Diễn đàn Nishan lần thứ 11 về văn minh thế giới:
Suy ngẫm về tương lai của nhân loại trong kỷ nguyên AI
VHO - Tại Khúc Phụ, nơi sinh của nhà triết học nổi tiếng Trung Quốc Khổng Tử ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, các học giả và chuyên gia đã tập trung tham dự Diễn đàn Nishan lần thứ 11 với chủ đề: “Khám phá tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với nền văn minh nhân loại”.

Diễn đàn lần thứ 11 đã thu hút hơn 560 khách mời đến từ trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm phỏng vấn cấp cao, diễn thuyết chủ chốt và đối thoại song phương.
Một cuộc đối thoại quan trọng mang tên Trí tuệ nhân tạo và tương lai của nền văn minh nhân loại đã quy tụ 14 chuyên gia chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về cách các giá trị văn hóa, đặc biệt là những giá trị thể hiện trong Nho giáo, có thể định hướng sự phát triển đạo đức của AI.
Thúc đẩy tiến bộ xã hội
“Tổ chức của chúng tôi nhận thấy DeepSeek, một mô hình AI của Trung Quốc, cung cấp giải pháp tiết kiệm chi phí và có thể triển khai ngoại tuyến cho trẻ em ở các khu vực chiến tranh”, ông Chai Shaojin, nghiên cứu viên cao cấp tại Trụ sở chính của Tổ chức Giáo dục không biên giới tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cho biết.
Ông Chai cũng cho rằng, việc triển khai một “giáo viên AI” trên một máy tính cơ bản sẽ giảm bớt áp lực tuyển dụng đủ giáo viên có trình độ tại các trại tị nạn.
Theo ông, đây là một ví dụ điển hình về cách phát triển AI có thể hỗ trợ nền văn minh nhân loại, phù hợp với triết lý từ bi của Khổng Tử.
Bà Dafne Esteso, Giám đốc học thuật tại Trung tâm Nghiên cứu Argentina - Trung Quốc thuộc Đại học Buenos Aires, cũng nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc như một quốc gia dẫn đầu toàn cầu về đổi mới và quản lý AI.
“Giá trị phát triển lấy con người làm trung tâm được thể hiện trong Sáng kiến Quản trị AI toàn cầu của Trung Quốc không chỉ đồng điệu với trí tuệ Trung Hoa cổ đại mà còn phù hợp với khát vọng của Argentina, quê hương tôi”, bà Dafne Esteso nói.

Suy ngẫm về AI: Những vấn đề nan giải về đạo đức
Trong khi AI hứa hẹn sẽ mang lại nhiều tiến bộ, các diễn giả cũng nêu ra nhiều thách thức quan trọng mà công nghệ này đặt ra trong lĩnh vực của họ.
Fellah Filali Ferial, chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Dịch thuật Algeria, nhấn mạnh rằng AI tạo ra sản phẩm có thể tái tạo và khuếch đại những định kiến xã hội trong quá trình dịch thuật, củng cố khuôn mẫu về giới tính và chủng tộc.
Khi giải quyết những thách thức về đạo đức của AI, GS. Joerg Matthes, Khoa Truyền thông của Đại học Vienna, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của “kiến thức về AI” - khả năng hiểu, sử dụng và đánh giá AI một cách hiệu quả.
Lấy cảm hứng từ tư tưởng Khổng giáo, ông Matthes cho rằng “kiến thức về AI” không chỉ giới hạn ở năng lực kỹ thuật mà còn bao hàm cả khía cạnh đạo đức và xã hội hướng dẫn con người cách thức tương tác có đạo đức với AI.

Lời kêu gọi cam kết chung
Hình dung về tương lai của sự phát triển AI, Branko Balon, giáo sư Khoa học Máy tính tại Đại học Algebra ở Croatia đã đưa ra khái niệm “hài hòa trí tuệ” như một mục tiêu nền tảng cho nền văn minh nhân loại trong kỷ nguyên AI.
Ông cho biết điều này có nghĩa là kết nối các quá trình nhận thức nhân tạo với các giá trị của con người, trí tuệ cảm xúc và trí tuệ xã hội.
Balon cũng nhấn mạnh sự đóng góp độc đáo của triết học Trung Hoa. Ông cho rằng nếu tương lai của AI được dẫn dắt bởi những cam kết đạo đức chung và được bồi đắp bởi truyền thống Nho giáo của Trung Quốc, AI có thể hỗ trợ một tương lai tôn trọng, thấu hiểu và thịnh vượng lẫn nhau.
Việc đi sâu vào khía cạnh đạo đức và nhân văn của AI trong hội thảo này tương đồng với tầm nhìn rộng lớn của Diễn đàn Nishan lần thứ 11 về văn minh thế giới, một sự kiện dành riêng để thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn minh thế giới và thúc đẩy giao lưu văn hóa quốc tế.
Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng cấp cao Chính phủ Hoàng gia Campuchia Chhem Kieth Rethy đã nhấn mạnh cam kết của Diễn đàn.
“Hiện đại hóa thường được đo lường bằng GDP (tổng sản phẩm quốc nội), xếp hạng đổi mới sáng tạo hoặc tốc độ ứng dụng công nghệ số. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng phát triển thực sự còn bao gồm cả văn hóa, đạo đức và tinh thần”, ông nói.
"Diễn đàn Nishan về văn minh thế giới" tập trung vào các cuộc đối thoại giữa các nền văn minh thế giới. Diễn đàn thúc đẩy các cuộc đối thoại học thuật, quốc tế và cởi mở như một nền tảng cho trao đổi và hợp tác văn hóa quốc tế.