Nghệ thuật nấu rượu Sake được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

NGHIÊM THANH

VHO - Vào 4.12 (giờ địa phương) tại Thủ đô Asunción, Cộng hòa Paraguay, các thành viên của ủy ban UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa nhân loại đã bỏ phiếu công nhận 45 tập quán và sản phẩm văn hóa trên khắp thế giới vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong đó có Nghệ thuật nấu rượu Sake truyền thống của Nhật Bản. Di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam cũng được ghi danh trong dịp này.

Nghệ thuật nấu rượu Sake được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - ảnh 1
Đoàn Nhật Bản vui mừng khi Nghệ thuật nấu rượu Sake được ghi danh. Ảnh: AP

Rượu sake có lẽ mang đậm chất Nhật Bản hơn cả món sushi nổi tiếng thế giới. Rượu sake được ủ trong những nhà kho trên đỉnh núi có niên đại hàng thế kỷ, được thưởng thức tại các quán izakaya (quán rượu phong cách Nhật Bản), được rót trong các đám cưới và được phục vụ khi ướp lạnh để chúc mừng vào các dịp đặc biệt. Tuy nhiên, nhu cầu về đồ uống này trong nước đã giảm mặc dù nhu cầu quốc tế ngày càng tăng.

Loại rượu này được làm trong nhiều tuần bằng cách lên men hỗn hợp gạo, nước, men và một loại nấm mốc nhiều màu gọi là koji, trong một quá trình giống với quá trình làm bia hơn là rượu. Thành phẩm cuối cùng có thể được phục vụ nóng, lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng.

Với việc Quy trình nấu rượu Sake của Nhật Bản được ghi danh, những nhà sản xuất rượu sake kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu rượu và khơi dậy lại niềm đam mê với loại rượu gạo truyền thống có từ nhiều thế kỷ trước nhưng đã không còn được ưa chuộng ở trong nước. Các đại diện Nhật Bản tại cuộc họp của UNESCO ở Paraguay đã ăn mừng sự kiện này bằng cách nâng ly và nếm thử một chút rượu sake.

Đại diện thường trực của Nhật Bản tại UNESCO, ông Takehiro Kano chia sẻ cảm xúc: "Chúng tôi rất vui mừng. Việc được công nhận trên trường quốc tế thông qua cơ chế này sẽ khơi dậy sự quan tâm của người dân Nhật Bản trong lĩnh vực này và có thể tạo thêm động lực để truyền đạt những kỹ năng và bí quyết này cho thế hệ tiếp theo."

Theo Đoàn đại biểu Nhật Bản, sự công nhận của UNESCO không chỉ ghi nhận kiến thức thủ công về việc làm rượu sake chất lượng cao. Nó còn tôn vinh một truyền thống văn hóa đã có từ khoảng 1.000 năm trước.

Không giống như Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, trong đó bao gồm các địa điểm được coi là quan trọng đối với nhân loại như Kim tự tháp Giza ở Ai Cập, danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể chỉ nêu tên các sản phẩm và tập quán của các nền văn hóa khác nhau xứng đáng được công nhận. Các sản phẩm và tập quán được ghi danh ngày hôm qua bao gồm pho mát trắng Brazil, bánh mì sắn Caribe và xà phòng dầu ô liu Palestine, văn hóa rượu táo Asturian ở Tây Ban Nha, việc sản xuất thùng gỗ khổng lồ ở Guatemala...

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc