Hàn Quốc nâng cảnh báo du lịch tại biên giới Campuchia - Thái Lan
VHO - Ngày 27.7, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo điều chỉnh nâng mức cảnh báo du lịch lên cấp độ 2.5, tương đương mức “khuyến cáo du lịch đặc biệt” trong hệ thống bốn cấp của nước này, áp dụng cho nhiều tỉnh biên giới của Campuchia và Thái Lan.

Trong bối cảnh xung đột vũ trang đột ngột bùng phát tại khu vực biên giới giữa Campuchia và Thái Lan, nơi vốn là điểm tranh chấp âm ỉ nhiều thập niên qua, Hàn Quốc đã chính thức nâng mức cảnh báo du lịch tới vùng này.
Động thái này cho thấy mức độ lo ngại đang gia tăng trong cộng đồng quốc tế về nguy cơ lan rộng của cuộc xung đột.
Cảnh báo cấp độ 2.5 - Lời kêu gọi hủy hoặc hoãn chuyến đi
Theo cảnh báo mới này, công dân Hàn Quốc được khuyến nghị không đến hoặc phải rời khỏi ngay những khu vực được chỉ định, khuyến cáo này có hiệu lực trong vòng 90 ngày và có thể được gia hạn nếu tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp.
Danh sách cảnh báo bao gồm các tỉnh biên giới của Campuchia như: Banteay Meanchey, Pailin, Battambang, Pursat, Koh Kong, những khu vực từng là chiến địa trong các cuộc đụng độ biên giới trước đây.
Phía Thái Lan cũng không nằm ngoài khuyến cáo, với ba tỉnh: Sa Kaeo, Chanthaburi và Trat nằm trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi căng thẳng mới.
Đáng chú ý, đây là lần thứ hai trong vòng ba ngày Hàn Quốc ban hành cảnh báo mới, sau khi hôm 25.7 cơ quan này đã đưa ra cảnh báo tương tự đối với các tỉnh phía đông nam Thái Lan như: Surin, Buri Ram, Si Sa Ket, Ubon Ratchathani.
Các trạm kiểm soát biên giới như: Chiang Saen, Mae Sai, cũng như hai tỉnh Campuchia là Oddar Meanchey và Preah Vihear cũng được Hàn Quốc cảnh báo với công dân.
Căng thẳng vẫn leo thang
Căng thẳng leo thang kể từ ngày 24.7, khi các cuộc đọ súng, pháo kích và bắn tên lửa xảy ra liên tiếp tại các điểm nóng dọc biên giới, khiến ít nhất 33 binh lính và dân thường thiệt mạng, hơn 130 người bị thương.
Hình ảnh từ trên không ghi lại cảnh hàng trăm người dân Campuchia rời bỏ nhà cửa, tìm nơi trú ẩn tạm thời tại các ngôi chùa gần biên giới tỉnh Oddar Meanchey minh chứng cho tình trạng bất ổn nghiêm trọng trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã gửi thông điệp đến truyền thông, khuyến cáo người dân và du khách tránh xa các khu vực đang có giao tranh, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế theo dõi chặt chẽ diễn biến tại biên giới.
“Chúng tôi yêu cầu công dân có kế hoạch đi đến các khu vực nằm trong khuyến cáo du lịch đặc biệt hãy hủy hoặc hoãn chuyến đi. Những người hiện đang ở trong các khu vực bị ảnh hưởng được khuyến cáo di chuyển đến nơi an toàn hơn”, thông cáo của Bộ nêu rõ.
Nhiều nước cảnh báo công dân về tình hình tại biên giới Thái Lan - Campuchia
Biên giới Campuchia - Thái Lan từ lâu đã là khu vực nhạy cảm về địa chính trị, từng chứng kiến nhiều lần xung đột trong quá khứ liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là quanh khu vực đền Preah Vihear, nơi từng dẫn tới đối đầu quân sự giữa hai nước vào những năm 2008-2011.
Dù các bên đã có những bước tiến ngoại giao nhằm ổn định tình hình, song sự phức tạp trong quan hệ hai nước, kết hợp với các yếu tố chính trị nội bộ và dòng người di cư trái phép, luôn tiềm ẩn nguy cơ làm bùng phát xung đột bất ngờ.
