Nhiều nước siết chặt quy định nhập cảnh
VHO- Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại châu Âu tăng mạnh, đặc biệt, biến thể mới virus SARS-COV-2 tại Anh đã lây lan nhanh chóng trên khắp châu lục khiến tình hình khó kiểm soát.
Lệnh cấm nhập cảnh vào Saudi Arabia có hiệu lực từ 21h ngày 3.2 Ảnh: SAUDI GAZETTE
Trước tình hình đó, nhiều nước đã đưa ra những quy định mới về siết chặt quy định nhập cảnh.
Áp đặt những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn
Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định siết chặt các quy định nhập cảnh đối với du khách ngoài khối. Theo đó, chỉ những người đến từ các quốc gia có rất ít ca mắc Covid-19 và gần như không có ca mắc các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mới được vào khối này mà không phải tuân thủ các quy định phòng dịch nghiêm ngặt.
Trao đổi với Reuters, một nhà ngoại giao EU cho biết tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ), các đại sứ của các nước thuộc liên minh EU đã nhất trí triển khai biện pháp siết chặt mới đối với du khách nhập cảnh từ các nước ngoài EU, trong đó có Anh. Nhóm đối tượng được phép nhập cảnh là những người đến từ các quốc gia ghi nhận tỷ lệ không quá 25 ca mắc Covid-19 trên 100.000 người trong 14 ngày, đây là tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn tất cả các nước EU. Trong khi đó, các biện pháp hạn chế đi lại cần được nhanh chóng tái áp đặt đối với những nước có tỷ lệ mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cao.
Trước đó, nhiều nước đã tiếp tục gia hạn lệnh cấm nhập cảnh. Cụ thể, Saudi Arabia đã công bố lệnh cấm nhập cảnh vào nước này đối với công dân từ UAE, Ai Cập, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italia, Ireland, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Brazil, Argentina, Nam Phi, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan và Nhật Bản nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, có hiệu lực từ 21h ngày 3.2, ngoại trừ nhân viên ngoại giao, nhân viên y tế và thành viên trong gia đình. Lệnh cấm trên được đưa ra trong bối cảnh số trường hợp mắc Covid-19 liên quan đến các biến thể của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện tại Anh, Nam Phi và Brazil gia tăng và dấy lên lo ngại rằng, các loại vắcxin Covid-19 đang được phát triển trên toàn thế giới có thể kém hiệu quả hơn đối với những biến chủng mới này.
Chính phủ Argentina thông báo tiếp tục cấm du khách nước ngoài nhập cảnh cho đến ngày 28.2 trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Hãng thông tấn nhà nước Telam cho biết quyết định gia hạn lệnh cấm nhập cảnh được đưa ra sau khi Bộ Y tế nước này khuyến nghị duy trì và áp dụng các biện pháp phòng ngừa mới để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Theo thông báo của Chính phủ, Tổng cục Di trú quốc gia (DNM) sẽ hỗ trợ xác định các bước đi cần thiết để các công dân, cư dân nước ngoài và người nước ngoài không cư trú là người thân của công dân hoặc cư dân Argentina được nhập cảnh vào nước này.
Các quan chức y tế thế giới cảnh báo rằng, việc áp đặt những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn là điều cần thiết để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 nếu người dân tiếp tục phản đối các quy định về giãn cách xã hội và lệnh cấm tụ tập đông người.
Nhanh chóng thông qua dự luật sửa đổi
Bên cạnh việc siết chặt lệnh cấm nhập cảnh, một số quốc gia đã và sẽ thông qua các dự luật chống dịch. Mới đây, Quốc hội Nhật Bản đã chính thức thông qua các dự luật quy định hình phạt đối với các tổ chức và cá nhân không tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch. Dự luật sửa đổi Luật về các biện pháp đặc biệt để chống dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác sẽ cho phép chính quyền các địa phương thực hiện các biện pháp quyết liệt trong tình huống chưa cần ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh. Cụ thể, thống đốc các tỉnh, thành sẽ được phép yêu cầu các nhà hàng, quán bar rút ngắn thời gian hoạt động. Chủ nhà hàng, quán bar không hợp tác với chính quyền sẽ bị phạt tới 200.000 yen (tương đương với 45 triệu đồng); phạt tiền tới hơn 100 triệu đồng đối với những bệnh nhân Covid-19 từ chối nhập viện và 65 triệu đồng đối với những người không tham gia các cuộc điều tra dịch tễ của các cơ quan y tế.
Chính phủ Đức đã xây dựng bản dự thảo trình Quốc hội Đức xem xét tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia có tên gọi “Tình hình dịch bệnh phạm vi cả nước” cho tới cuối tháng 6. Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 sẽ chưa kết thúc vào cuối tháng 3, vì vậy để tiếp tục đảm bảo các khoản hỗ trợ tài chính cũng như các quy định linh hoạt về chăm sóc sức khỏe và y tế, cần phải tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp để đảm bảo tính pháp lý.
HOÀNG ANH