FIFA xử phạt CLB Phú Thọ:

Thêm một cú “sốc”...

NGỌC TRUNG

VHO - Bóng đá Việt Nam vừa chứng kiến cú “sốc” lớn khi CLB Phú Thọ trở thành đội bóng đầu tiên tại Việt Nam bị FIFA trực tiếp xử phạt vì hành vi dàn xếp tỉ số. Đội bóng này bị loại khỏi Giải hạng Nhì quốc gia và buộc xuống chơi tại hạng Ba từ mùa giải tới.

Thêm một cú “sốc”... - ảnh 1
CLB Phú Thọ bị FIFA đánh rớt hạng trực tiếp vì thao túng trận đấu

“Bọn tôi nhận khoảng 1.000 euro mỗi tháng”, nhiều cầu thủ bộc bạch. “Cày ải kiệt quệ như vậy mà mỗi tháng chỉ có 1.000 euro thôi à? Chúng mày nghĩ sao nếu nhận 10.000 euro cho một trận?”. Đó là cách mà Wilson Raj Perumal, ông trùm dàn xếp tỉ số khét tiếng thế giới, tiếp cận nhóm cầu thủ người Zambia của CLB RoPS (Phần Lan) vào tháng 10.2009.

Theo Wilson Raj, những cầu thủ Zambia này nhận lương 2.000 euro/tháng trước thuế, nhưng chi phí ăn ở do CLB chi trả nên được trừ thẳng vào lương. Vì vậy, thực lĩnh của họ chỉ còn khoảng 1.000 euro.

“Từ quan điểm của tôi, như vậy chẳng khác gì nô lệ thời hiện đại cả. Một cầu thủ chơi bóng tại giải cao nhất của một quốc gia mà chỉ nhận mức lương tương đương công nhân”, gã này chia sẻ.

Wilson Raj Perumal là “ông trùm dàn xếp tỉ số” khét tiếng nhất trong lịch sử bóng đá hiện đại. Gã từng thao túng kết quả các trận đấu từ cấp độ địa phương đến World Cup, bao gồm cả các trận tại Olympic 1996 và 2008.

Wilson Raj còn tuyên bố đã giúp Honduras và Nigeria giành vé dự World Cup 2010 thông qua việc dàn xếp kết quả vòng loại.

Sự nghiệp “dàn xếp tỉ số” của gã được kể lại chi tiết trong cuốn hồi ký Kelong Kings: Confessions of the World’s Most Prolific Match-Fixer (tạm dịch: Kelong Kings - Lời thú nhận của trùm dàn xếp tỉ số), trong đó mô tả cách tiếp cận cầu thủ, trọng tài và quan chức bóng đá.

Gã thừa nhận đã dàn xếp khoảng 80 đến 100 trận đấu, với tỷ lệ thành công lên tới 70-80%, trong đó có những trận đấu liên quan đến bóng đá Việt Nam. Thực tế, dàn xếp tỉ số cũng không phải điều xa lạ đối với làng bóng Việt.

Cú phản lưới nhà của Lã Xuân Thắng đến nay vẫn còn ám ảnh. “Đại án Bacolod” là vết thương cứ đến kỳ lại tái phát. Gần đây hơn, năm 2014, nhiều cầu thủ của Vissai Ninh Bình rồi Đồng Nai tham gia cá độ và dàn xếp tỉ số.

Năm ngoái, đến lượt 6 cầu thủ của Bà Rịa - Vũng Tàu bị khởi tố vì tổ chức dàn xếp tỉ số. Và mới đây nhất, cuối tuần qua, CLB Phú Thọ trở thành đội bóng tiếp theo bị Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) điểm danh vì tiêu cực.

Thông tin này khiến giới mộ điệu và dư luận thể thao Việt Nam chấn động, bởi đây là một trong những trường hợp hiếm hoi mà một CLB trong nước bị tổ chức quyền lực nhất bóng đá thế giới xử lý kỷ luật nghiêm khắc đến vậy.

Cụ thể, FIFA đã ban hành án kỷ luật đối với CLB Phú Thọ, loại đội bóng này khỏi Giải hạng Nhì quốc gia và buộc xuống chơi tại hạng Ba từ mùa giải tới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một CLB tại Việt Nam bị FIFA trực tiếp xử phạt vì hành vi dàn xếp tỉ số, với hiệu lực áp dụng trên toàn cầu.

Ngay sau đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng phát đi thông báo khẩn, tuyên bố hủy toàn bộ kết quả thi đấu của CLB Phú Thọ tại mùa giải 2025. Dù đội bóng này có 10 ngày để kháng cáo, dư luận đã phần nào hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của vụ việc, nhất là khi những dấu hiệu bất thường đã xuất hiện từ trước đó.

 Nhiều năm qua, chúng tôi luôn đồng hành, hỗ trợ đội bóng trong việc sử dụng sân bãi, tổ chức thi đấu, hỗ trợ công tác huấn luyện. Tuy nhiên, thời gian gần đây, năng lực tài chính của doanh nghiệp chủ quản gặp nhiều khó khăn, dẫn đến kết quả thi đấu kém và sự xuống hạng của đội bóng trong hai mùa liên tiếp.

Dù vậy, Sở vẫn thường xuyên nhắc nhở việc giáo dục đạo đức thể thao, yêu cầu CLB tăng cường kỷ luật, tập trung chuyên môn và giữ gìn hình ảnh trong thi đấu”.

