Hồi chuông cho những di sản

VHO- Ngày 1.8, Ủy ban Di sản UNESCO đã ngừng liệt kê Rạn san hô Great Barrier của Australia là một địa điểm “đang trong tình trạng nguy hiểm”, tuy nhiên vẫn đưa ra cảnh báo hệ sinh thái Rạn san hô lớn nhất thế giới này đang phải chịu mối đe dọa nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường và nóng lên của các đại dương.

Hồi chuông cho những di sản - Anh 1

 UNESCO đưa Venice (Italia) vào danh sách di sản gặp nguy hiểm

Rạn san hô Great Barrier là nơi đóng góp khoảng 4 tỉ USD cho nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ 64.000 việc làm. Chính vì vậy, Australia đã thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo tồn trong nhiều năm để giữ cho Rạn san hô Great Barrier nằm ngoài danh sách nguy hiểm của UNESCO, tránh tình trạng mất di sản, giảm sức hút đối với khách du lịch.

Trước đó, vào tháng 11.2022, UNESCO đã đề nghị đưa Rạn san hô này vào danh sách nguy hiểm sau các vụ tẩy san hô diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, ban hội thẩm đã ghi nhận những cam kết và hành động của Chính phủ Australia trong việc bảo tồn Rạn san hô. Thủ tướng Australia Anthony Albenese cho biết, những tiến bộ đáng kể trong việc ngăn chặn thay đổi khí hậu, tăng chất lượng nước và quản lý việc đánh cá của ngư dân đều góp phần khiến rạn san hô trở nên mạnh khỏe hơn, tuy nhiên vẫn cần nhiều hành động tiếp theo để đưa rạn ra khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Chính phủ Lao động trung tả Australia đã cam kết 1,2 tỉ đô la Australia nhằm bảo vệ rạn san hô, đồng thời từ chối cấp phép một mỏ than mà họ cho rằng có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước của rạn san hô. Hội đồng Liên Hợp Quốc đã yêu cầu Chính phủ Australia nộp báo cáo tiến độ trước tháng 2.2024. Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới tại Australia cho biết, UNESCO vẫn có thể đưa rạn san hô vào danh sách các địa điểm có nguy cơ tuyệt chủng, nếu chính phủ nước này không chứng minh được tiến độ thực hiện các cam kết đã đưa ra.

UNESCO không chỉ cảnh báo Rạn san hô Great Barrier của Australia nằm trong danh sách nguy hiểm, mà UNESCO còn khuyến nghị thêm Venice (Italia) vào danh sách di sản thế giới cũng đang gặp nguy hiểm. Theo khuyến nghị của các chuyên gia của UNESCO, Venice và đầm phá của thành phố này nên được thêm vào danh sách Di sản Thế giới đang trong tình trạng nguy hiểm với nguyên nhân Italia đang không làm tốt trong việc bảo vệ thành phố khỏi tác động của biến đổi khí hậu và du lịch đại chúng.

Các chuyên gia của Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO thường xuyên xem xét tình trạng của 1.157 địa điểm Di sản Thế giới của cơ quan văn hóa Liên Hợp Quốc và tại một cuộc họp vào tháng 9 tới đây, một Ủy ban gồm 21 quốc gia thành viên của UNESCO sẽ xem xét hơn 200 địa điểm và quyết định xem địa điểm nào vào danh sách nguy hiểm. UNESCO cho biết, việc giải quyết các vấn đề mang tính lâu dài này là rất cấp bách, tuy nhiên lại bị cản trở do thiếu tầm nhìn chiến lược chung để bảo tồn lâu dài, đồng thời quản lý phối hợp giữa các bên liên quan vẫn mang hiệu quả thấp. Theo UNESCO, các biện pháp khắc phục do Italia đề xuất là không đầy đủ và cần chi tiết, cụ thể hơn nữa nước này đã không cung cấp thông tin thường xuyên và thành thật kể từ phiên họp cuối cùng vào năm 2021, khi UNESCO “đe dọa” đưa Venice vào danh sách đen.

Venice, thành phố được biết đến với các kênh đào tuyệt đẹp cùng các địa điểm văn hóa, đã gặp khó khăn với du lịch đại chúng trong nhiều năm. Vào năm 2019, lượng khách lên đến 193.000 người chen chúc tại trung tâm nhân dịp Lễ hội hóa trang. Venice đã chuẩn bị áp dụng một khoản phí dành cho khách du lịch nhằm kiểm soát lượng khách, nhưng cuối cùng bị trì hoãn do gặp phản đối.

Đối với gần 10 địa điểm trong số này, các chuyên gia khuyến nghị các quốc gia thành viên đưa chúng vào danh sách nguy hiểm, trong số đó đã có trung tâm lịch sử của Odessa (Ukraine), thị trấn Timbuktu (Mali) và một số địa điểm ở Syria, Iraq và Libya. Các địa điểm khác được khuyến nghị đưa vào danh sách nguy hiểm trong năm nay là các thành phố Kyiv và Lviv của Ukraine. 

 HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc