Ngành Điện ảnh quốc tế phản ứng với lời đe dọa “bom tấn” về thuế quan của Tổng thống Trump

NGHIÊM THANH

VHO - Ngành Công nghiệp điện ảnh quốc tế đang phản ứng nhanh chóng trước tin tức Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc áp thuế 100% đối với tất cả các bộ phim được sản xuất bên ngoài Mỹ.

Ngành Điện ảnh quốc tế phản ứng với lời đe dọa “bom tấn” về thuế quan của Tổng thống Trump - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 100% đối với tất cả các bộ phim được sản xuất bên ngoài Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong tuyên bố gây tranh cãi hôm 4.5, ông Trump cho rằng Hollywood đang “chết dần” vì các ưu đãi thuế ở nước ngoài, và cáo buộc các quốc gia khác đã "đánh cắp" ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ.

Ông đã chỉ thị Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại Mỹ xây dựng biểu thuế nhằm phục hồi “thời kỳ hoàng kim” của Hollywood. Trên mạng xã hội Truth Social, ông gọi việc sản xuất phim ở nước ngoài là “mối đe dọa an ninh quốc gia”.

Ngành điện ảnh Anh chao đảo

Sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế mạnh lên phim sản xuất ngoài nước Mỹ, ngành điện ảnh Anh đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” nếu Chính phủ không hành động kịp thời, theo Guardian.

Các Bộ trưởng Anh đang đối mặt áp lực gia tăng từ ngành điện ảnh trong nước, sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 100% đối với các bộ phim sản xuất ngoài nước Mỹ.

Ngành Điện ảnh quốc tế phản ứng với lời đe dọa “bom tấn” về thuế quan của Tổng thống Trump - ảnh 2
Pinewood Studios của Anh đã được sử dụng để quay loạt phim Star Wars. Ảnh: Teri Pengilley/The Guardian

Giới chuyên gia cảnh báo biện pháp này có thể giáng một đòn nặng nề vào ngành công nghiệp phim ảnh trị giá hàng tỉ bảng của Vương quốc Anh.

Philippa Childs, lãnh đạo Liên đoàn Công nghiệp sáng tạo Bectu, cảnh báo: “Thuế quan như vậy sẽ là cú sốc lớn cho một ngành mới chỉ vừa hồi phục sau đại dịch Covid -19 và suy thoái. Hàng chục nghìn người làm nghề tự do có thể bị ảnh hưởng nặng.”

Một nguồn tin cấp cao trong ngành cho biết lời đe dọa thuế nếu thành hiện thực “có thể xóa sổ toàn bộ ngành phim ảnh Anh”. Anh hiện là địa điểm sản xuất của nhiều bom tấn Hollywood, từ loạt phim Star Wars tới Mission: ImpossibleBarbie.

Chi tiêu cho phim truyện quốc tế tại Anh năm ngoái đạt 1,9 tỉ bảng, trong khi sản xuất truyền hình cao cấp thu hút thêm 2,8 tỉ bảng – phần lớn đến từ Mỹ. Đầu tư của Hollywood vào Anh tăng tới 83% trong cùng kỳ.

Bà Caroline Dinenage, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Truyền thông, Thể thao Anh nói lời cảnh báo của Trump khiến mối lo ngành Điện ảnh Anh “ngủ quên trên chiến thắng” trở thành hiện thực rõ ràng. Bà kêu gọi Chính phủ Thủ tướng Keir Starmer phải đưa vấn đề này vào đàm phán thương mại với Mỹ ngay lập tức.

Trong khi đó, chính phủ Anh giữ lập trường thận trọng. Người Phát ngôn Chính phủ cho biết: “Các cuộc đàm phán về thỏa thuận kinh tế giữa Hoa Kỳ và Anh vẫn đang diễn ra, nhưng chúng tôi sẽ không cung cấp bình luận chi tiết về các cuộc thảo luận trực tiếp hoặc đặt ra bất kỳ mốc thời gian nào vì điều đó không vì lợi ích quốc gia.”

Đồng thời nói thêm rằng chính phủ sẽ tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận bình tĩnh và ổn định trong các cuộc đàm phán với Mỹ, với mục tiêu tìm ra giải pháp nhằm giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.

Sự phản đối và quan điểm từ giới chuyên gia

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ông Trump đang theo đuổi một “ảo tưởng lãng mạn” về việc khôi phục Hollywood thời xưa.

Stephen Galloway, cựu Tổng Biên tập Hollywood Reporter nói: “Bạn không thể quay ngược thời gian. Các khoản miễn thuế ở nước ngoài và đồng đô la mạnh khiến sản xuất ở nước ngoài sẽ có lợi hơn.”

Theo tờ Los Angeles Times, giám đốc điều hành của các hãng phim cũng bị bất ngờ. Nhiều nhà làm phim muốn làm việc tại Mỹ nhưng mong muốn Chính phủ thiết lập khoản tín dụng thuế quốc gia của riêng mình.

Nhiều người cho rằng thuế quan sẽ đẩy nhanh sự sụp đổ của ngành công nghiệp phim ảnh hơn là ngăn chặn nó, vì chúng sẽ làm tăng chi phí. Thêm vào đó, vẫn chưa rõ thuế quan đối với phim ảnh thực sự sẽ hoạt động như thế nào.

Còn tờ Screen Daily cho biết, CEO của một nhà phân phối điện ảnh hàng đầu châu Âu nhận định những người sẽ phải chịu thiệt hại nhiều nhất chính là khán giả phim nghệ thuật Mỹ, và đó sẽ là một mất mát về mặt văn hóa mà không tạo ra thêm công việc ở Hollywood.

"Hiện tại vẫn chưa rõ cách thức áp dụng, liệu các loại thuế này có được tính từ MG/ngân sách của bộ phim hay một thứ gì đó hoàn toàn khác không. Hiện tại, nó vẫn “chỉ” là một mối đe dọa”, người này cho hay.

Một nhà sản xuất phim độc lập người Anh, hiện đang quay một bộ phim ban đầu dự định thực hiện tại Mỹ nhưng sau đó đã chuyển sang Vương quốc Anh vì chi phí quá cao, nhận định: “Ý tưởng mới của ông Trump sẽ không làm giảm chi phí sản xuất phim tại Mỹ, vì vậy nó không giải quyết được vấn đề thực tế.”

Người này lập luận rằng thay vì áp thuế, Mỹ nên cân nhắc chính sách hỗ trợ ngành giống như Vương quốc Anh: “Với mỗi bảng Anh ưu đãi thuế, nước Anh thu về hơn 7 bảng Anh giá trị gia tăng. Ông ấy (Tổng thống Trump) nên cân nhắc áp dụng các ưu đãi tương tự để vừa thúc đẩy ngành Điện ảnh, vừa hỗ trợ nền kinh tế Mỹ.”

Còn nhà sản xuất phim và nhà phê bình nổi tiếng Trung Quốc Đàm Phi cảnh báo trên tờ Global Times rằng nếu các thị trường nước ngoài đáp trả bằng biện pháp tương tự, hậu quả đối với Hollywood có thể sẽ vô cùng thảm khốc.

Nhiều bộ phim Hollywood hiện được sản xuất ở nước ngoài và dựa vào các mối hợp tác toàn cầu, trong khi phần lớn doanh thu phòng vé lại đến từ thị trường quốc tế. 

Ông cho biết: "Chính sách thuế quan này khó có thể mang lại bất kỳ sự bảo vệ thực sự nào cho Hollywood".

Ngành Điện ảnh quốc tế phản ứng với lời đe dọa “bom tấn” về thuế quan của Tổng thống Trump - ảnh 3
Bộ phim Nhiệm vụ bất khả thi 8 sắp ra mắt được quay tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Paramount

Phản ứng từ các quốc gia khác

Việc áp thuế đối với các bộ phim sản xuất ngoài nước Mỹ sẽ có những tác động sâu rộng không chỉ đối với ngành điện ảnh Hollywood mà còn đối với các quốc gia khác có ngành công nghiệp phim ảnh phát triển.

Theo tờ Guardian, Bộ trưởng Nội vụ Australia Tony Burke cho biết ông đã trao đổi với người đứng đầu cơ quan chính phủ Screen Australia về mức thuế được đề xuất.

"Không ai nên nghi ngờ rằng chúng tôi sẽ bảo vệ quyền lợi của ngành công nghiệp điện ảnh Úc một cách rõ ràng", ông nói trong một tuyên bố.

Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon phát biểu tại một cuộc họp báo rằng Chính phủ đang chờ đợi thêm thông tin chi tiết về mức thuế được đề xuất.

"Chúng tôi sẽ phải xem chi tiết về những gì thực sự xuất hiện cuối cùng. Nhưng rõ ràng chúng tôi sẽ là người ủng hộ tuyệt vời, người bảo vệ tuyệt đối cho ngành công nghiệp điện ảnh của chúng tôi", ông nói.

Tại Hungary, nơi hiện đang tổ chức quay bộ phim Billion Dollar Spy của Walden Media và Weed Road Pictures sản xuất, phản ứng ban đầu khá lạc quan.

Csaba Káel, Uỷ viên chính phủ phụ trách phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Hungary, chia sẻ với Screen Daily"Các trường quay phim của Hungary hiện đang hoạt động hết công suất với cả các dự án sản xuất trong nước và quốc tế."

Ông nhận định rằng: "Việc xây dựng và thực hiện các mức thuế bảo hộ tiềm năng của Hoa Kỳ có thể tác động đến ngành công nghiệp phim ảnh Hungary, nhưng dự kiến sẽ là một quá trình dài."

Trong thời gian chờ đợi, Hungary sẽ tiếp tục tham gia thảo luận với các đối tác quốc tế trên nhiều châu lục để khám phá thêm các cơ hội hợp tác và đồng sản xuất có lợi cho các bên liên quan trong ngành phim ảnh.

Còn tại Tây Ban Nha, một trong những địa điểm bận rộn nhất đối với ngành công nghiệp phim ảnh quốc tế, chính phủ nước này cũng theo dõi sát tình hình.

Tổng đầu tư vào Tây Ban Nha từ các sản phẩm phim và truyền hình quốc tế đạt 1,4 tỷ USD (1,3 tỷ euro) trong giai đoạn 2019–2022, tạo ra 1,9 tỷ USD (1,8 tỷ euro) giá trị gia tăng gộp.

Theo hãng thông tấn Tây Ban Nha EFE, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Ernest Urtasun sẽ gặp gỡ các chuyên gia trong ngành vào ngày 7.5 để phân tích tình hình và đưa ra phương án hành động cụ thể.

Các cuộc đàm phán và phản ứng quốc tế vẫn đang tiếp diễn, và kết quả cuối cùng sẽ quyết định hướng đi của ngành công nghiệp phim ảnh trong những năm tới.