Lễ hội lớn nhất hành tinh tại Ấn Độ:
Dự kiến thu hút 450 triệu du khách
VHO - Lễ hội Mahakumbh Mela lớn nhất hành tinh đã bắt đầu diễn ra từ 13.1 và sẽ kéo dài trong 6 tuần với sự tham gia của khoảng 450 triệu tín đồ đạo Hindu trong và ngoài Ấn Độ.
Lễ hội Maha Kumbh Mela diễn ra theo chu kì 12 năm một lần. Maha có nghĩa là "vĩ đại", và sự kiện này thu hút đông đảo tín đồ nhất tại Ấn Độ vì được coi là điềm lành và linh thiêng nhất.
Lễ hội bắt nguồn từ niềm tin của người Hindu rằng thần Vishnu đã lấy một chiếc bình đựng mật hoa bất tử từ quỷ dữ và nhỏ những giọt mật hoa đó xuống Trái đất tại địa điểm của các thành phố linh thiêng. Theo thần thoại, tiên dược rớt xuống 4 địa điểm là Prayagraj, Haridwar, Nashik, Ujjain và khiến những nơi này trở thành địa điểm tổ chức lễ hội Kumbh Mela ngày nay.
Những người tham gia lễ hội sẽ tắm trong các dòng sông linh thiêng. Đoàn người dẫn đầu thường là các thầy tu khỏa thân bôi tro, nhiều người thường đi bộ hàng tuần để đến địa điểm này.
Những người theo đạo Hindu tin rằng việc ngâm mình trong hợp lưu của hai con sông trong lễ hội Maha Kumbh Mela sẽ giúp họ được giải thoát khỏi tội lỗi và thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.
Thành phố Prayagraj, bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ nằm ở ngã ba sông Ganga, Yamuna và Saraswati, đã khẩn trương chuẩn bị chu đáo cho cuộc hành hương mong đợi. Trải rộng trên diện tích khoảng 4.000 hecta đất và được chia thành 25 khu vực, Mahakumbh Mela năm nay được coi là rất tốt lành vì theo các nhà chiêm tinh, sẽ có một sự liên kết thiên thể hiếm hoi xảy ra sau 144 năm.
Theo CNN, hơn 150.000 lều trại đã được dựng lên, 3.000 bếp ăn được trang bị có thể phục vụ tới 50.000 người cùng một lúc, 145.000 phòng vệ sinh và khoảng 100 bãi đỗ xe đã sẵn sàng để phục vụ lễ hội.
Gần 100 chuyến tàu đặc biệt cũng đã được thêm vào lịch trình, dự kiến thực hiện 3.300 chuyến trong suốt lễ hội để vận chuyển du khách.
Cảnh sát tiểu bang cũng đã điều động hơn 40.000 nhân viên, cũng như máy bay không người lái và các chuyên gia về tội phạm mạng sử dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát mọi người.
Với rất nhiều người tham dự, lễ hội này là một thử thách quan trọng đối với các nhà chức trách trong việc tổ chức và quản lý việc di chuyển của hàng triệu người. Những vụ việc xô đẩy khi hành hương gây chết người tại các cuộc tụ họp tôn giáo ở Ấn Độ không phải hiếm gặp.
Năm nay, các quan chức cho biết các biện pháp an toàn bổ sung đã được áp dụng tại Prayagraj để bảo vệ du khách, bao gồm một vành đai an ninh với các trạm kiểm soát khắp thành phố do hơn 1.000 cảnh sát canh gác. Hơn một trăm xe cứu thương đường bộ, 7 xe cứu thương đường sông và xe cứu thương hàng không cũng đang sẵn sàng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Các viên chức cho biết chính quyền tiểu bang đã phân bổ khoảng 765 triệu USD (64 tỷ rupee) để tổ chức sự kiện năm nay. "An ninh và sự an toàn của những người hành hương là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi", cảnh sát trưởng UP Prashant Kumar cho biết.
Năm 2017, Lễ hội Kumbh Mela đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là sự công nhận quan trọng đối với lễ hội, ghi nhận giá trị văn hóa, tôn giáo và cộng đồng của Lễ hội Kumbh Mela.
UNESCO mô tả đây là "cuộc tụ họp hòa bình lớn nhất của những người hành hương trên Trái đất" và nói rằng lễ hội này "đóng vai trò tâm linh trung tâm trong cả nước, cũng như tác động của nó đối với hàng triệu tín đồ tham gia mỗi năm.