Maroc nỗ lực khắc phục hậu quả động đất

VHO- Lực lượng cứu hộ đang đào bới đống đổ nát ở khu vực miền núi xa xôi của Maroc trong nỗ lực tuyệt vọng để tìm kiếm những người sống sót sau khi hơn 2.012 người thiệt mạng và 2.059 người bị thương trong trận động đất mạnh nhất tấn công đất nước này trong hơn một thế kỷ qua. Cung điện Hoàng gia cho biết, Maroc để tang ba ngày.

Maroc nỗ lực khắc phục hậu quả động đất - Anh 1

Người dân nghỉ tạm ở một quảng trường do lo ngại dư chấn sau trận động đất Ảnh: AFP/TTXVN

 Thông báo của Bộ Nội vụ Maroc cho thấy, phần lớn số người thiệt mạng được ghi nhận tại vùng Al Haouz và trong số những người bị thương có hơn 1.400 trường hợp nguy kịch. Ngoài ra, còn nhiều người được xác định vẫn đang bị vùi lấp trong các đống đổ nát. Cơ quan chữ thập đỏ Maroc lo ngại con số thương vong có thể tiếp tục tăng lên trong những giờ tới sau khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được các cộng đồng dân cư bị tàn phá nặng nề nhất nằm sâu trong các khu vực vùng núi hẻo lánh. Các dịch vụ khẩn cấp đã được triển khai đến các khu vực bị động đất, Vua Mohammed VI của Maroc ra lệnh thành lập một Ủy ban cứu trợ để phân phối viện trợ cho những người sống sót.

Bà Fatima, 50 tuổi nói với CNN rằng, ngôi nhà của bà ở ngôi làng miền núi Asni gần tâm chấn trận động đất đã bị phá hủy. Bà Fatima nói: “Tôi chưa kịp ôm bọn trẻ chạy ra ngoài thì thấy nhà mình sụp đổ ngay trước mắt. Nhà hàng xóm cũng bị sập và có 2 người chết dưới đống đổ nát”. Nhân chứng Abdelhak El Amrani, 33 tuổi, ở Marrakesh chia sẻ với AFP: “Chúng tôi thấy chấn động rất dữ dội và tôi nhận ra là đã có động đất. Tôi có thể nhìn thấy các tòa nhà rung chuyển, tất cả mọi người đều bị sốc và hoảng sợ. Trẻ em thì khóc, còn cha mẹ chúng thì rối trí”. Còn nhân chứng Mohammed ở thị trấn Ouirgane gần đó cho biết, tôi và hai con đã thoát ra ngoài an toàn, nhưng 4 thành viên còn lại trong gia đình chưa được tìm thấy. Ông nói: “Hoạt động cứu hộ đang diễn ra. Chúng tôi đang ra đường cùng với chính quyền khi họ cố gắng kéo những nạn nhân ra khỏi đống đổ nát. Rất nhiều người đã được chuyển đến bệnh viện trước mặt tôi. Chúng tôi đang hy vọng vào điều kỳ diệu từ đống đổ nát”.

Công tác cứu hộ với nòng cốt là hàng nghìn binh sĩ và lính cửu hỏa, được tiến hành liên tục xuyên đêm để tìm kiếm những người còn sống sót. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận một số cộng đồng dân cư thuộc khu vực gần tâm chấn động đất, do đường xá bị chia cắt vì đất đá lở. Lực lượng vũ trang Hoàng gia Maroc cảnh báo người dân hết sức thận trọng và thực hiện các biện pháp an toàn do nguy cơ xảy ra những cơn dư chấn tiếp theo. Viện địa chất quốc gia Maroc cũng cảnh báo các dư chấn của động đất có thể kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng mới kết thúc hoàn toàn.

Trong chỉ thị đặc biệt mới đây, Quốc vương Maroc Mohammed VI yêu cầu tập trung mọi nguồn lực và đẩy nhanh công tác cứu hộ, tìm kiếm và hỗ trợ người bị nạn. Quốc vương Mohammed VI cũng yêu cầu thành lập Ủy ban đặc trách công cuộc tái thiết sau động đất, với nhiệm vụ ban đầu xây dựng nhà ở cho những người dân bị mất nhà cửa tại khu vực bị ảnh hưởng. Các nguồn tin tại vùng gần tâm chấn động đất cho biết, hàng nghìn cư dân quyết định tiếp tục ngủ lại ngoài trời do lo sợ dư chấn của động đất có thể khiến các tòa nhà trong khu vực tiếp tục đổ sập.

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã gửi điện chia buồn và bày tỏ tình đoàn kết với người dân và đất nước Maroc. Trong đó, nhiều quốc gia khu vực tuyên bố sẵn sàng gửi các lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp cùng hàng viện trợ nhân đạo tới trợ giúp Maroc khắc phục hậu quả động đất. Trận động đất 7,2 độ đêm 8.9 là trận động đất mạnh nhất xảy ra tại Maroc trong hơn một thế kỷ qua. Theo đánh giá của Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế, công tác khắc phục hậu quả động đất có thể phải kéo dài trong nhiều năm.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết, trận động đất đã làm rung chuyển dãy núi High Atlas của Maroc ngày 8.9. Tâm chấn nằm cách Marrakech khoảng 72 km về phía Tây Nam, thành phố có khoảng 840.000 dân và là một địa điểm du lịch nổi tiếng. Theo phóng viên Benjamin Brown của CNN, người có mặt tại hiện trường cho biết, tại thành phố cổ Marrakech, một di sản thế giới được UNESCO ghi danh, một số cư dân bị thương khi các tòa nhà và tường thành bị hư hại và sụp đổ một phần. Ông nói thêm, một số phần của bức tường đất đỏ lịch sử bao quanh trung tâm thành phố cổ Marrakesh được xây dựng lần đầu tiên vào đầu thế kỷ XII cũng đã sụp đổ. Từng là thành phố hoàng gia có lịch sử gần 1.000 năm, Marrakech có rất nhiều cung điện, nhà thờ Hồi giáo, khu vườn và khu chợ nhộn nhịp thời trung cổ. Các khu lịch sử của nó được bao quanh bởi những bức tường đất đỏ và chứa đầy các tòa nhà được xây dựng bằng đá sa thạch đỏ, khiến thành phố có biệt danh là “thành phố đỏ”. Ngoài nền văn hóa và lịch sử phong phú, Marrakech còn là thành phố lớn thứ tư của Maroc và là trung tâm kinh tế lớn. 

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc