Liệu có thành phố ngầm dưới kim tự tháp Giza?

ĐÔNG MAI

VHO - Một thành phố ngầm khổng lồ được cho là có niên đại hàng chục nghìn năm, lâu đời hơn kim tự tháp Giza. Nếu điều này là sự thật, nó sẽ làm đảo lộn hoàn toàn lịch sử Ai Cập và loài người.

 Liệu có thành phố ngầm dưới kim tự tháp Giza? - ảnh 1
Bản quét chụp các cấu trúc trải dài dọc theo phía Bắc với hình dạng một chiếc nĩa chỉnh âm

 Theo Daily Mail, các nhà nghiên cứu tại Italia vừa công bố phát hiện các công trình ẩn bên dưới kim tự tháp Khafre (thuộc quần thể kim tự tháp Giza) kéo dài 4.000 feet (hơn 1.200m) và có niên đại khoảng 38.000 năm, tức là trước bất kỳ công trình nhân tạo nào được biết đến trước đây hàng chục nghìn năm.

Công trình nghiên cứu do Corrado Malanga từ Đại học Pisa (Italia), Filippo Biondi từ Đại học Strathclyde (Scotland) và nhà Ai Cập học Armando Mei thực hiện.

Để thực hiện nghiên cứu này, nhóm các nhà khoa học đã sử dụng một phương pháp mới để “nhìn” xuống bên dưới kim tự tháp Giza. Họ bắn các xung radar từ hai vệ tinh trên quỹ đạo xuống kim tự tháp và phân tích cách các tín hiệu phản xạ lại.

Sau đó, những tín hiệu này được chuyển thành sóng âm để tạo ra hình ảnh 3D về các cấu trúc ẩn dưới lòng đất, bao gồm 8 giếng sâu có đường kính từ 33 - 39 feet (khoảng 10 - 12m), kéo dài ít nhất 2.130 feet (hơn 600m) bên dưới bề mặt.

Kết quả cho thấy các cấu trúc giống như cầu thang bao quanh mỗi giếng, họ cho rằng có thể là “các điểm tiếp cận hệ thống ngầm này”. Cuối các giếng là những khoang hình chữ nhật khổng lồ, mỗi khoang có kích thước khoảng 260 feet (hơn 79m) mỗi cạnh. Theo các nhà nghiên cứu, mỗi khoang này chứa bốn giếng khác kéo dài từ trên xuống dưới.

Trong cuộc họp báo gần đây, nhóm nghiên cứu tuyên bố đã xác định được một hệ thống nước nằm sâu hơn 2.100 feet (hơn 640m) bên dưới kim tự tháp Khafre, với các lối đi ngầm dẫn sâu hơn vào lòng đất.

Nhóm tin rằng có “một thế giới ẩn giấu với vô số công trình” ở độ sâu hơn 4.000 feet (khoảng 1.200m) bên dưới kim tự tháp. “Khi chúng tôi phóng to hình ảnh trong tương lai, chúng tôi sẽ phát hiện ra rằng bên dưới là một thành phố ngầm thực sự,” Corrado Malanga từ Đại học Pisa tuyên bố.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn dựa trên các văn bản cổ của Ai Cập, mà họ diễn giải là ghi chép lịch sử về một nền văn minh tồn tại trước đây nhưng đã bị hủy diệt trong một sự kiện thảm khốc. Họ đã sử dụng các văn bản cổ để tìm ra các cấu trúc này và xác định niên đại của chúng thuộc về một nền văn minh có từ trước thời Ai Cập cổ đại.

Niccole Ciccolo, phát ngôn viên của dự án cho biết, nhóm cũng dựa vào “Danh sách vua Turin” hay “Hoàng gia thư” - một tài liệu cổ của Ai Cập liệt kê tên của các vị vua, bao gồm cả các vị thần và á thần được cho là đã cai trị Ai Cập trước khi các triều đại đầu tiên được ghi nhận.

Các nhà nghiên cứu tin rằng những vị thần và á thần này thực chất là những vị vua thực sự đã tồn tại từ rất lâu trước các pharaoh đầu tiên trong lịch sử. Cũng theo các nhà nghiên cứu, những văn bản cổ này “cung cấp một loạt các bằng chứng về sự tồn tại của một nền văn minh trước đó” trong khu vực này trước khi xảy ra “một sự kiện thảm khốc”.

Họ cho rằng sự kiện này là giả thuyết về một tiểu hành tinh khổng lồ va vào Trái Đất, gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu và sự tuyệt chủng hàng loạt.

Các nhà khoa học độc lập cho rằng kỹ thuật này là hợp pháp, nhưng kết quả thu được không thể xác minh do cách dữ liệu được trình bày. Giáo sư Lawrence Conyers, chuyên gia radar tại Đại học Denver, người chuyên nghiên cứu khảo cổ học nói với Daily Mail rằng nhóm nghiên cứu sử dụng rất nhiều phần mềm phân tích dữ liệu độc quyền phức tạp.

Ông cũng lưu ý, công nghệ radar hiện nay không thể xuyên sâu đến mức như nhóm nghiên cứu tuyên bố, khiến ý tưởng về một thành phố ngầm khổng lồ trở thành “một sự phóng đại quá mức”.

Tuy nhiên, Giáo sư Conyers cho rằng có thể tồn tại một số công trình nhỏ như giếng hoặc khoang dưới kim tự tháp, vốn có từ trước khi kim tự tháp được xây dựng, vì địa điểm này có thể mang ý nghĩa đặc biệt đối với người xưa.

Ông nhấn mạnh rằng vào thời điểm 38.000 năm trước, con người “chủ yếu sống trong hang động. Phải đến khoảng 9.000 năm trước, con người mới bắt đầu sống trong những gì chúng ta gọi là thành phố”.

Tiến sĩ Hawass, cựu Bộ trưởng Bộ Cổ vật của Ai Cập, nói với tờ The National rằng, toàn bộ nghiên cứu này “hoàn toàn sai” và không có bất kỳ cơ sở khoa học nào. Ông khẳng định: “Tuyên bố về việc sử dụng radar bên trong kim tự tháp là sai và các kỹ thuật được sử dụng không được khoa học công nhận hoặc xác thực”.

Mặc dù phát hiện mới này gây tranh cãi và chưa được kiểm chứng độc lập, nhưng chắc chắn sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý và kích thích các cuộc thảo luận trong cộng đồng khảo cổ học. Nhóm nghiên cứu dự kiến tiếp tục các nghiên cứu và khám phá trong năm nay.