Mỹ “gặp khó” trong khôi phục việc làm
VHO- Trong khi các doanh nghiệp Mỹ đang lên phương án tái hoạt động sau hơn 1 năm gián đoạn vì dịch bệnh, thì một lượng lớn người lao động tại nền kinh tế hàng đầu thế giới này lại chưa sẵn sàng quay trở lại làm việc.
Nhiều lao động tại Mỹ chưa muốn quay trở lại làm việc Ảnh: BLOOMBERG
Có vẻ như những lo ngại về rủi ro sức khỏe do đại dịch, cùng các khoản hỗ trợ “hào phóng” từ chính phủ đã khiến quá trình khôi phục việc làm tại Mỹ trở nên gian nan hơn.
Không mặn mà tìm việc làm
Theo công bố về tình hình việc làm ở Mỹ trong tháng 4 vừa qua, mới chỉ có 266.000 vị trí việc làm được khôi phục, con số rất khiêm tốn so với mức dự kiến phục hồi được 1 triệu việc làm. Trước đó, một cuộc khảo sát của Liên đoàn Kinh doanh Độc lập Quốc gia Mỹ (NFIB) cũng chỉ ra, có 42% doanh nghiệp nhỏ không thể tuyển dụng đủ lao động. Tình trạng người lao động chần chừ quay trở lại công việc đang làm chậm chạp xu thế phục hồi các hoạt động kinh doanh, dịch vụ của Mỹ.
Lý giải về nguyên nhân của tình trạng “thờ ơ” với công việc tại Mỹ, các chuyên gia cho rằng, nhiều người lao động vẫn lo ngại về những rủi ro về sức khỏe, khi dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 700 người mỗi ngày. Thêm nữa, các bậc cha mẹ khó có thể đi làm trong khi trường học và nhà trẻ đóng cửa hoặc rút ngắn giờ học. Bên cạnh đó, đà tăng trên thị trường chứng khoán cũng tạo cơ hội cho một số lao động lớn tuổi nghỉ hưu, còn một số lao động trẻ mong muốn tìm việc làm trong các lĩnh vực mới, dẫn đến giảm nguồn lao động cho nhiều ngành khác... Đặc biệt là việc gia tăng trợ cấp thất nghiệp, cùng các khoản hỗ trợ khác của chính phủ càng khiến người lao động không rốt ráo tìm việc làm.
Chủ một quán bar ở New York cho biết: “Nếu bạn thất nghiệp, chính phủ sẽ cấp cho bạn khoảng 750 USD, còn đi làm ở quán bar như hiện giờ thì sẽ không kiếm được mấy”. Chính thực tế này khiến người lao động cân nhắc khi đi làm trở lại. “Nhiều người đi làm 10 tiếng một ngày, 5 ngày một tuần, vậy mà vẫn chẳng kiếm được là bao. Chúng tôi sẽ không thể sống nổi nếu quay lại làm việc. Tôi thà là mình thất nghiệp, còn hơn quay lại làm việc”, một nhân viên pha chế đồ uống tại New York chia sẻ. Đây cũng là quan ngại chung của nhiều ngành dịch vụ tại Mỹ, khi mà khách du lịch chưa quay trở lại, nguồn thu không đủ để chi trả lương và đãi ngộ với nhân viên, trong khi biên giới còn chưa mở cho lao động nước ngoài.
Giải bài toán thiếu lao động
Đánh giá tình hình việc làm tại Mỹ, giới chuyên gia cho rằng, tình trạng thiếu lao động chỉ là tạm thời. Nhà kinh tế Matthew Luzzetti của Deutsche Bank dự báo, vào tháng 9 các trường học sẽ mở cửa trở lại và một số khoản trợ cấp thất nghiệp giảm, thì tình trạng khan hiếm lao động cũng sẽ giảm bớt. Chung quan điểm này, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Cleveland Loretta Mester cho biết, khi chương trình tiêm chủng mở rộng hơn và nhiều trường học trở lại với phương pháp học trực tiếp, thị trường lao động sẽ trở lại trạng thái cân bằng tốt hơn.
Bên cạnh đó, nhằm hối thúc người lao động quay trở lại làm việc, giữa tháng 5, các bang Iowa, Alabama, Arkansas, Mississippi, Montana và South Carolina đã thông báo cắt khoản trợ cấp bổ sung, mà theo kế hoạch được trả đến hết tháng 9 tới. Thống đốc bang Iowa, Kim Reynolds cho hay, bang này sẽ chấm dứt tham gia tất cả các chương trình trợ cấp thất nghiệp của liên bang liên quan đại dịch Covid-19, bởi đã đến lúc tất cả mọi người đều có thể trở lại làm việc. Trong khi đó, bang Montana cũng đã đưa ra chương trình “tiền thưởng trở lại làm việc”, tức là sẽ cấp 1.200 USD cho những người lao động nhận việc làm và thoát khỏi tình trạng thất nghiệp. Còn tại Mississippi, thống đốc Tate Reeves cho biết, bang đã thảo luận với nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ và nhận thấy các chương trình hỗ trợ đặc biệt là cần thiết trong tháng 5 năm ngoái, nhưng không còn cần thiết trong tháng 5 năm nay.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng đã đưa ra chính sách đãi ngộ như tăng lương, tăng ngày nghỉ để thu hút nhân viên. Tuy nhiên, việc đưa nhân viên quay trở lại công việc cũ vẫn không dễ dàng và có thể sẽ phải mất nhiều tháng nữa thì các doanh nghiệp Mỹ mới có đủ nhân viên làm việc như trước.
HẢI MINH