Động thái cảnh báo du lịch từ Hàn Quốc không chỉ là biện pháp bảo vệ công dân, mà còn là lời nhắc nhở về sự mong manh của hòa bình ở một trong những “điểm nóng” biên giới nhạy cảm nhất Đông Nam Á.
Trong khi đó, cũng trong ngày hôm nay, Bộ ngoại giao Nhật Bản cũng nâng cấp cảnh báo du lịch đối với công dân Nhật Bản từ cấp độ 1 lên cấp độ “khuyến cáo hủy bỏ du lịch”.
Nhật Bản đồng thời đưa ra những quy định chi tiết như: Không đến gần trong phạm vi 50km tính từ biên giới nếu ở Thái Lan và 30km nếu ở Campuchia.
Chính phủ Nhật Bản cũng yêu cầu công dân hủy bỏ lịch trình đến hai nước đang xảy ra xung đột, nếu không có vấn đề cấp thiết.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, hiện nay có khoảng 450 người Nhật đang có mặt tại khu vực phụ cận vùng chiến sự, nhưng đến thời điểm này, vẫn không có thông tin người Nhật tại Thái Lan và Campuchia bị thương vong do xung đột gây ra.
Trước đó, ngày 25.7, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khuyến cáo công dân nước mình về tình hình tại biên giới Thái Lan - Campuchia. Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam ở địa bàn cần theo dõi, tuân thủ nghiêm các quy định và hướng dẫn của chính quyền sở tại trong đó có việc không nên đến các khu vực đang diễn biến an ninh phức tạp.
Giữ liên hệ với các Cơ quan đại diện Việt Nam tại sở tại. Trong trường hợp cần sự hỗ trợ và cần biết các thông tin về bảo hộ công dân, công dân có thể liên hệ theo đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán, Tổng lãnh sự của ta ở 2 nước này.
Tác động tới khu vực và ngành Du lịch
Với Việt Nam và nhiều nước trong khu vực, diễn biến căng thẳng tại biên giới Campuchia - Thái Lan một lần nữa đặt ra bài toán về sự ổn định an ninh khu vực trong bối cảnh các quốc gia ASEAN đang nỗ lực phục hồi du lịch sau đại dịch.
Tình trạng bất ổn, nếu lan rộng, có thể ảnh hưởng đến dòng khách quốc tế, đặc biệt là những hành trình liên tuyến, đường bộ qua các cửa khẩu vùng tam giác Campuchia - Thái Lan - Lào.
Trong bối cảnh ASEAN đang thúc đẩy liên kết kinh tế, giao lưu nhân dân và phát triển tiểu vùng Mekong mở rộng, một xung đột cục bộ cũng có thể làm gián đoạn các sáng kiến hợp tác xuyên biên giới, gây áp lực không nhỏ đến an ninh phi truyền thống và hoạt động đầu tư - du lịch tại tiểu vùng.
Theo một số chuyên gia phân tích chính trị khu vực, nguyên nhân sâu xa của những đụng độ gần đây không chỉ nằm ở tranh chấp đất đai, mà còn phản ánh sự thiếu tin cậy chiến lược giữa hai chính quyền, cũng như những bất đồng âm ỉ chưa được giải quyết trong quá trình phân định biên giới.
Trong khi đó, việc các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản liên tục điều chỉnh khuyến cáo du lịch cho thấy nguy cơ khủng hoảng nhân đạo và bất ổn khu vực không còn là giả định xa vời.
Trước một thế giới đang nhiều bất ổn, những điểm nóng tưởng chừng đã lắng dịu như biên giới Campuchia - Thái Lan lại có thể bất ngờ bùng phát trở lại.
Trong khi các quốc gia ASEAN đang nỗ lực phục hồi kinh tế và du lịch, thì ngay cả những xung đột quy mô nhỏ cũng là lời cảnh tỉnh về sự cần thiết của đối thoại, kiềm chế và hợp tác khu vực để duy trì một Đông Nam Á hòa bình và ổn định.