(Ông NGUYỄN ĐẮC THỦY, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ)

Từ mùa Giải hạng Nhất 2023- 2024, CLB Phú Thọ đã bị đặt dấu hỏi về phong độ tụt dốc không phanh, chỉ giành vỏn vẹn 6 điểm sau 20 vòng đấu, ghi được 6 bàn và để lọt lưới tới 43 lần.

Bước sang mùa 2025, đội bóng tiếp tục gây thất vọng khi để thua cả ba trận mở màn với hiệu số cực kỳ kém cỏi. Những con số không thể nói dối và cuối cùng, FIFA đã vào cuộc.

FIFA không công khai chi tiết quá trình điều tra, nhưng những vụ việc trước cho thấy họ vận hành một hệ thống giám sát phức hợp và chặt chẽ, phối hợp với các tổ chức quốc tế như Sportradar, Interpol và hệ thống cảnh báo sớm BFDS (Betting Fraud Detection System).

Có thể tóm gọn 5 nhóm công cụ chính: Phân tích dữ liệu cá cược toàn cầu: Hệ thống theo dõi các trận đấu có tỷ lệ cược bất thường hoặc khối lượng giao dịch đột biến.

Giám sát hành vi thi đấu: Các pha xử lý kỳ lạ, lỗi ngớ ngẩn, tinh thần thi đấu kém, tất cả đều có thể bị AI nhận diện. Điều tra tài chính và chuyển khoản cá nhân: Những giao dịch đáng ngờ, dòng tiền bất minh vào tài khoản của cầu thủ, HLV hay thành viên ban huấn luyện.

Tố giác từ nội bộ: Nhân chứng, ghi âm cuộc trò chuyện, tin nhắn trao đổi đều có thể trở thành bằng chứng quan trọng. Áp dụng án phạt toàn cầu: Khi đủ chứng cứ, FIFA sẽ công bố án phạt có hiệu lực quốc tế, buộc các liên đoàn thành viên phải chấp hành.

Trao đổi với phóng viên Văn Hóa, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ cho biết, Sở đã nhận được thông báo từ VFF, không phải từ FIFA, vì không phải thành viên của FIFA.

“Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Sở đã có văn bản yêu cầu Tập đoàn Tuấn Tú, doanh nghiệp chủ quản của CLB Phú Thọ, cũng như câu lạc bộ phải có báo cáo, giải trình cụ thể về những nội dung được nêu trong quyết định kỷ luật”, ông cho biết.

Diễn giải thêm, CLB Phú Thọ là một đội bóng thuộc sở hữu của doanh nghiệp tư nhân (Tập đoàn Tuấn Tú), và là thành viên của VFF. Trong khi đó, Sở VHTTDL chỉ đóng vai trò quản lý nhà nước đối với các hoạt động thể thao trên địa bàn tỉnh.

“Nhiều năm qua, chúng tôi luôn đồng hành, hỗ trợ đội bóng trong việc sử dụng sân bãi, tổ chức thi đấu, hỗ trợ công tác huấn luyện. Tuy nhiên, thời gian gần đây, năng lực tài chính của doanh nghiệp chủ quản gặp nhiều khó khăn, dẫn đến kết quả thi đấu kém và sự xuống hạng của đội bóng trong hai mùa liên tiếp. Dù vậy, Sở vẫn thường xuyên nhắc nhở việc giáo dục đạo đức thể thao, yêu cầu CLB tăng cường kỷ luật, tập trung chuyên môn và giữ gìn hình ảnh trong thi đấu”, ông Thủy nói thêm.

Vụ việc CLB Phú Thọ bị FIFA giáng án phạt là vết đen trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội để toàn ngành nhìn lại, siết chặt kỷ cương.

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ khẳng định, Sở sẽ đồng hành với VFF và các cơ quan chức năng trong việc xem xét, xử lý nghiêm minh những dấu hiệu tiêu cực để đem lại sự trong sạch cho nền bóng đá nói riêng và thể thao nói chung.

Khi được hỏi về giải pháp lâu dài, ông Nguyễn Đắc Thủy nhấn mạnh: “Từ phong trào đến chuyên nghiệp, thể thao phải dựa trên tinh thần fair-play. Nếu không giữ được sự trong sạch, mọi nỗ lực phát triển chỉ là bề nổi”.

Bóng đá không chỉ là cuộc chơi trên sân cỏ, mà còn là tấm gương phản chiếu giá trị đạo đức và văn hóa của một xã hội.

Hy vọng từ cú sốc mang tên Phú Thọ, các địa phương và liên đoàn sẽ có những động thái quyết liệt hơn để bảo vệ nền bóng đá Việt Nam khỏi những “bóng ma tiêu cực” đang rình rập. 

 Từ mùa Giải hạng Nhất 2023-2024, CLB Phú Thọ đã bị đặt dấu hỏi về phong độ tụt dốc không phanh, chỉ giành vỏn vẹn 6 điểm sau 20 vòng đấu, ghi được 6 bàn và để lọt lưới tới 43 lần. Bước sang mùa 2025, đội bóng tiếp tục gây thất vọng khi để thua cả ba trận mở màn với hiệu số cực kỳ kém cỏi.

Những con số không thể nói dối, và cuối cùng, FIFA đã vào cuộc. FIFA không công khai chi tiết quá trình điều tra, nhưng những vụ việc trước cho thấy họ vận hành một hệ thống giám sát phức hợp và chặt chẽ, phối hợp với các tổ chức quốc tế như Sportradar, Interpol và hệ thống cảnh báo sớm BFDS (Betting Fraud Detection System).

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc