Nét văn hóa độc đáo ở Nhật Bản: Những chiếc ô trong suốt

VHO- Theo khảo sát của Weather News, hầu như mỗi người dân Nhật đều sở hữu một chiếc ô trong suốt, cán dài. Câu chuyện về những chiếc ô độc đáo ở “đất nước Mặt trời mọc” mang một nét rất đặc trưng, đã trở thành biểu tượng văn hóa mới của quốc gia này.

Nét văn hóa độc đáo ở Nhật Bản: Những chiếc ô trong suốt - Anh 1

Hình ảnh người dân cầm chiếc ô trong suốt, hối hả về nhà sau giờ tan tầm rất quen thuộc ở Nhật Bản

Nhật Bản có lượng mưa dồi dào, 1/3 số ngày trong năm đều có mưa. Vì vậy, lượng tiêu thụ ô dù của nước này rất lớn. Đầu tháng 6.2022, Công ty dịch vụ khí tượng chuyên nghiệp Nhật Bản Weather News đã công bố số liệu của một cuộc khảo sát thú vị. Kết quả cho thấy, mỗi người Nhật bình quân sở hữu 4,2 chiếc ô; trong đó, người dân tỉnh Nara sở hữu 5,6 chiếc (đứng đầu toàn quốc), tiếp theo Kanagawa với 5 chiếc, Tokyo với 4,9 chiếc và Osaka với 4,8 chiếc...

Điều đặc biệt là người Nhật vô cùng yêu thích những chiếc ô trong suốt và trung bình mỗi người có 1,6 chiếc theo kiểu này. Ô nhựa trong suốt ra đời ở Nhật Bản vào năm 1955, do một người đàn ông mang họ Sudou, chủ một cửa hàng bán lẻ và là tiền thân của công ty White Rose ngày nay sáng chế ra. Nó được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản từ năm 1964, khi quốc gia này đăng cai tổ chức Thế vận hội Tokyo. Mẫu mã đẹp, giá thành rẻ, ô nhựa trong suốt cũng được yêu thích và trở nên phổ biến ở Mỹ vào cùng thời gian đó. Ngày nay, ô trong suốt đã có mặt trên khắp thế giới, còn ở chính quê hương của nó thì không ai là không có ít nhất một chiếc cho riêng mình.

Theo kết quả khảo sát của Weather News, khi được hỏi về lý do và mục đích sở hữu những chiếc ô nhựa trong suốt, câu trả lời nhận được nhiều nhất là: “Vì trời hay đổ mưa đột ngột nên mua”; “Để khách hàng sử dụng”; “Vì trong suốt nên không bị chắn tầm nhìn”...

Ở vùng đất mưa nhiều như Nhật Bản, tần suất sử dụng ô dù là rất cao, đồng thời tỷ lệ… thất lạc cũng cao không kém. Theo thống kê, một phụ nữ Nhật Bản bình quân làm mất 3 chiếc ô, nam giới thì nhiều hơn với 6 chiếc mỗi năm. Và để ứng phó với những cơn mưa bất ngờ, lựa chọn nhanh nhất là vào cửa hàng tiện lợi hoặc tạp hóa gần đó để mua ngay một chiếc ô. Chính vì thế, ô trong suốt giá rẻ là lựa chọn phù hợp. Chỉ với 300 - 500 yên (khoảng 52 - 87 nghìn đồng) là đã có thể mua được chiếc ô che mưa vừa đẹp vừa rẻ, cầm lại nhẹ tay. Ngoài ra, các trung tâm thương mại và khách sạn ở Nhật Bản cũng cung cấp ô che mưa cho khách và không cần phải hoàn trả, vì thế, loại ô này càng được sử dụng rộng rãi hơn.

Nét văn hóa độc đáo ở Nhật Bản: Những chiếc ô trong suốt - Anh 2

Những chiếc ô móc gọn ghẽ bên ngoài một tòa văn phòng

Cũng vì hầu như người nào cũng có một chiếc ô trong suốt giống nhau, nên để không cầm nhầm, nhiều người đã thêm một vài ký hiệu lên mặt ô. Có người ký tên, có người thì vẽ tranh, có người gắn sticker hoặc thậm chí còn ghi những dòng thơ, hoặc câu nói tâm đắc, khiến chiếc ô “quốc dân” này trở thành sản phẩm độc nhất vô nhị thuộc về riêng mình.

Nhưng tại sao phải là cán dài mà không là ô xếp có cán rút tiện lợi? Nếu để ý người Nhật vào trạm tàu điện ngày mưa, bạn sẽ phát hiện những chiếc ô trong suốt được buộc chặt gọn ghẽ. Người Nhật rất chú trọng lễ nghi, ý tứ nơi công cộng, mà ô cán dài sau khi đóng lại thì nước mưa sẽ chảy dọc trực tiếp xuống sàn, chứ không bắn ra tứ phía rồi văng vào người khác như ô có cán rút. Hơn nữa, ô cán dài có thiết kế chắc chắn, cản gió tốt hơn, không dễ bị méo xương hay lật vải. Điều này thích hợp với phong cách người Nhật chấp nhận đội mưa để “chạy deadline”. Do đó, ô trong suốt cán dài được dùng phổ biến ở Nhật Bản là điều hoàn toàn dễ hiểu. Một nguyên nhân khác khiến người người đều yêu thích nữa là nó không cản trở tầm nhìn, vừa an toàn vừa bảo đảm lễ nghĩa, phép tắc khi nhận ra người quen trên đường, đồng thời dễ dàng nhìn thấy người đang đi bên cạnh để tránh không va quệt vào nhau.

CEO thế hệ gia tộc Sudou thứ 10 của công ty White Rose từng nói: “Chỉ khi cầm chiếc ô trong suốt, cán dài trên tay, ta mới hòa mình vào mùa mưa một cách đúng nghĩa. Nó có thể là bước chân đầu tiên để bạn tiến vào nền văn hóa Nhật Bản”. 

 CHI MAI

Ý kiến bạn đọc