Israel tranh cãi xây cánh đồng điện Mặt Trời khổng lồ trên sa mạc nguyên sơ
VHO - Một kế hoạch do Cơ quan Quản lý Đất đai Israel (ILA) đề xuất nhằm xây dựng cánh đồng điện Mặt Trời có diện tích gấp đôi thành phố Tel Aviv tại một trong những khu vực sa mạc ngoạn mục nhất của Israel đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Theo Chính phủ Israel, mục tiêu sản xuất 30% điện năng từ các nguồn tái tạo - chủ yếu là năng lượng Mặt Trời - vào năm 2030 sẽ đòi hỏi việc kết hợp các tấm pin Mặt Trời lắp đặt trên mái nhà, cơ sở hạ tầng hiện có trong khu vực đô thị và nông nghiệp, bên cạnh các cánh đồng điện mặt trời chuyên dụng.
Kế hoạch Cơ sở Hạ tầng Quốc gia số 182 (Tatal 182) đề xuất chọn 2 địa điểm Oron và Zin ở sa mạc Negev để triển khai dự án, với tổng diện tích lên tới 110 km².
Mặc dù khu vực xây dựng không thể nhìn thấy từ các làng mạc hay tuyến đường chính, ILA thừa nhận rằng nó sẽ gây chú ý đối với những người đi bộ đường dài, đặc biệt là trên tuyến đường mòn Israel Trail qua núi Carbolet - được đặt tên theo hình dáng giống chiếc mào gà, hay "karbolet" trong tiếng Hebrew. Mỏm đá này là một phần của dãy núi bao quanh miệng hố Ramon, nơi có thể quan sát khung cảnh sa mạc nguyên sơ trải dài ngút tầm mắt.
Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên Israel cảnh báo rằng kế hoạch sẽ biến những khung cảnh “tựa như trong Sách Sáng Thế” thành một khu công nghiệp rộng lớn.
ILA dự kiến sử dụng tới 80% diện tích để lắp đặt các tấm pin mặt trời quang điện, đồng thời kết hợp sử dụng mặt đất cho các cơ sở ngầm như hệ thống lưu trữ điện và trung tâm máy chủ.
Phần còn lại sẽ dành cho các ngành công nghiệp liên quan đến năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất hydro, tái chế tấm pin Mặt Trời, trung tâm nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo, cũng như khu vực thử nghiệm công nghệ.
Tại buổi trình bày ngày 2.7 vừa qua cho đại diện các bộ ngành, địa phương và tổ chức môi trường, ILA cho biết địa điểm được lựa chọn vì đã được quy hoạch cho khai thác mỏ và hạ tầng từ trước. Công ty ICL Rotem - một chi nhánh của tập đoàn ICL - hiện đang khai thác đá phosphate tại đây để phục vụ ngành phân bón, và dự kiến tiếp tục trong nhiều thập kỷ tới. Theo kế hoạch, khu vực nào khai thác xong sẽ được phục hồi và triển khai tiếp cánh đồng điện Mặt Trời theo từng giai đoạn. Hai tuyến đường khu vực đi qua địa điểm xây dựng, và một tuyến đường sắt vận tải hàng hóa cũng sẽ được nâng cấp trong tương lai, nằm trong tuyến đường sắt nối tới thành phố Eilat ở Biển Đỏ.
ILA nhấn mạnh rằng mặc dù các khu bảo tồn thiên nhiên giáp ranh với hai khu vực đất này, nhưng không có sự chồng lấn hay ảnh hưởng tới các hành lang sinh thái – tuyến di chuyển của động vật hoang dã.
Theo cơ quan này, tác động môi trường và cảnh quan của dự án là “hạn chế” so với các địa điểm khác, vốn chưa bị khai phá hoặc đang được canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, ILA không đưa ra phương án thay thế nào khác.
Kế hoạch khổng lồ này dự kiến mang lại lợi ích kinh tế đáng kể. Giai đoạn đầu tiên sẽ triển khai trên diện tích 7,7 dặm vuông, sản xuất 2 gigawatt điện. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra 10 gigawatt trong tổng nhu cầu 16 gigawatt để đạt chỉ tiêu 30% năng lượng tái tạo.
ILA trích dẫn ước tính của Hội đồng Kinh tế Quốc gia cho rằng việc sử dụng các khu đất lớn tại miền nam để sản xuất điện Mặt Trời có thể giúp tiết kiệm cho nền kinh tế khoảng 10 tỷ shekel (3 tỷ USD), kể cả chi phí xây dựng hệ thống truyền tải điện từ Negev về trung tâm Israel – nơi có nhu cầu tiêu thụ lớn nhất.
Bộ Năng lượng ủng hộ dự án này, cho rằng sản xuất điện mặt trời tại một cơ sở xa xôi sẽ rẻ hơn so với sử dụng khí tự nhiên hoặc triển khai điện Mặt Trời trong các thành phố – ngay cả khi tính đến chi phí truyền tải và tổn hao điện năng trên đường dây.
Tuy nhiên, Bộ Bảo vệ Môi trường lại đưa ra cảnh báo, cho rằng cần có một “quy hoạch cân bằng” nhằm bảo tồn không gian mở, khu vực nông nghiệp, đa dạng sinh học và các vùng nhạy cảm như Oron-Zin.
Nếu được phê duyệt, giai đoạn quy hoạch dự kiến kéo dài đến tháng 12.2027, và cần hàng tỷ USD để kết nối cánh đồng điện Mặt Trời này vào lưới điện quốc gia.
Theo THANH BÌNH (PHÓNG VIÊN TTXVN TẠI ISRAEL)/Báo Tin tức và Dân tộc
Link bài viết gốc