Vì sao Tổng thống Macron chọn thời điểm này để công nhận Nhà nước Palestine?
VHO - Tuyên bố sẽ công nhận Nhà nước Palestine vào tháng 9.2023 của Tổng thống Macron là một bước đi táo bạo – thể hiện cả khát vọng ngoại giao lẫn sự sốt ruột trước bế tắc hòa bình Trung Đông.

Thông báo của ông Macron vào tối muộn 24.7 trên mạng X rằng Pháp sẽ công nhận nhà nước Palestine vào tháng 9 (trở thành thành viên đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và G7 làm như vậy) đã khiến nhiều người bất ngờ.
Mặc dù việc Pháp công nhận đã được dự đoán từ vài tháng trước nhưng không ai ngờ rằng mọi chuyện lại diễn ra như thế này. Thực tế là cuộc chiến tranh ngắn ngủi giữa Israel và Iran đã buộc phải hoãn hội nghị thượng đỉnh về Israel-Palestine với Saudi Arabia và các đồng minh châu Âu mà Paris đang dẫn dắt.
Thông báo bất ngờ nói trên cho chúng ta biết hai điều.
Đã đến lúc cần hành động
Thứ nhất, Tổng thống Emmanuel Macron cảm thấy đây là lúc phải hành động. Các nhà lãnh đạo Pháp, Anh và Đức dự kiến sẽ có bài phát biểu trong ngày 25.7 để kêu gọi hành động khẩn cấp trước tình hình khủng hoảng nhân đạo đang ở mức thấp nhất tại Gaza.
Hơn 1.000 người dân Gaza đã thiệt mạng trong nỗ lực tuyệt vọng tìm kiếm thức ăn kể từ tháng 5 vừa qua, hàng chục người khác cũng chết vì đói.
Hình ảnh những người dân Gaza gầy gò, đói khát, bao gồm cả trẻ em, gợi nhớ đến những góc tối nhất của thế kỷ 20, khơi dậy sự phẫn nộ của châu Âu đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Quyết định của Tổng thống Macron là một bước đi táo bạo – tiếp nối một số đồng minh châu Âu như Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha, nhưng lại đóng vai trò dẫn dắt để các cường quốc quốc tế khác noi theo.
“Tôi đã trao đổi qua điện thoại với các đồng cấp khác và tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ không phải là những người duy nhất công nhận Palestine vào tháng 9”, một quan chức cấp cao trong chính phủ Pháp nói với CNN sau thông báo của Macron.
Giờ đây, mọi ánh mắt có lẽ sẽ đổ dồn về phía Vương quốc Anh, và có thể cả nước Đức. Nhưng viễn cảnh Mỹ – đồng minh thân cận nhất của Israel – đi theo hướng này dường như là điều bất khả thi.
Tuy nhiên, đối với những người đang sống tại khu vực xung đột, quyết định của Pháp có lẽ sẽ không mang lại nhiều thay đổi.
Động thái này được Hamas hoan nghênh là một “bước đi tích cực”. Trong khi đó, giới lãnh đạo Israel lại hoàn toàn không hài lòng.
Pháp cho biết Chính quyền Palestine đưa ra "những cam kết chưa từng có" về cải cách trước hội nghị bàn về tư cách nhà nước của vùng lãnh thổ này.
Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu đã phát biểu vào tối 24.7 rằng việc công nhận Nhà nước Palestine "là phần thưởng cho khủng bố", trong khi các bộ trưởng khác lập luận rằng động thái này giờ đây biện minh cho việc sáp nhập chính thức Bờ Tây - Judea và Samaria theo cách nói của phe cực hữu Israel.
Quan điểm của Israel nhanh chóng được Mỹ đồng tình khi nước này đang ngày càng bất đồng với các đồng minh phương Tây ở châu Âu về cuộc chiến của Israel ở Gaza.
Ngoại trưởng Marco Rubio cho biết Mỹ "kịch liệt phản đối" kế hoạch của Macron. "Quyết định liều lĩnh này chỉ phục vụ cho tuyên truyền của Hamas và cản trở hòa bình", ông Rubio viết trên X ngày 24.7, “Đây là một cái tát vào mặt các nạn nhân của ngày 7.10”.
Ngay cả khi sự công nhận quốc tế có thể mang lại thay đổi cụ thể một cách kỳ diệu cho Gaza, thì hạn chót vào tháng 9 vẫn là quá muộn đối với những người Palestine đang chết đói dưới sự phong tỏa lương thực do Israel kiểm soát.
Philippe Lazzarini, người đứng đầu UNRWA, cơ quan chính của Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine, ngày 24.7 nói rằng người dân ở Gaza trông giống như “những xác chết biết đi” khi nạn đói hoành hành.
Toàn bộ khoảng 2,1 triệu người ở Gaza hiện đang thiếu lương thực và hôm 22.7, Cơ quan Y tế Gaza cho biết 900.000 trẻ em đang bị đói. Khoảng 70.000 trẻ em đã có dấu hiệu suy dinh dưỡng.
Một nỗ lực ngoại giao xa vời?
Thứ hai, việc Pháp đơn phương ra tuyên bố công nhận Nhà nước Palestine cũng phần nào phản ánh sự sốt ruột từ phía Tổng thống Macron. Ông vốn là người ưa thích các liên minh trên trường quốc tế, bởi sức mạnh trong tập thể thường là chiến lược mang lại hiệu quả.
Cách đây một tháng, mọi thứ dường như đã sẵn sàng cho bước đi đó – một hội nghị thượng đỉnh do Pháp và Saudi Arabia đồng tổ chức đã được lên kế hoạch tại Riyadh, dự kiến diễn ra từ ngày 17 đến 20.6. Nhưng khi xung đột công khai giữa Israel và Iran nổ ra vào ngày 13.6, kế hoạch này đã tan vỡ.
Giới chuyên gia từng kỳ vọng Pháp và Saudi Arabia sẽ tập hợp các đồng minh để cùng nhau công nhận Palestine – gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Israel và Mỹ về tầm quan trọng của giải pháp hai nhà nước và tiến trình hòa bình.
Ông Macron vẫn có thể đạt được chiến thắng vào tháng 9 nếu các đồng minh cùng tham gia, nhưng điều đó sẽ không thể xảy ra nếu không có sự đánh đổi uy tín ngoại giao và nỗ lực vận động những đối tác còn do dự.
“Mục tiêu là tạo ra một chút áp lực lên các nước khác”, một quan chức cấp cao của Pháp nói.
Theo THU HẰNG (THEO CNN)/Báo Tin tức và Dân tộc
Link bài viết gốc