năm 2016, chỉ có khoảng 25 triệu người đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên trong 3 năm trở lại đây, lượng khách du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh trở lại, phần vì ảnh hưởng bởi đợt bùng nổ toàn cầu.

Không chỉ riêng Thổ Nhĩ Kỳ, một số quốc gia khác trên thế giới cũng coi đánh thuế là một trong những biện pháp hiệu quả để kiểm soát lượng du khách đổ về các điểm nóng ngày một đông. Cuối năm 2018, thành phố Venice (Italia) bắt đầu áp dụng mức thuế lên tới 10 euro đối với các du khách. Chính quyền thành phố tin rằng, mức thuế mới sẽ tạo ra doanh thu từ 40 - 50 triệu euro, đủ để cải tạo một số di tích và điểm nóng về du lịch đã bị ảnh hưởng bởi mật độ du khách quá lớn. Đầu năm 2019, chính quyền Bali, quần đảo nổi tiếng của Indonesia cũng cân nhắc việc áp dụng thuế du lịch như một biện pháp bảo tồn cảnh quan và danh thắng nơi đây.

Theo thống kê, trong năm 2018, sự phát triển của ngành du lịch thế giới bỏ xa bất cứ ngành công nghiệp nào. Du lịch quốc tế bùng nổ nhờ nhiều yếu tố. Đầu tiên, thu nhập bình quân của các nước tăng nhanh, đặc biệt là tại Trung Quốc. Người dân thế giới sống thọ hơn, sinh con ít hơn, do đó có thêm thời gian để du lịch và hưởng thụ. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới trở nên cởi mở và hòa bình hơn, nhiều khu vực từng bị cấm kỵ giờ mở rộng cửa đón du khách.

Một trong những lý do lớn nhất dẫn đến bùng nổ du lịch tại một số khu vực trên thế giới chính là hoạt động từ các công ty dịch vụ du lịch tư nhân cùng các gói du lịch với ưu đãi lớn chưa từng có. Trong khi đó, các thành phố lớn vẫn tiếp tục vật lộn để chống trọi với các ảnh hưởng tiêu cực mà hoạt động này gây nên. Mới đây, Trung tâm Bảo tồn và Du lịch Quốc tế có trụ sở tại New Zealand đã đưa ra cam kết hỗ trợ cải thiện các tác động của “chủ nghĩa du lịch cực đoan” đối với các điểm đến nổi tiếng.

Nhiều chuyên gia khẳng định, bảo vệ cảnh quan các điểm đến và chống lại vấn đề bùng nổ du lịch không chỉ là trách nhiệm của chính phủ. Nó còn là vai trò của các du khách và các trung tâm du lịch. Theo các nhà chức trách, ngoài việc kêu gọi du khách lựa chọn các du thuyền nhỏ hơn, ít gây tổn hại đến hệ sinh thái của các cầu cảng, các trung tâm du lịch cần có trách nhiệm đề nghị khách hàng của mình không tụ tập đông đúc mỗi khi ghé thăm các điểm đến. 

 THỤC LINH

Ý kiến bạn đọc