Mỹ Latinh và Caribê: “Vùng trũng” tử vong vì Covid-19 của thế giới
VHO- Theo thống kê của Reuters, trung bình đến thời điểm này của tháng 5, khoảng 31% số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu được ghi nhận ở Mỹ Latinh và Caribê, khu vực chỉ chiếm 8,4% dân số thế giới.
Tỉ lệ tử vong vì Covid-19 tại khu vực Mỹ Latinh và Caribê cao nhất thế giới Ảnh: REUTERS
Điều đó cho thấy, “cơn bão” chết chóc Covid-19 đang càn quét ác liệt nhất tại khu vực vốn bị “hụt hơi” trong chiến dịch tiêm chủng vắcxin.
Thời điểm tồi tệ nhất
Đến nay, số người chết vì Covid-19 ở Mỹ Latinh và Caribê đã vượt mốc 1 triệu người, trong đó, gần 89% số ca tử vong này tập trung ở 5 quốc gia: Brazil (44,3%), Mexico (22,1%), Colombia (8,3%), Argentina (7,3%) và Peru (6,7%). Đây cũng là khu vực có tỉ lệ tử vong bình quân đầu người cao nhất thế giới. Từ khu vực núi cao ở Bolivia tới đô thị Sao Paulo ở Brazil, các hệ thống y tế đều trong tình trạng quá tải bệnh nhân Covid-19. Tại Brazil, quốc gia có nhiều ca tử vong nhất khu vực và chỉ xếp thứ 2 thế giới sau Mỹ, nhiều cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 của nước này đang rơi vào tình trạng thiếu thốn thuốc men và vật tư y tế cần thiết. Còn tại Peru, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch, các ca bệnh tử vong do Covid-19 nằm la liệt tại các dãy hành lang đông đúc ở thủ đô Lima. Các đơn vị chăm sóc đặc biệt của nước này cũng đang có nguy cơ “vỡ trận” với 95% số giường đã có bệnh nhân. Số lượng người chết tăng nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn, khiến nhiều cơ sở an táng buộc phải mở rộng nghĩa trang để lấy chỗ chôn nạn nhân Covid-19.
Theo Tổng thống Argentina, Alberto Fernandez, quốc gia này đang phải đối mặt với “thời điểm tồi tệ nhất” của đại dịch Covid-19. Và để ngăn chặn chuỗi lây lan của đại dịch, Argentina đã áp đặt lệnh phong tỏa trên cả nước trong vòng 9 ngày kể từ ngày 22.5. Trong khi đó, Chính phủ Colombia cũng đã quyết định ngừng cấp thị thực đến hết tháng 6 cho người nước ngoài đã ở Ấn Độ trong 14 ngày gần nhất, nhằm giảm thiểu sự lây lan của các biến thể virus SARS-CoV-2. Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) đánh giá, khu vực Mỹ Latinh đang thiếu nghiêm trọng các vật tư y tế cần thiết trong cuộc chiến chống Covid-19.
Nỗ lực tìm kiếm nguồn cung vắcxin
Khi nói về tình hình Covid-19 tại Mỹ Latinh và Caribê, các chuyên gia y tế cho rằng, đại dịch lây lan rộng đã khiến nhiều chính phủ tại khu vực bị bất ngờ trong việc ứng phó. Đồng thời, nhiều nhà lãnh đạo trong khu vực này cũng đã xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và không thương lượng mua được vắcxin sớm, khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn. Tiến sĩ Francisco Moreno Sanchez, người đứng đầu chương trình Covid-19 tại một bệnh viện lớn của Mexico thừa nhận: “Thay vì chuẩn bị đối phó đại dịch, khu vực chúng tôi lại xem nhẹ căn bệnh, cho rằng cái nóng của thời tiết sẽ vô hiệu hóa mầm bệnh. Thật không may, chúng tôi trở thành khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi các biện pháp chống dịch hầu như đều sai lầm”.
Thực tế, khu vực Mỹ Latinh mới chỉ hoàn tất tiêm chủng cho 3% dân số. Để bước ra khỏi “thảm họa” chết chóc vì dịch bệnh, các nước trong khu vực này đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung vắcxin để thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng. Ngày 25.5, các Tổng thống của 6 quốc gia Mỹ Latinh và Caribê đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy tiếp cận công bằng với vắcxin ngừa Covid-19, đồng thời đề nghị những quốc gia có nhiều vắcxin nhất chia sẻ nguồn sẵn có cho khu vực này. Các nhà lãnh đạo trên cũng nhấn mạnh rằng: “Sẽ không có ai được an toàn cho đến khi tất cả chúng ta đều an toàn. Chỉ có thể đối phó và phục hồi sau đại dịch khi vắcxin ngừa Covid-19 đến tay tất cả các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trên khắp thế giới”.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vắcxin ngừa Covid-19 tại Mỹ Latinh và Caribê, giám đốc PAHO Carissa Etienne đã kêu gọi người dân khu vực này tiếp tục tuân thủ các biện pháp y tế phòng dịch Covid-19, bao gồm sử dụng khẩu trang đúng cách, giữ khoảng cách, vệ sinh tay..., đồng thời khuyến nghị người dân tham gia tiêm phòng vắcxin ngay khi có thể.
HẢI MINH