Thanh niên Việt - Trung:
Những sứ giả tiếp lửa cách mạng và kiến tạo tương lai hữu nghị lâu dài
VHO - Hội nghị Đối thoại thanh niên Việt - Trung “Hành trình Quý Châu” năm 2025, diễn ra tại thành phố Quý Dương, Quý Châu (Trung Quốc) đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc và trong khuôn khổ Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung, đã trở thành một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa chiến lược, chính trị và nhân văn sâu sắc.

Không chỉ đơn thuần là hoạt động giao lưu, Hội nghị lần này là lời khẳng định mạnh mẽ rằng: Thế hệ trẻ hai nước chính là lực lượng kế thừa, tiếp nối ngọn lửa cách mạng và là những sứ giả đầy trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát triển mối quan hệ hữu nghị bền vững giữa Việt Nam và Trung Quốc - mối quan hệ được xây dựng bằng máu, mồ hôi và lý tưởng cách mạng của các thế hệ đi trước
Thanh niên sẽ là cầu nối chiến lược
Với sự tham dự của hơn 200 đại biểu thanh niên hai nước, cùng các nhà lãnh đạo và khách mời danh dự như ông Lư Ung Chính - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên truyền, Bí thư Ủy ban công tác giáo dục Tỉnh ủy Quý Châu; ông Dương Đào, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu ngoại giao nhân dân Trung Quốc; ông Châu Lập, Phó Tổng Biên tập Nhật báo Trung Quốc; ông Tiết Ngọc Tuyết, Nguyên quan chức cấp cao Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc... diễn đàn đã trở thành không gian kết nối xuyên biên giới, xuyên thế hệ, thấm đẫm tinh thần cách mạng và hữu nghị.

Chương trình không chỉ là dịp để thanh niên tìm hiểu về lịch sử quan hệ Việt - Trung, mà còn là hành trình thực tiễn đầy cảm xúc khi được tiếp cận các di tích cách mạng, hiểu sâu sắc hơn về con đường Trường Chinh, trải nghiệm dự án “Dải lụa đỏ” - nơi công nghệ, nghệ thuật và văn hóa hòa quyện tái hiện sinh động hành trình lịch sử gian nan của cách mạng Trung Quốc.
Đây chính là hành trang tinh thần quý báu để thanh niên hai nước không chỉ hiểu rõ quá khứ mà còn tự xác lập vai trò và trách nhiệm với tương lai dân tộc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lư Ung Chính nhấn mạnh tính chất cấp bách và vai trò lịch sử của thanh niên trong bối cảnh thế giới đang bước vào thời kỳ chuyển mình chưa từng có trong suốt một thế kỷ qua.
Ông nói: “Thế giới hiện đang phải đối mặt với một sự thay đổi lớn chưa từng thấy trong vòng 100 năm. Đứng ở ngã tư của sự phát triển xã hội loài người, làm thế nào để phát triển chủ nghĩa Mác trong thế kỷ XXI, thúc đẩy những động lực mới của chủ nghĩa xã hội và đóng góp cho sự nghiệp tiến bộ của nhân loại, chính là câu hỏi lớn mà thế hệ trẻ cần nghiêm túc suy ngẫm”?

Ông Dương Đào, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu ngoại giao nhân dân Trung Quốc, cũng bày tỏ sự đánh giá cao đối với diễn đàn, coi đây là minh chứng sinh động cho quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước.
Ông khẳng định: “Tôi kỳ vọng thanh niên hai nước gánh vác sứ mệnh lịch sử, củng cố lòng tin, đoàn kết và hợp tác, trở thành người kế thừa xứng đáng của tình hữu nghị truyền thống. Hãy mang sức sống, trí tuệ của tuổi trẻ để góp phần xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam có ý nghĩa chiến lược”.
Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung, ông Nguyễn Vinh Quang, trong bài phát biểu đầy cảm xúc, đã chia sẻ rằng cả cuộc đời ông gắn bó với hai sự nghiệp lớn đó là kháng chiến chống Mỹ cứu nước và vun đắp tình hữu nghị Việt - Trung.
Với tư cách là người từng chứng kiến nhiều cuộc gặp gỡ lịch sử của lãnh đạo cấp cao hai nước, ông khẳng định: “Năm 1999, trước thềm thế kỷ XXI, lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã xác lập phương châm 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Trong đó, điều cần nhấn mạnh chính là “hướng tới tương lai” - tức là hướng tới thế hệ trẻ mai sau. Tương lai thuộc về các bạn. Các bạn phải nhận thức sâu sắc được ý nghĩa chiến lược của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt - Trung, phải đem sức trẻ cống hiến cho cộng đồng tương lai chung giữa hai nước”.
Thanh niên nói gì: Giao lưu, kết nối để gìn giữ và lan tỏa

Không chỉ lắng nghe, thanh niên hai nước đã chủ động bày tỏ tiếng nói, khát vọng và trách nhiệm của mình với hòa bình và hữu nghị. ThS Dương Đức Tâm, giảng viên tiếng Trung, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội và là nhà sáng tạo nội dung chia sẻ: “Ngôn ngữ là nhịp cầu vượt qua ranh giới quốc gia, nội dung là sợi dây gắn kết con người. Khi chúng ta, những người trẻ biết kể chuyện, lan tỏa văn hóa của nhau, thì tình hữu nghị Việt - Trung sẽ không chỉ được kế thừa, mà còn được tái hiện sống động trong nhịp sống hiện đại, mở ra tương lai chung tươi sáng. Là một giảng viên tiếng Trung, tôi luôn tự hỏi: Mình phải làm gì để đóng góp vào việc gìn giữ, phát triển tình hữu nghị Việt - Trung? Và câu trả lời là: Sự kết nối”.
Anh khẳng định sẽ tiếp tục cống hiến trong lĩnh vực giáo dục, truyền thông, “thắp sáng kết nối” giữa thanh niên hai nước bằng ngôn ngữ, văn hóa và hành động thực tiễn.

Trong khi đó, sinh viên Trung Quốc La Dĩnh xúc động chia sẻ về một sinh viên Việt Nam kể chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Trung ngay tại trường đại học ở Bắc Kinh: “Tôi rất ấn tượng. Một người Việt kể chuyện về lãnh tụ của đất nước mình bằng tiếng Trung cho người Trung Quốc nghe là điều không dễ. Điều đó thể hiện một sự kết nối sâu sắc. Tôi cũng mong muốn mình có thể trở thành một người như thế”.
Kết thúc diễn đàn, thanh niên hai nước đã cùng nhau ra tuyên bố sáng kiến chung, trong đó khẳng định: Thanh niên là người kế thừa văn hóa “đỏ” - ký ức lịch sử chung của hai dân tộc; Sử dụng văn hóa, hành động để lan tỏa giá trị tinh thần của cách mạng và độc lập dân tộc; Tích cực kết nối và giao lưu trong các lĩnh vực du lịch, giáo dục, khoa học - công nghệ; Trở thành lực lượng nòng cốt trong việc thúc đẩy hợp tác thực chất giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cũng trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra các hoạt động phong phú như tọa đàm bàn tròn thanh niên, chương trình giao lưu văn nghệ, để tình bạn và hợp tác giữa thanh niên hai nước tiếp tục được bồi đắp bằng cả tri thức, cảm xúc và sự chân thành.