Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng
VHO- Khối tài sản của 26 tỉ phú giàu nhất thế giới được báo cáo lên tới 1,4 nghìn tỉ USD, đương đương với tài sản của khoảng 3,8 tỉ người nghèo trên thế giới.
Warren Buffett, tỉ phú đứng thứ ba trên thế giới với khối tài sản 84 tỉ USD Ảnh: REUTERS
Theo một báo cáo được công bố bởi Oxfam International vừa qua, khối tài sản của các tỉ phú giàu nhất thế giới hiện đạt 1,4 nghìn tỉ USD, tăng gần 2,5 tỉ USD mỗi ngày so với năm 2018. Trong khi đó, tài sản của nhóm lao động nghèo trên thế giới đã giảm 11%. Điều này đồng nghĩa với việc, 26 người giàu nhất trên thế giới hiện đang sở hữu khối tài sản tương đương với 50% dân số nghèo toàn cầu.
26 tỉ phú giàu nhất có khối tài sản tương đương 3,8 tỉ người
Theo bản báo cáo được công bố bởi Forbes và Oxfam, những người giàu nhất trên thế giới bao gồm Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon với khối tài sản 112 tỉ USD; Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft, người sở hữu 90 tỉ USD; Warren Buffett với khối tài sản 84 tỉ USD… Bản danh sách cũng bao gồm nhiều tỉ phú nổi tiếng như Mark Zuckerberg, Bernard Arnault hay Charles Koch.
Báo cáo của Oxfam chỉ ra rằng, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, số lượng tỉ phú đã tăng lên gần gấp đôi, đạt mức kỷ lục 2.208 người vào năm 2019. Khối tài sản của các tỉ phú cũng tăng lên 900 tỉ USD trong năm 2018, trong khi đó, khoảng 3,4 tỉ người trên thế giới vẫn có mức chi tiêu dưới 5,50 USD một ngày. Mỹ cũng là quốc gia có nhiều tỉ phú nhất trên thế giới với những cái tên nổi tiếng nằm trong nhóm 5 người giàu nhất thế giới như Jeff Bezos, Bill Gates, Warren Buffett, Berkshire Hathaway và Mark Zuckerberg. 5 tỉ phú này có tổng giá trị tài sản lên tới 357 tỉ USD.
Theo báo cáo của UNESCO, hằng năm, toàn thế giới có hàng trăm triệu trẻ em thuộc nhóm các gia đình thu nhập thấp không trang trải đủ tiền để đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe hoặc học tập cơ bản. Thế giới cũng có khoảng 5,6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết mỗi năm do không có đủ bệnh viện để đảm bảo quá trình chăm sóc sau sinh nở, dẫn đến các bệnh về nhiễm trùng đường hô hấp hoặc sốt rét.
Theo nghiên cứu được công bố trong Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên tại Davos, Thụy Sỹ, điều này làm dấy lên nỗi lo ngại về khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Nghiên cứu này cho thấy, 1% giá trị tài sản ròng của các tỉ phú mỗi năm sẽ lên tới khoảng 91 tỉ USD, một khoản tiền được cho là có thể đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho trẻ em nghèo. Bởi, theo báo cáo của UNESCO, ước tính khoảng cách tài chính toàn cầu dành cho giáo dục là 39 tỉ USD mỗi năm và con số này cho đầu tư y tế là 20 – 54 tỉ USD mỗi năm.
Hệ thống thuế quan chưa công bằng và bất bình đẳng giới
Để trả lời cho câu hỏi về khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng trong 10 năm trở lại đây, tính từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, một trong những vấn đề cốt lõi được Oxfam đưa ra chính là chế độ thuế quan chưa công bằng. Oxfam nêu rõ, tại các nước phát triển, mức thuế thu nhập cá nhân của nhóm lao động có thu nhập cao đã giảm trung bình từ 62% vào năm 1970 xuống còn 38%, tính đến năm 2013.
Paul O’Brien, Phó chủ tịch Oxfam America cho biết: “Sẽ có một cuộc đối thoại công khai tại Mỹ và trên toàn thế giới để thảo luận về một hệ thống thuế công bằng và hiệu quả, điều mà chính phủ các nước phát triển ngày nay chưa thể đảm bảo”. Ông cũng nhận xét: “Ở nhiều quốc gia, một nền giáo dục tốt hoặc chế độ chăm sóc sức khỏe cần thiết đã trở thành điều xa xỉ mà chỉ người giàu mới có thể mua được. Mỗi ngày, trên thế giới có khoảng 10.000 người tử vong vì không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng”.
Oxfam chỉ ra rằng, chính phủ các nước phát triển cần nhanh chóng hành động để tạo ra một chế độ thuế quan công bằng, đảm bảo rằng các khoản thuế từ nhóm lao động thu nhập cao và nhóm tỉ phú trên thế giới được sử dụng để tài trợ cho các dịch vụ công cộng chất lượng tốt.
Trong năm 2018, Báo cáo về Bất bình đẳng của Guletty cũng cho thấy, kể từ năm 1980 đến năm 2016, khoảng 50% dân số thuộc nhóm lao động nghèo nhất trên thế giới có mức thu nhập chỉ khoảng 12 xu trong mỗi 1 USD tăng trưởng toàn cầu. Ngược lại, 1% dân số giàu nhất thế giới kiếm khoảng 27 xu trong mỗi 1 USD. Như vậy, trong nhiều năm trở lại đây, nỗ lực giải quyết bất bình đẳng giàu nghèo tại các quốc gia phát triển được đánh giá là không đáp ứng các cam kết viện trợ nước ngoài.
Bất bình đẳng giới
Khoảng cách giàu nghèo tại các nước phát triển cũng gây nên các hệ lụy rõ rệt, đặc biệt là vấn đề về bình đẳng giới. Theo Oxfam: “Học sinh, sinh viên nữ thường bị đuổi khỏi trường trước tiên nếu không có đủ tiền để chi trả học phí. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng phải dành hàng giờ làm việc mà không nhận được mức lương xứng đáng vì hệ thống chăm sóc sức khỏe không được cung cấp đủ ngân sách. Vấn đề này có thể được nhìn nhận một cách rõ nét nhất tại Ấn Độ, nền kinh tế lớn trên đà phát triển nhất thế giới. Ấn Độ là một trong những quốc gia có tỉ lệ lao động nữ tham gia vào quá trình sản xuất thấp nhất. Theo dữ liệu được công bố mới đây của Ngân hàng Thế gới, nước này chỉ có khoảng 27% lao động nữ tuổi từ 15 trở lên được xếp trong nhóm công dân với mức chi tiêu đủ để trang trải cuộc sống.
ĐẶNG THỤC LINH