Sự trái chiều ở rạp chiếu phim Mỹ và châu Âu
VHO - Trong khi nhiều rạp chiếu phim ở Mỹ thất thu vì khán giả không đến, thì ở châu Âu tình hình ngược lại hoàn toàn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Theo CNN, các rạp chiếu ở Mỹ đang cố gắng quay lại quỹ đạo bình thường sau cú sốc đại dịch Covid-19, nhưng doanh thu phòng vé vẫn chưa thể phục hồi như trước, do khán giả không còn mặn mà với việc xem phim ở rạp và con số này sụt giảm nghiêm trọng trong năm nay. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, doanh thu phòng vé tại Mỹ thường xuyên vượt mốc 10 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo năm nay con số này chỉ đạt khoảng 8,5 tỉ USD.
Một yếu tố quan trọng khác khiến tình hình càng thêm nghiêm trọng là sự thiếu hụt các bộ phim đa dạng thể loại. Những bộ phim có doanh thu phòng vé trung bình từ 50 - 100 triệu USD, đang trở nên ngày càng hiếm. Các thể loại phim như chính kịch hay hài lãng mạn, vốn rất được ưa chuộng trong quá khứ, giờ đây gần như biến mất khỏi các màn ảnh lớn. Tất nhiên các nhà làm phim vẫn đều đặn sản xuất những thể loại này, tuy nhiên chúng sẽ không được quảng bá rầm rộ như những phim hành động, bom tấn, có sự xuất hiện của các sao hạng A ra mắt thời điểm gần đây như Wicked, Moana 2...
Bên cạnh đó, lý do quan trọng khiến khán giả không đến rạp là các bộ phim không được chiếu đủ lâu, để người xem có thể kịp phát hiện và lựa chọn xem phim. Một phần nguyên nhân của hiện tượng này là do cuộc đua của những ông lớn ngành phát sóng trực tuyến như Netflix, Apple, Amazon... Cụ thể, các phim chính kịch hay hài lãng mạn chỉ xuất hiện tại rạp trong khoảng thời gian ngắn, sau đó sớm bị các “ông lớn” ngành phát sóng trực tuyến mua lại và đăng tải lên nền tảng của mình, khán giả cũng từ đó ít lựa chọn hơn khi tới các rạp chiếu.
Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của các rạp phim mà còn dẫn đến việc hạn chế sự đa dạng của các bộ phim và giảm khả năng đưa những tác phẩm điện ảnh đến gần hơn với công chúng. Nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ, linh hoạt, các rạp chiếu có thể sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn lớn trong việc khôi phục doanh thu và sự quan tâm từ công chúng.
Ở chiều ngược lại, theo báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Omdia (được ủy quyền bởi Liên đoàn quốc tế các rạp chiếu phim Arthouse, Liên minh rạp chiếu phim quốc tế và mạng lưới rạp chiếu phim châu Âu) nhấn mạnh mức độ đầu tư vào thị trường phim nội địa của các quốc gia châu Âu đang rất “khủng khiếp”. Điều đó đã giúp vực dậy phòng vé khu vực này. Tổng doanh thu phòng vé châu Âu đã đạt gần bằng mức trước đại dịch Covid-19, với tổng doanh thu 1,8 tỉ USD của năm ngoái.
Nhìn chung, doanh thu phòng vé ở các quốc gia châu Âu nhỏ hơn đáng kể so với Mỹ, nhưng thị trường châu Âu lại đang phục hồi nhanh hơn. Variety phân tích: “Đó là do số lượng rạp chiếu ở châu Âu nhiều hơn mức tưởng tượng. Dù châu Mỹ có dân số khổng lồ, song châu Âu mới là nơi cung cấp nhiều rạp chiếu hơn với các lựa chọn đa dạng cho người yêu điện ảnh. Tại đây có nhiều dịch vụ, cách thức kiếm tiền từ phim, các buổi chiếu riêng biệt thu hút khán giả”.
Số lượng rạp chiếu ở châu Âu năm nay là gần 40.000. Đáng chú ý, khán giả châu Âu có xu hướng tập trung vào các phim địa phương - các phim chiếm đến 1/4 tổng doanh thu của khu vực vào năm 2023. Điều này thể hiện sự tán thưởng và ủng hộ mà khán giả điện ảnh châu Âu ở 33 quốc gia trong mạng lưới này dành cho những tác phẩm của nhau.
Giới chuyên gia nhận định, trong một năm mà lịch chiếu phim ít đi như 2024, điểm mạnh của các phim bom tấn Hollywood (suất chiếu dày đặc) lại trở thành điểm yếu. Dù không có nhiều phim nhượng quyền thương mại lớn vào năm nay, các phim Mỹ cũng khó có thể được phát hành rộng rãi (ngoài những đợt phát hành giới hạn để đủ điều kiện tranh giải thưởng) dù chúng đã xuất hiện tại các liên hoan phim như Cannes, Berlin và Venice.
“Hiện tại, việc trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch ở châu Âu và việc thúc đẩy Hollywood phục hồi mới là điều đáng mong đợi”, Variety bình luận.