Nước Mỹ và cửa ải trần nợ công

VHO - Thế là Tổng thống Joe Biden và nước Mỹ thở phào nhẹ nhõm khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật tạm thời ngày 30.9 với sự ủng hộ áp đảo của Đảng Dân chủ sau khi Chủ tịch Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy từ chối yêu cầu trước đó của những người theo đường lối cứng rắn trong Đảng về dự luật.

Nước Mỹ và cửa ải trần nợ công - Anh 1

 Nước Mỹ thở phào nhẹ nhõm khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật tạm thời vào phút chót Ảnh: GETTY

Dự luật trên do Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đề xuất nhằm cấp ngân sách cho chính phủ trong vòng 45 ngày, nhưng không bao gồm khoản hỗ trợ bổ sung cho Ukraine. Dự luật được thông qua với 335 phiếu thuận và 91 phiếu chống. Trong số 335 phiếu thuận có 209 phiếu của các nghị sĩ Dân chủ và 126 phiếu của nghị sĩ Cộng hòa. Dự luật đã được Tổng thống Joe Biden ký ban hành, qua đó tạm thời ngăn chặn việc Chính phủ phải đóng cửa một phần cho tới giữa tháng 11.

Trước đó, cả nước Mỹ gần như nín thở khi kế hoạch cuối cùng của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy nhằm giúp Chính phủ nước này tạm thời có ngân sách để duy trì hoạt động đã không vượt qua được chính “ải” Hạ viện trong ngày 29.9, khi vấp phải phản đối của các nghị sĩ Đảng Cộng hòa theo đường lối cứng rắn. Với 232 phiếu chống và 198 phiếu thuận, Hạ viện Mỹ đã bác bỏ dự luật do Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đề xuất, theo đó cắt giảm chi tiêu và hạn chế người nhập cư nhằm gia hạn cấp ngân sách cho Chính phủ thêm 30 ngày, giúp các cơ quan liên bang tránh được kịch bản phải đóng cửa khi bắt đầu tài khóa mới (từ ngày 1.10.2023 đến 30.9.2024). Động thái trên diễn ra chỉ một ngày trước thời hạn chót lưỡng viện Quốc hội Mỹ phải nhất trí được dự thảo ngân sách cho tài khóa 2024 vào 00h01 ngày 1.10 theo giờ địa phương (tức 11h01 theo giờ Việt Nam), khiến Chính phủ Mỹ tiến gần hơn tới khả năng phải đóng cửa, kéo theo nguy cơ hơn 4 triệu nhân viên liên bang không được trả lương và mọi hoạt động của Chính phủ từ giám sát tài chính đến nghiên cứu khoa học bị cản trở. Ngoài ra, nhiều chương trình và dịch vụ của chính phủ bị gián đoạn.

Nhiều quan chức Mỹ đã lên tiếng cảnh báo hậu quả của việc Chính phủ phải đóng cửa. Trong bài phát biểu ngày 29.9 tại cảng Savannah, bang Georgia, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, việc Chính phủ phải đóng cửa có thể tác động đến tiến triển kinh tế của nước này do không còn các chương trình quan trọng dành cho doanh nghiệp nhỏ và trẻ em, cũng như kéo theo sự chậm trễ trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng. Bà cho rằng các Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa cần hành động để duy trì hoạt động của chính phủ cũng như tuân thủ thỏa thuận ngân sách được nhất trí vào cuối tháng 5 vừa qua. Bộ trưởng Tài chính Mỹ nêu rõ: “Việc các Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa hành động thiếu trách nhiệm sẽ làm tổn thương các gia đình Mỹ, cũng như tạo ra các cơn gió ngược đối với nền kinh tế, có thể ảnh hưởng đến những tiến triển mà chúng ta đạt được”.

Trước đó cùng ngày, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Lael Brainard cảnh báo nguy cơ chính phủ đóng cửa vào cuối tuần này là một “rủi ro không đáng có” đối với một nền kinh tế có sức chống chịu, khi lạm phát ở mức vừa phải. Phát biểu trên kênh CNBC, bà Brainard dẫn dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong tháng 8 vừa qua, lạm phát cơ bản hằng năm của nước này, không bao gồm lương thực và năng lượng, đã giảm xuống dưới 4% lần đầu tiên sau hơn 2 năm. Theo bà, đây là “tin tốt lành” đối với nền kinh tế. Vì vậy, việc Chính phủ Mỹ đóng cửa là “một rủi ro hoàn toàn không cần thiết đối với một nền kinh tế đã được chứng minh là kiên cường”.

Khổ nỗi, vấn đề trần nợ công của Mỹ đang là chủ đề thảo luận không chỉ của truyền thông nước này, mà còn là của cộng đồng truyền thông quốc tế do tính chất quan trọng của nó với nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế quốc tế. Nếu Chính phủ Mỹ vỡ nợ, chi tiêu của gia đình và Chính phủ nước này sẽ bị ảnh hưởng, qua đó ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu.

Quan trọng là thế nhưng nước Mỹ luôn ám ảnh trần nợ công. Các chuyên gia kinh tế chỉ ra, từ năm 1960 tới nay, Quốc hội Mỹ đã có 79 lần nâng trần nợ, trong đó, phần lớn diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, đặc biệt là những năm gần đây, cuộc đàm phán nâng trần nợ đã trở thành một chu kỳ nguy hiểm, gây tranh cãi tại Washington, khi các thành viên của cả hai Đảng đều “vũ khí hóa” vấn đề này. Theo đó, Đảng không nắm giữ quyền lực tại Nhà Trắng hoặc chiếm thiểu số trong Quốc hội Mỹ thường tận dụng vấn đề nâng trần nợ để làm đòn bẩy đàm phán nhằm tìm kiếm các nhượng bộ chính sách hoặc phát đi những thông điệp chính trị. Các cuộc đàm phán về nâng trần nợ do vậy thường kéo dài và căng thẳng, và bất kỳ tính toán sai lầm nào của các nhà lập pháp đều có thể khiến Chính phủ Mỹ đối mặt với rủi ro vỡ nợ.

Tuy vậy, nhiều ý kiến trong giới kinh tế cũng cho rằng, mặc dù nguy cơ vỡ nợ của Chính phủ Mỹ là có, nhưng khả năng này là không cao, bởi việc nâng trần nợ là một thủ tục mà Quốc hội Mỹ đã tiến hành thường xuyên. Giáo sư Juan Carluccio tại Đại học Surrey (Anh) nhận định, “việc vỡ nợ sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai, nên nhiều khả năng phe Cộng hòa cuối cùng sẽ chấp nhận việc nâng trần nợ”. Lịch sử hàng chục năm qua cho thấy, khả năng đó phần lớn đã trở thành hiện thực. Đó cũng là lý do mỗi khi “con bài” trần nợ công được đưa ra, nước Mỹ và phần còn lại của thế giới có lo lắng, có “nín thở” nhưng không đến mức bi quan, vì mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đấy, tất cả đều thở phào nhẹ nhõm. 

 TÙNG QUANG

Ý kiến bạn đọc