Mở cửa trở lại cung điện La Mã cổ đại

VHO- Sau 50 năm bị lãng quên, cung điện Domus Tiberiana của Rome (Italia) “thức dậy”, trở thành một bảo tàng ngoài trời và điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của thành phố.

Mở cửa trở lại cung điện La Mã cổ đại - Anh 1

 Cung điện Domus Tiberiana nằm trên đỉnh đồi Palatine Ảnh: COLOSSEUM ROME

Domus Tiberiana là cung điện hoàng gia đầu tiên của Rome, được xây dựng bởi hoàng đế Tiberius sống ở thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, người đã kết hợp và hợp nhất các dinh thự quý tộc có sẵn được xây dựng trên đồi. Chiếm hơn 4 ha, cung điện có các khu nhà ở dọc theo khu vườn rộng lớn, nơi thờ cúng và các phòng dành cho cận vệ Pháp quan của hoàng đế.

Là trung tâm quyền lực và chính trị của Rome, cung điện Domus Tiberiana giữ vị trí đắc địa, phía trên Quảng trường Palatine và Diễn đàn La Mã, mang đến cho những người cư ngụ ở đây một “tầm nhìn từ ban công ra thành phố”. Theo thời gian, Domus đã được các hoàng đế khác tôn tạo và mở rộng, bao gồm cả hoàng đế Nero, người đăng quang khi mới 16 tuổi vào năm 54 sau Công Nguyên. Cung điện hoàng gia vẫn được sử dụng cho đến thế kỷ thứ VII, là nơi ở của giáo hoàng John VII. Vào giữa thế kỷ XVI, gia đình quý tộc Farnese - những chủ đất quyền lực ở địa phương - đã xây dựng khu vườn Orti Farnesiani xa hoa trên khu đất này, trang trí khu vườn bằng những đồ trang trí và tác phẩm điêu khắc về các nữ thần, thần rừng và thần nông. Tuy nhiên qua nhiều năm, địa điểm này rơi vào tình trạng hư hỏng và vào những năm 1970, cung điện Domus Tiberiana đã phải đóng cửa do cấu trúc không ổn định. Giờ đây, sau 6 năm cải tạo, cung điện đã mở cửa trở lại. Những bức bích họa rải rác khắp địa điểm, mang đến cho du khách cái nhìn sâu sắc về vẻ hùng vĩ cổ xưa của cung điện.

Ông Alfonsina Russo, Giám đốc Công viên Khảo cổ Đấu trường La Mã và là nhà khảo cổ học chính trong việc cải tạo cho rằng nhiều cổ vật được bảo quản đặc biệt tốt, đã được khai quật trong dự án. Các hiện vật - những bức bích họa sáng màu, những chiếc vò hai quai, đồ gốm, khung cửi, đất nung và những bức tượng thần thánh liên quan đến các giáo hội của Isis, Dionysius và Mithras - mang đến cho du khách chuyến du hành xuyên thời gian. “Trong số những bức bích họa được trưng bày, có một số bức vẽ về quả chanh được coi là một loại trái cây kỳ lạ ở thời La Mã cổ đại và bức ảnh mô tả một đấu sĩ, chứng tỏ rằng các trò chơi đấu sĩ của thời đại này được giới giàu có đánh giá cao”, Russo giải thích.

Những nỗ lực không ngừng đã được thực hiện để kết hợp giữa cái cũ và cái mới. Một loạt mái vòm màu nâu đỏ đã được xây dựng lại cẩn thận bằng vật liệu giống như người La Mã cổ đại. Chính những điều đó đã khiến nơi này - trước đây là nơi sinh sống của các gia đình quý tộc, sau đó là các hoàng đế La Mã - trở nên sống động trở lại. Có 7 phòng triển lãm với những phát hiện đặc biệt, bắt đầu từ những phòng có từ quá trình xây dựng cung điện ban đầu khi các quý tộc sống trong các biệt thự trước khi hoàng đế Tiberius đưa vào cung điện Domus.

“Cung điện gợi nhớ đến lịch sử. Chúng tôi đã khôi phục cung điện Domus Tiberiana trở lại vẻ huy hoàng trong quá khứ, nhưng còn nhiều việc phải làm ở phía trước”, ông Russo nói. Ông Russo nói thêm rằng, điều khiến cung điện Domus được tân trang trở nên độc đáo là phong cách kiến trúc. Chúng tôi đã cố gắng sử dụng các vật liệu nguyên bản để gia cố, cụ thể là gia cố thủ công mái vòm phía trước cao 15m chạy dọc theo nền lát đá cổ xưa của cung điện. Điều này chắc chắn đã thu hút sự chú ý của công chúng. Theo ông Russo, kể từ khi mở cửa trở lại vào cuối tháng 9, cung điện Domus Tiberiana đã thu hút khoảng 400.000 du khách, một “thành công lớn”, đồng thời nói thêm rằng việc mở lại Domus Tiberiana sẽ mang đến cho du khách một chuyến thăm “gợi cảm” nhất trong nhiều thế hệ.

Nhà khảo cổ học và học giả về La Mã cổ đại Giorgio Franchetti nhận định, khi mở cửa trở lại cung điện Domus Tiberiana, Rome đã “tìm lại được một viên ngọc quý bị quên lãng”. “Đồi Palatine luôn là sân khấu của nền chính trị quyền lực ở Rome. Hoàng đế Tiberius đã chọn điểm đến này để xây dựng cung điện vì đây là nơi ở của gia đình ông. Không có nhiều điểm đến giống như cung điện Domus Tiberiana, vì ở đây bạn có thể tìm thấy hơi thở lịch sử trong quá khứ”, ông Giorgio Franchetti nói. 

 THÁI AN

Ý kiến bạn đọc